Nga, Trung Quốc gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Trung Đông

Tương lai gần, một khu vực Trung Đông giàu trữ lượng dầu mỏ có thể sẽ trở thành thách thức ngoại giao đối với Mỹ, trong bối cảnh Washington đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine.cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Chú thích ảnh

Bối cảnh chiến lược ở Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng, nhưng không có lợi cho Mỹ với tư cách là bên có ảnh hưởng truyền thống trong khu vực. Mối quan hệ Mỹ-Iran tiếp tục trong tình trạng căng thẳng và sự nghi ngờ ngày càng tăng của các quốc gia Arập đối với sự tin cậy từ Washington với tư cách là một đồng minh đã tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc mở rộng  dấu ấn chiến lược của họ ở Trung Đông.

Đó là nhận định của Amin Saikal, Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia và là Giáo sư trợ giảng tại Đại học Tây Australia, trên trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (aspistrategist.org.au) mới đây.

Theo Giáo sư Saikal, một số diễn biến xảy ra cùng lúc đã làm lung lay vị thế của Mỹ. Quan trọng nhất, đó là sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Iran và Trung Quốc-Iran. Hiện nay, hợp tác thương mại và quân sự song phương giữa Iran và Nga chưa bao giờ tốt hơn thế, khi khối lượng thương mại song phương của họ đã tăng từ 4 tỷ USD vào năm 2021 lên 40 tỷ USD vào năm ngoái. Điều này xuất phát từ thỏa thuận hợp tác 20 năm mà hai bên đã ký vào tháng 3/2021.

Cùng với đó, quan hệ đối tác quân sự Nga-Iran đã đạt đến một tầm cao mới. Mặc dù Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Iran trong nhiều năm, nhưng năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt, với việc Iran đặt mua 24 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35, trị giá 10 tỷ USD trong 20 năm.

Những máy bay chiến đấu này là loại tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga và đã được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Đáp lại, dường như là một phần của thỏa thuận, Iran được cho là đã giao hàng trăm máy bay không người lái (UAV) cho Nga. Hai bên cũng đã tham gia những chương trình huấn luyện chung về máy bay chiến đấu và UAV, với việc Iran được cho là đã thành lập một liên doanh sản xuất UAV ở Crimea.

Đồng thời, quan hệ chiến lược và thương mại Trung Quốc-Iran đã tăng lên đáng kể. Sau một thời kỳ tăng trưởng ổn định trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương trong khi quan hệ quân sự và tình báo ở mức tương đối khiêm tốn, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 25 năm vào năm 2021, nâng quan hệ kỹ thuật, kinh tế và chiến lược lên một mức độ chưa từng có.

Thỏa thuận này đã mở đường cho việc mở rộng sự tham gia và đầu tư của Trung Quốc vào phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp của Iran, đồng thời mở rộng thị trường Iran cho hàng hóa Trung Quốc và dẫn đến việc thúc đẩy các mối quan hệ trong lĩnh vực tình báo, quân sự và thậm chí còn lớn hơn.

Trong quá trình này, Trung Quốc đã "phớt lờ" các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Iran. Bắc Kinh tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran và đã tận dụng ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của mình bằng cách làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình gần đây giữa Iran và Saudi Arabia, khôi phục quan hệ sau nhiều năm băng giá.

Trung Quốc cũng đã mở rộng quan hệ với Saudi Arabia, đặc biệt là trong bối cảnh nhà lãnh đạo của vương quốc này Mohammad bin Salman không hài lòng với Mỹ về việc Tổng thống Joe Biden từng chỉ trích ông vì cáo buộc vi phạm nhân quyền và các hoạt động quân sự ở Yemen.

Bên cạnh đó, Iran sắp gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga-Trung Quốc đứng đầu và cũng đã trở thành một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Điều thú vị là Saudi Arabia - một đồng minh truyền thống của Mỹ - cũng đã quyết định tham gia SCO với tư cách là một đối tác đối thoại. Điều này có thể giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Trong khi đó, mối quan hệ của Mỹ với đồng minh được cho là đáng tin cậy nhất của mình là Israel đang có dấu hiệu trục trặc. Sự phân cực trong cuộc bầu cử ở Israel và sự bất ổn chính trị ngày càng gia tăng ở nước này - chủ yếu là do việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ có xu hướng cánh hữu nhất trong lịch sử nước này và những nỗ lực của ông Netanyahu nhằm cải cách tư pháp - đã khiến chính quyền Biden không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bày tỏ sự lo ngại đối với nhà lãnh đạo Israel.

Do đó, Mỹ đã cùng với các đồng minh khác đã chỉ trích các hành động của ông Netanyahu là mối đe dọa đối với "nền dân chủ của Israel". Ông Netanyahu đã phản ứng bằng cách tuyên bố rằng Israel là một quốc gia có chủ quyền và tự đưa ra quyết định của mình. 

Tóm lại, Giáo sư Saikal kết luận trong khi Mỹ đang mất dần ảnh hưởng, Nga và Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy chỗ trống này ở Trung Đông. Hiện khu vực đang trong quá trình chuyển đổi chiến lược, mặc dù khó có thể dự đoán nó sẽ đi theo hướng nào: hòa bình hơn hay đối đầu hơn? Tuy nhiên, trong tương lai gần, Trung Đông giàu trữ lượng dầu mỏ rất có thể vẫn là thách thức ngoại giao đối với Mỹ, trong bối cảnh Washington đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức
Lò phản ứng hạt nhân khổng lồ bắt đầu phát điện giúp châu Âu giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga
Lò phản ứng hạt nhân khổng lồ bắt đầu phát điện giúp châu Âu giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga

Sau nhiều lần trì hoãn, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu Olkiluoto 3 (OL3) bắt đầu cung cấp năng lượng bình thường vào ngày 16/4, giúp tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực mà Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt và điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN