Ngoại giao ở Gaza củng cố vai trò hòa giải toàn cầu của Qatar

Theo tờ Wall Street Journal, ngoại giao của Qatar trong cuộc chiến ở Gaza, bao gồm cả việc hỗ trợ dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và thả con tin có hiệu lực vào hôm 24/11, đã củng cố quốc gia Hồi giáo giàu có này trở thành nhà đối thoại được Mỹ ủng hộ, với các nhóm cực đoan và các quốc gia khác nhau - ở Trung Đông và ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Xe của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tiếp nhận các con tin được Phong trào Hồi giáo Hamas trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, ngày 24/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là một vai trò đã từng bước được hình thành khoảng 30 năm trước khi chế độ quân chủ nhỏ bé ở vùng Vịnh Ba Tư tìm cách bảo vệ chính mình giữa các nước láng giềng lớn hơn bằng cách giải quyết các tranh chấp trong khu vực đồng thời giành được sự tin cậy của Mỹ và các nước phương Tây khác. Qatar cũng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ trong hai thập kỷ và mua vũ khí trị giá hàng tỷ USD từ Mỹ và châu Âu.

Mặc dù vậy, cách tiếp cận này cũng mang lại mối nguy hiểm lớn, vì việc Qatar sẵn sàng đàm phán với các nhóm cực đoan đã khiến nhiều quốc gia láng giềng và những nước khác cáo buộc Qatar ủng hộ "chủ nghĩa khủng bố", điều mà Qatar phủ nhận.

Bảy tuần hòa giải tích cực vừa qua, được Qatar tiến hành vài giờ sau cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas nhằm vào Israel hôm 7/10, một lần nữa đã làm bộc lộ những căng thẳng đó. Một số nhà lập pháp và cựu quan chức cấp cao của Mỹ đã chỉ trích Qatar là nước ủng hộ chủ chốt của Hamas, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc ép nước này giúp đảm bảo việc thả hàng trăm con tin, trong đó có một số công dân Mỹ.

Qatar đã mở một kênh liên lạc với các lãnh đạo của Hamas hơn một thập kỷ trước, một bước đi mà các quan chức Qatar cho biết là theo yêu cầu của Mỹ. Qatar sau đó đã cho phép nhóm này mở văn phòng tại Doha và viện trợ hàng trăm triệu USD cho Gaza. Nhiều người ở Israel nghi ngờ mối quan hệ của Qatar với Hamas và lo ngại điều này có thể cản trở nỗ lực tiêu diệt nhóm Hồi giáo người Palestine này.

Trong khi đó, các quan chức Qatar cho biết họ đã quen với việc bị nghi ngờ về động cơ và sự tin cậy trong nhiều năm qua, nhưng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Majed Al Ansari, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và cố vấn cấp cao của Thủ tướng Qatar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Giới lãnh đạo chính trị của Qatar sẵn sàng chấp nhận rủi ro” trong việc duy trì liên lạc với các bên bị phương Tây xa lánh.

Chiến lược của Qatar khiến quốc gia vùng Vịnh này gặp rủi ro đặc biệt cao khi các nước láng giềng Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế vào năm 2017, được chính quyền Trump "bật đèn xanh" và cân nhắc tiến hành một cuộc tấn công trên bộ. Saudi Arabia, Ai Cập và các nước khác ngày càng thất vọng với chính sách đối ngoại độc lập của Qatar. Nhưng rạn nứt ngoại giao và tẩy chay kinh tế kết thúc sau 3 năm mà không đạt được bất kỳ nhượng bộ có ý nghĩa nào. Qatar thay vào đó đã tăng cường nỗ lực hòa giải một số cuộc xung đột gai góc nhất thế giới và tự nhận mình là "trọng tài trung lập".

“Qatar sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để trở thành bên không thể thiếu đối với Mỹ. Đó là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Qatar. Điều đó cũng có nghĩa là đôi khi họ phải giữ khoảng cách rõ ràng với Mỹ, vì khi đó họ có thể nói chuyện với phía bên kia”, Patrick Theros, cựu đại sứ Mỹ tại Qatar, cho biết.

Chú thích ảnh
Những người Mỹ được giải thoát khỏi nhà tù ở Iran đã đến Qatar vào tháng 9 trên đường trở về Mỹ. Ảnh: EPA

Qatar đã trở thành nhà đàm phán chủ chốt về việc thả con tin bị Hamas bắt giữ. Trong những năm gần đây, Vương quốc nhỏ bé này cũng đã dẫn đầu các nỗ lực hòa giải ở Afghanistan, Iran và Ukraine.

Vào cuối cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ ở Afghanistan, chính Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Phiến quân Hồi giáo này đã mở văn phòng ở Doha vào năm 2013 theo yêu cầu của Mỹ nhằm tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của cơ quan tình báo Pakistan đối với họ.

Khi chính phủ ở Kabul do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ vào tháng 8/2021, Qatar đã giúp sơ tán hàng chục nghìn người, bao gồm cả công dân Mỹ và người Afghanistan từng làm việc với quân đội Mỹ. Doha vẫn là "sứ giả" chủ chốt của Taliban, một tổ chức khủng bố do Mỹ chỉ định.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Qatar đã duy trì các kênh với Điện Kremlin để cuối cùng cho phép nước này đàm phán về việc trao trả những đứa trẻ mà Nga đã chuyển khỏi các vùng giao tranh. Cùng thời gian đó, nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán của Mỹ với Venezuela về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy những thay đổi chính trị.

Vài tuần trước khi chiến tranh ở Dải Gaza nổ ra, 5 người Mỹ được giải thoát khỏi nhà tù ở Iran đã hạ cánh xuống Doha trên đường trở về Mỹ như một phần của thỏa thuận do Qatar làm trung gian nhằm dỡ phong tỏa 6 tỷ USD tiền thu được từ dầu mỏ của Iran và nhằm mục đích khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng trước, Mỹ và Qatar đã đồng ý từ chối Iran tiếp cận nguồn tiền này trong bối cảnh lo ngại về nguồn tài trợ lâu dài của Tehran cho Hamas.

David Roberts, học giả về chính sách an ninh và phát triển của Qatar ở vùng Vịnh, nhận định: “Qatar đang tự biến mình thành một Thụy Sĩ”, đồng thời chỉ ra nỗ lực của Doha nhằm giữ thái độ trung lập trong khi tự trang bị vũ khí mạnh để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

Về phần mình, Al Ansari, cố vấn của Thủ tướng Qatar, giải thích: “Tại sao chúng tôi có thể hòa giải rất kiên quyết và có các kênh liên lạc mở giữa Hamas và Israel? Đó là nhờ sự tin tưởng mà chúng tôi có được từ cả hai phía”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Qatar xác nhận Hamas thả 24 con tin
Qatar xác nhận Hamas thả 24 con tin

Rạng sáng 25/11 (theo giờ Việt Nam), Qatar và Hội Chữ thập đỏ thông báo Phong trào Hồi giáo Hamas đã thả 24 người, đánh dấu nhóm con tin đầu tiên được trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn giữa nhóm và Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN