Ngày 6/11/2012, hàng trăm triệu cử tri Mỹ sẽ chọn mặt gửi vàng, bầu người vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ, kết thúc một kỳ bầu cử có nhiều chuyện đáng nói, không chỉ về người sẽ lên ngai ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng mà còn về cách thức mà người dân Mỹ chọn tổng thống cũng như những diễn biến lạ lẫm thường tái diễn trong các kỳ bầu cử.
Hai ứng cử viên tổng thống Mitt Romney (trái) và Barack Obama (phải) đua tranh vị trí chủ nhân Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Luật pháp Mỹ qui định cứ 4 năm thì bầu lại tổng thống và dứt khoát phải vào năm chẵn và được ấn định vào ngày thứ Ba, đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Ngày bỏ phiếu ấn định này được duy trì suốt từ năm 1840 đến nay và có lý do của nó. Nước Mỹ vốn là quốc gia nông nghiệp, tháng 11 nông dân thu hoạch xong, rảnh rỗi đi bỏ phiếu.
Ngày thứ Ba đầu tiên nhưng phải sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 vì trước đây, giao thông khó khăn nếu bỏ phiếu vào ngày thứ Hai thì nông dân Mỹ phải đi từ ngày Chủ nhật mà ngày Chủ nhật lại là ngày đi lễ nhà thờ. Ngày 1/11 hàng năm vừa là ngày lễ tôn giáo lớn vừa là ngày mà, theo truyền thống, các doanh nghiệp của Mỹ quyết toán sổ sách của tháng trước.
Dựa vào số lượng dân cư, 50 bang của Mỹ được chia thành 435 địa hạt bầu cử, tương ứng với 435 ghế Hạ nghị sỹ. Bất luận lớn hay nhỏ, mỗi bang đều có 2 đại diện tại Thượng viện, do vậy tổng số Thượng nghị sỹ cả nước là 100 người. Thủ đô Oasinhtơn không thuộc quy chế bang, không có đại diện tại Thượng viện, chỉ có 3 ghế đặc biệt không được quyền biểu quyết tại Hạ viện.
Người dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà thông qua cái gọi là 538 phiếu đại cử tri, tức là bằng toàn bộ ghế lập pháp liên bang kể trên. Tại mỗi bang, ứng viên nào nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn thì giành toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Trong kỳ bỏ phiếu, ứng cử viên nào giành được quá bán tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri thì đắc cử tổng thống.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, ít nhất có một lần đã xảy ra vào năm 1837 khi cả hai ứng cử viên nhận được số phiếu đại cử tri bằng nhau và cũng có 4 lần vào các năm 1824, 1876, 1888 và 2000 xảy ra tình huống một ứng cử viên giành được số lượng phiếu phổ thông trong toàn quốc nhiều hơn nhưng lại không thắng cử, vì ứng cử viên kia giành được số phiếu đại cử tri nhiều hơn.
Trong trường hợp hai ứng cử viên nhận được số phiếu đại cử tri bằng nhau, Hạ viện sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống và Thượng viện chọn phó tổng thống. Năm 2000, ông Al Gore của đảng Dân chủ giành được nhiều hơn 100 phiếu phổ thông tại bang Florida so với đối thủ Cộng hòa George W. Bush, nhưng ông Bush đã tái cử khi Tòa án Tối cao can thiệp phán xử ông Bush giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn tại bang thiết yếu này.
Năm 2012, nếu hai ứng cử viên đều giành được 269 phiếu đại cử tri, tình hình sẽ phức tạp, Tổng thống có thể là người của Cộng hòa trong khi Phó tổng thống có thể là người của đảng Dân chủ vì Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát trong khi Thượng viện lại do Dân chủ nắm đa số ghế.
Hiến pháp Mỹ quy định khá tỷ mỉ về điều kiện tranh cử ghế tổng thống: người tranh cử phải là công dân Mỹ, sinh ra trên đất Mỹ, tuổi từ 35 trở lên và cư trú ở Mỹ ít nhất 14 năm. Ứng cử viên Tổng thống và ứng cử viên Phó tổng thống không được cùng một bang.
Tiến trình bầu cử ở Mỹ kéo dài và phức tạp nhất thế giới, đầu tiên là bầu cử sơ bộ trong nội bộ từng đảng, sau đó bước vào vòng tổng tuyển cử giữa các ứng cử viên đã được đề cử của các đảng, kéo dài xấp xỉ hai năm!
Liệu nước Mỹ có dân chủ ?
Nước Mỹ luôn tự cho mình là quốc gia dân chủ nhất, nhưng liệu có phải như thế không? Danh nghĩa là tự do, vì kỳ bầu cử nào cũng có tới 5-7 đảng tham gia, nhưng thực chất chỉ là cuộc “so găng” giữa hai đảng độc chiếm nền chính trị nước Mỹ là “Con Voi” (Cộng hòa) và “Con Lừa” (Dân chủ).
Trong cuộc bầu cử 2012, tham gia tranh cử cũng có đại diện một số đảng phái khác với những cái tên nghe lạ tai như Đảng Trà (Tea Party), đảng Xanh (Green Party), đảng Cấm đoán (Prohibition Party), nhưng báo chí hầu như chẳng đếm xỉa gì tới họ, chứ chưa nói tới chuyện họ làm gì có lượng tiền to như Con Voi hay Con Lừa !
Nước Mỹ cũng tự cho mình là quốc gia tự do nhất thế giới, tới mức cử tri đi bỏ phiếu hay không là tùy thích. Kỳ bầu cử 2008 được đánh giá đã đi vào lịch sử với kỷ lục về số lượng cử tri đi bỏ phiếu, nhưng cũng chỉ đạt 63,1%.
Để thu hút lượng cử tri đi bỏ phiếu đông nhất có thể được, luật bầu cử Mỹ cho phép người dân, bất luận lý do gì, có thể bỏ phiếu vắng mặt hoặc bỏ phiếu sớm hơn 55 đến 45 ngày trước ngày bỏ phiếu chính thức, tùy từng bang, trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Trong cuộc bầu cử năm 2012, có 27 bang cho phép cử tri đi bỏ phiếu sớm, trong đó Carolina Bắc là bang bắt đầu sớm nhất, từ ngày 5/9/2012 - đúng ngày Tổng thống Obama được đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai- và 7 bang cung với thủ đô Oasinhtơn cử tri được phép bỏ phiếu vắng mặt.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, một trong những nguyên nhân giúp ông Obama thắng áp là do ông rất thành công trong việc hô hào cử tri đông đảo tại các bang dao động đi bỏ phiếu sớm.
Trong năm bầu cử 2012, cả ông Obama và ông Mitt Romney đều vận động hết cỗ máy tranh cử, dùng internet, điện thoại, thậm chí đến gõ cửa từng nhà, hô hào cử tri đi bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên, do cử tri Dân chủ có truyền thống đi bỏ phiếu sớm đông hơn, trong 4 năm qua phe Cộng hòa nhiều lần đòi phải thay đổi quy định này.
Kết quả, năm 2011, bang Florida đã thông qua điều luật giảm số ngày bầu cử sớm từ 14 xuống còn 8 ngày. Lợi thế bỏ phiếu sớm là một lý do ngày 25/10 vừa qua, ông Obama đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên thực hiện quyền đặc biệt này, muốn làm gương cho các cử tri ruột. Trong các kỳ bầu cử 2008 và 2004 tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm đạt tỷ lệ lần lượt là 30,6% và 22%, năm 2012 dự báo có thể đạt 35%.
Luật bầu cử cũng quy định khá rõ ràng về ngày nhậm chức và số nhiệm kỳ của Tổng thống. Theo điều khoản bổ sung thứ 12, nhiệm kỳ của tổng thống mới được bắt đầu vào trưa 20/1 của năm sau năm bầu cử, thay vì trước đây là ngày 4/3, ngày Hiến pháp Mỹ bắt đầu có hiệu lực năm 1789. Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ là 4 năm và điều khoản bổ sung thứ 22 của Hiến pháp sau Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất quy định không cho ai làm Tổng thống quá hai lần hoặc quá một lần nếu đã có hơn nửa nhiệm kỳ thay thế hoặc làm quyền tổng thống.
Những chiêu tranh cử
Không sai khi nói rằng một bộ phận cử tri Mỹ "không có lập trường chính trị". Theo nhận xét của Steve Baas, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ở bang Wisconsin: “Cử tri Mỹ thường bỏ phiếu bầu Tổng thống dựa vào cảm tính. Tài năng và tầm nhìn chưa đủ thuyết phục mà lá phiếu của cử tri còn tùy thuộc vào việc họ cảm thấy thoải mái hoặc thích sự sành điệu, thậm chí cả sự khoái khẩu của ứng cử viên".
Tổng thống Ôbama năm 2012 không chỉ khai thác triệt để lợi thế của các trang mạng mà còn nhấn mạnh cả vào cái gu thích uống bia của người Mỹ. Theo kết quả một cuộc thăm dò với câu hỏi "Ai là người bạn thích uống bia cùng”, ông Obama thắng điểm tuyệt đối ông Romney. Ông Obama cũng đã đi vào lịch sử với tư cách là Tổng thống Mỹ đầu tiên nấu bia cho chính mình trong Nhà Trắng, gọi là bia mật ong "Honey Ale".
Bầu cử Mỹ còn có độc chiêu chính trị, đó là bôi nhọ, bới móc đời tư. Năm 2012, ông Obama liên tục bị thách đố về lai lịch. Trùm bất động sản Donald Trump thề đóng 5 triệu USD vào quỹ từ thiện nếu ông Obama công khai giấy khai sinh. Trùm công nghiệp tình dục Larry Flynt ngày 12/9 đăng trên báo "Bưu điện Oasinhtơn" một quảng cáo trả 1 triệu USD cho những thông tin về chuyện chăn gối của ứng viên Romney! Tổng thống Bush có thời nghiện rượu, Tổng thống Obama từng hút thuốc lá… là những chuyện đã được nêu ra như những chuyện giật gân trong năm bầu cử.
Thái Hùng (Pv TTXVN tại Oasinhtơn)