Nghịch lý của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thuế quan phơi bày nghịch lý: Trung Quốc vẫn cần công nghệ Mỹ, Mỹ vẫn dựa vào hàng "Made in China". Tách rời kinh tế liệu có khả thi?

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận với tạp chí Diplomat mới đây, Chen Li, nghiên cứu viên kinh tế tại ANBOUND, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bùng nổ từ năm 2018, đã phơi bày một sự thật không thể chối cãi: dù thường xuyên nhấn mạnh sự tự lực, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn phụ thuộc sâu sắc vào nhau.

Sự gián đoạn đột ngột trong hoạt động thương mại đã làm lộ rõ những điểm yếu đáng kể ở cả hai phía, buộc họ phải ngồi lại bàn đàm phán và dẫn đến việc giảm thuế quan tại cuộc gặp ở Geneva gần đây.

Chuyên gia Li lưu ý, cuộc chiến thương mại đã trở thành một vấn đề mang tính quyết định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu. Mặc dù Trung Quốc luôn đề cao sự tự chủ, "bài kiểm tra căng thẳng" mang tên thuế quan đã chỉ ra điều ngược lại.

Ngành sản xuất hàng không là một minh chứng rõ ràng. Máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, đối với các thành phần quan trọng. Một phân tích của tờ Financial Times tiết lộ rằng động cơ LEAP-1C, cốt lõi của C919, do CFM International (liên doanh Pháp-Mỹ) cung cấp, với các thành phần sản xuất tại Ohio.

Chuỗi cung ứng của C919 có 48 nhà cung cấp của Mỹ so với chỉ 14 nhà cung cấp của Trung Quốc, cung cấp các hệ thống thiết yếu như thiết bị điện tử hàng không và điều khiển bay từ các công ty như Honeywell và Collins Aerospace. Sự phụ thuộc này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể làm tê liệt tham vọng sản xuất máy bay thương mại cỡ lớn của Trung Quốc.

Ngành sản xuất hóa chất cũng không ngoại lệ. Trung Quốc vẫn phụ thuộc đáng ngạc nhiên vào năng lượng và nguyên liệu thô hóa chất của Mỹ, đặc biệt là etan – một thành phần quan trọng để sản xuất nhựa. Nhờ sự bùng nổ khí đá phiến của Mỹ, etan Mỹ dồi dào và rẻ, khiến nhiều nhà máy tinh chế etan mới của Trung Quốc phải dựa vào nhập khẩu từ Mỹ. Dưới mức thuế quan cao, nguồn cung này đối mặt với rủi ro về chi phí và tính ổn định. Bloomberg đưa tin, Trung Quốc gần đây đã miễn thuế cho hai nhà sản xuất nhựa trong nước phụ thuộc nhiều vào etan của Mỹ, nhấn mạnh sự phụ thuộc này.

Nếu không có miễn trừ, mức thuế lên tới hơn 100% sẽ khiến hoạt động trở nên không bền vững. Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã tích cực điều chỉnh thuế đối với các nguyên liệu thô như etan và propan để tránh gây tổn hại đến các ngành công nghiệp của chính mình.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Trung Quốc cũng phụ thuộc nặng nề vào Mỹ về dược phẩm cao cấp và thiết bị y tế, bao gồm các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến và dược phẩm sinh học. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Trung Quốc đã miễn phần lớn nhiều sản phẩm y tế của Mỹ khỏi thuế quan trả đũa, cho thấy Trung Quốc không thể thay thế các nguồn cung cấp y tế quan trọng của Mỹ trong ngắn hạn.

Tất cả những điều này cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các sản phẩm chính của Mỹ vẫn là một điểm yếu lớn, phơi bày những hạn chế trong nỗ lực thay thế trong nước và R&D (Nghiên cứu và Phát triển) độc lập trước đây của nước này. Việc loại bỏ sự phụ thuộc này trong ngắn hạn sẽ rất khó khăn.

Mỹ cũng không thể thiếu hàng hóa "Made in China"

Về phía Mỹ, việc tìm kiếm sản phẩm thay thế cho sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt là hàng tiêu dùng, đặt ra thách thức cấp bách. Các sản phẩm của Trung Quốc đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của người Mỹ. Tình trạng thiếu hụt hoặc tăng giá các mặt hàng như đồ chơi, đồ dùng gia đình có thể nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội của công chúng và ảnh hưởng đến động lực chính trị. Mỹ không thể bỏ qua sự gián đoạn trong các mặt hàng thiết yếu này.

Dược phẩm là một lĩnh vực quan trọng khác, vì Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu các thành phần dược phẩm hoạt tính (API), khiến lĩnh vực này rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, để giảm bớt áp lực trong nước, Mỹ cũng đã tạm thời miễn thuế cho các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc.

Những điều chỉnh thuế quan được công bố tại Geneva gần đây phản ánh một phản ứng thực dụng đối với những hạn chế trong thế giới thực, chứ không phải là dấu hiệu của sự rút lui. Chúng cho thấy rằng, bất chấp những khác biệt sâu sắc, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt vẫn còn đáng kể.

Như vậy, cuộc chiến thương mại không dẫn đến một bên chiến thắng rõ ràng; thay vào đó, nó đã làm nổi bật một thực tế cơ bản: việc tách rời hoàn toàn là không khả thi. Cả hai quốc gia đều thừa nhận rằng các hoạt động công nghiệp và thị trường bình thường không thể được duy trì trong một kịch bản tách biệt hoàn toàn. Do đó, trong khi căng thẳng do thuế quan có thể vẫn tiếp diễn, thì việc giải quyết các vấn đề cuối cùng đòi hỏi phải quay trở lại một khuôn khổ tập trung vào chính thương mại.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Robot Trung Quốc – 'Gót chân Achilles' trong giấc mơ công nghiệp của Mỹ
Robot Trung Quốc – 'Gót chân Achilles' trong giấc mơ công nghiệp của Mỹ

Trong nỗ lực thúc đẩy quá trình tái công nghiệp hóa, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh vai trò của tự động hóa và công nghệ cao, với mục tiêu đưa hoạt động sản xuất quay trở lại nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN