Ngày đen tối nhất của EU

Ngày 13/7/2015 sẽ đi vào lịch sử như một ngày mà Hy Lạp bị mất độc lập sau 185 năm tự do, ngày mà nền dân chủ đã “chết” tại quốc gia tạo ra nó và ngày mà Liên minh châu Âu (EU) tiến hành một bước quyết định hướng tới sự hủy diệt chính mình.

Sau gần 20 giờ bị “hăm dọa” bởi các nhà lãnh đạo EU ở Brussels – điều mà một quan chức cấp cao đã so sánh với "một cuộc tra tấn về tinh thần” - Hy Lạp đã buộc phải đưa ra một sự lựa chọn khó khăn: bỏ phiếu thông qua một loạt biện pháp hà khắc theo yêu cầu của chủ nợ hoặc rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels, Bỉ ngày 13/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Với việc các ngân hàng bị đóng cửa và kho bạc nhà nước trống rỗng, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã không có lựa chọn nào khác, buộc phải chấp nhận phương án đầu tiên. Nhưng cái giá phải trả sẽ rất nặng nề - cho cả Hy Lạp và EU.

Về cơ bản, Hy Lạp đã nhận thấy quyền tự quyết của mình đã bị mất đi phần cốt yếu. Một nhà nước với phương châm "Tự do hay Chết” và có bài quốc ca là “Hymn Liberty” (bài hát ca ngợi sự tự do) giờ đây có rất ít sự độc lập và thay vào đó là sự bảo hộ của EU. Quốc hội Hy Lạp không còn có quyền đưa ra những quyết định về các vấn đề mang tính quan trọng và có ý nghĩa đối với người dân của mình.

Thay vào đó, Hy Lạp có hai ngày để bỏ phiếu thông qua một danh sách các cải cách sâu rộng theo sự ủy thác của Brussels. Chính phủ nước này sẽ phụ thuộc vào bộ ba chủ nợ là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Các tài sản trị giá nhiều tỷ euro đang bị tước bỏ khỏi sự kiểm soát của nhà nước Hy Lạp và được đặt trong một quỹ ủy thác Luxembourg.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 13/7 cũng đề cập khả năng kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn tại nước này, có thể diễn ra vào mùa thu. Ảnh: AFP/TTXVN


Khi hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Eurozone chuẩn bị đưa ra một kết luận vào sáng 13/7, một số nhà bình luận đã so sánh các cuộc đàm phán kiểu tra tấn này với Hiệp ước Nice, được công bố năm 2000 sau 4 ngày đàm phán căng thẳng. Trong thực tế, nó giống Hiệp ước Versailles nhiều hơn, hiệp ước mà các điều khoản trừng phạt được áp đặt đối với Đức cách đây gần một thế kỷ trước và “đầu độc” các mối quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ sau. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức tham dự cuộc đàm phán thâu đêm trên đã mô tả ông Tspiras như người bị "đóng đinh".

Có thể lập luận rằng, Hy Lạp xứng đáng khi bị đối xử như vậy. Nước này đã “nói dối” những số liệu của mình để gia nhập Eurozone, Hy Lạp cũng không thực hiện những cải cách mà họ đã cam kết và chính phủ hiện nay đã phá vỡ sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo EU bởi những “cơn giận dữ của một trẻ mới biết đi” và sự liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Nhưng không thể lập luận rằng Hy Lạp vẫn còn là một nước có chủ quyền.

Trong nhiều thập kỷ, những người ủng hộ EU cho rằng, là thành viên của EU sẽ có chủ quyền chung, không bị mất đi. Điều này đã được đề cập tới như là một trò chơi đố chữ - như Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz thừa nhận khi giải thích sự do dự của Hy Lạp về việc giao các tài sản cho quỹ nước ngoài: "Dĩ nhiên, nó vẫn còn là một câu hỏi về việc từ bỏ chủ quyền".

Ngoài ra, cũng khó có thể lập luận rằng Hy Lạp vẫn là một nền dân chủ như hầu hết người châu Âu hiểu thuật ngữ này. Dân chủ, từ tiếng Hy Lạp: “demos”, có nghĩa là "quyền lực thuộc về người dân". Trong tháng, các cử tri Hy Lạp đã đưa ra một định hướng rõ ràng để đảng cánh tả Syriza phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà EU đang áp dụng và xác nhận lại điều này trong một cuộc trưng cầu về một gói cứu trợ tài chính được đề xuất tuần trước.

Nhưng kết quả bỏ phiếu trên đã bị lờ đi. Sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, các nhà lãnh đạo Eurozone đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc cho chương trình cứu trợ Hy Lạp. Hai bên nhất trí về những cải cách cần thiết để thảo luận về gói cứu trợ thứ 3 và về việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Theo thỏa thuận đạt được, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras chấp thuận các biện pháp cải cách khắc khổ mà Eurozone yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 trị giá tới 86 tỷ Euro (96 tỷ USD) - chương trình cứu trợ thứ 3 trong vòng 5 năm.

Những nhà chủ trương ủng hộ liên bang hóa như lãnh đạo Tự do của Nghị viện châu Âu Guy Verhofstadt cho biết hôm 13/7 rằng bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp là: một "liên minh tiền tệ mà không có một liên minh chính trị là không bền vững". Nhưng cứu Eurozone bằng cách tạo ra một liên minh tài chính, kinh tế và chính trị sẽ dẫn đến sự kết thúc của Liên minh châu Âu.

EU sẽ bị chia làm 2 nếu bất cứ điều gì giống như một châu Âu kiểu nước Mỹ được tạo ra. Một bên sẽ là thành viên Eurozone như Đức, Pháp và Italy với chính sách thuế, ngân sách, chính phủ và có thể có quân đội chung. Bên kia sẽ là các nước như Anh, Thụy Điển và Đan Mạch - vẫn sẽ tuân theo hầu hết các luật của EU nhưng giữ tính độc lập riêng của họ.

Rõ ràng, một châu Âu chia rẽ sẽ là một châu Âu yếu hơn khi nói đến việc giải quyết các vấn đề nóng nếu đứng bên cạnh một nước Nga đang hồi sinh mạnh mẽ hoặc xử lý vấn đề di cư hàng loạt ở Địa Trung Hải.

Trong 2 thập kỷ qua, có rất ít bằng chứng về sự chuyển giao quyền lực quy mô lớn từ các quốc gia sang EU để có khả năng triển khai sức mạnh trên vũ đài chính trị thế giới hoặc cung cấp sự thịnh vượng cho công dân của mình tốt hơn. Trong thực tế, đồng euro, vốn được cho là để ràng buộc người châu Âu lại với nhau, đã cho thấy sự chia rẽ, và việc tạo ra một người châu Âu với một bản sắc chung sẽ còn rất xa vời khi mà sự hội nhập chặt chẽ hơn đã dẫn đến những phản ứng dữ dội từ các đảng dân túy đại diện cho một lực lượng đối lập về giấc mơ châu Âu.

Việc xóa bỏ các quyền của người dân và các quốc gia để quyết định về việc họ sẽ phải chi bao nhiêu cho giáo dục, y tế và lương hưu hoặc quyết định việc họ bảo vệ biên giới, đánh thuế các công dân của họ sẽ khiến cho bản sắc dân tộc bị tổn thương, sự oán giận đối với giới tinh hoa chính trị sẽ tăng lên và ham muốn tự quyết sẽ trỗi dậy không thể ngăn cản. Trong quá khứ, việc áp đặt các ý tưởng một cách máy móc lên các dân tộc khác đã kết thúc trong thất bại hay thảm họa.

Công Thuận
ECB giữ nguyên mức hỗ trợ thanh khoản cho Hy Lạp
ECB giữ nguyên mức hỗ trợ thanh khoản cho Hy Lạp

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên khung tín dụng trong chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp ở mức 89 tỷ euro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN