Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan hôm 26/5 đã nhắc lại các cuộc điều tra vô cùng kỹ lưỡng của Bắc Kinh về việc bán phá giá lúa mạch của Australia. Họ cho biết các cuộc điều tra này đều tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – Australia (ChAFTA)
Vào tuần trước, Bắc Kinh đã áp thuế 80,5% đối với tất cả mặt hàng lúa mạch và cấm các lô hàng thịt bò từ 4 nhà sản xuất của Australia với lý do những mặt hàng này không đáp ứng tiêu chuẩn về nhãn hiệu và chứng nhận nhập khẩu trong thời gian dài.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các biện pháp này đã làm dấy lên lo ngại Trung Quốc sẽ áp thêm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc năm 2019, đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu của Australia có lịch sử vi phạm tiêu chuẩn nhập khẩu. Cục Quản lý Hải quan Trung Quốc cũng đã cảnh báo về các chất độc hại trong những lô hàng xuất khẩu yến mạch và bột yến mạch lớn của CBH Group – nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Australia.
Năm ngoái, hai lô hàng bột yến mạch xuất khẩu trong tháng 5, mỗi lô nặng hơn 500.000 kg, một lô hàng yến mạch trong tháng 6 có khối lượng 540.000 kg và lô hàng 570.000 kg yến mạch trong tháng 9, đã không được thông quan khi đến các thành phố phía Nam của Trung Quốc, là Thâm Quyến và Sán Đầu.
Ngoài ra, lô hàng bột yến mạch bị cho là có chất độc hại, nặng gần 3.000 kg, từ nhà sản xuất ngũ cốc Sanitarium của Australia, cũng đã bị chặn lại ở Nam Kinh vào tháng 1/2019.
Theo Bloomberg, các nhà chức trách cho biết các quan chức Trung Quốc đang cân nhắc đưa ra một danh sách các mặt hàng, bao gồm rượu vang, sữa, hải sản, bột yến mạch và trái cây, để đưa vào kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt hơn, kiểm tra chống bán phá giá hoặc có thể trì hoãn thủ tục hải quan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối trả lời các câu hỏi về danh sách được báo cáo. Tuy nhiên, người phát ngôn Triệu Lập Kiên tuần trước cho rằng ông hy vọng Australia sẽ hợp tác với Trung Quốc để có các hành động có lợi cho quan hệ song phương và tin tưởng lẫn nhau.
Trung Quốc đã cấm xuất khẩu và áp thuế đối với mặt hàng thịt bò và lúa mạch Australia. Điều này làm dấy lên nghi ngờ Bắc Kinh đang sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu để trừng phạt Canberra, vì nước này đã đề xuất điều tra y tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, được cho là do Mỹ lôi kéo.
Trang Daily Mail hôm 25/5 dẫn nguồn tin Global Times cho biết Trung Quốc sẽ trừng phạt Australia mạnh hơn cả Mỹ, vì nước này ít phụ thuộc kinh tế vào Australia. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc trong khi Australia là thị trường thứ 14.
“Trung Quốc sẽ có nhiều lý do để trả đũa Australia nếu Canberra ủng hộ Washington trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Điều đó có nghĩa là Australia sẽ cảm thấy đau đớn hơn nhiều so với Mỹ”, tờ báo cho biết.
Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng thương mại làm công cụ ngoại giao. Trung Quốc đã phát hiện các lô hàng không đạt chuẩn trong các sản phẩm nông nghiệp từ Richardson International, nhà xuất khẩu cải dầu lớn nhất của Canada, hồi tháng 3 năm ngoái. Hành động này được cho là nhằm trả đũa việc Chính phủ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, thay mặt cho Mỹ.
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc vẫn là mối lo ngại đối với Australia khi nền kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết các động thái gần đây của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế nếu không được xem xét lại.
“Trung Quốc là quốc gia mà chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, đặc biệt là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy điều này ở nhiều quốc gia khác. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng lợi ích thương mại giữa Australia và Trung Quốc là lợi ích chung”, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham nói.
Ông Birmingham cho biết ChAFTA đã thúc đẩy phần lớn năng lực công nghiệp của Trung Quốc trong những năm gần đây, giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong khi đó, hiện 1/3 tổng lượng hàng xuất khẩu của Australia, gồm quặng sắt, khí đốt, than và thực phẩm được đưa tới Trung Quốc, đem lại 135 tỷ USD/năm và hàng nghìn việc làm cho Australia.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 25/5, Bộ trưởng Thương mại Zhong Shan cho biết việc bán phá giá của Australia đã làm tổn thương nặng nề đối với sản phẩm lúa mạch của Trung Quốc.
“Trung Quốc là quốc gia thận trọng trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục thương mại. Từ khi Trung Quốc và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc chỉ thực hiện một cuộc điều tra thương mại chống lại Australia, trong khi nước này đã tiến hành 100 cuộc điều tra chống lại Trung Quốc trong cùng thời kỳ”, người phát ngôn bộ ngoại giao nói.
Trong một quan điểm tích cực, ông Birmingham cho biết ông hy vọng thương mại giữa hai quốc gia sẽ được cải thiện, đặc biệt là quặng sắt, sau khi Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các biện pháp kiểm dịch vì COVID-19.