Nga – Mỹ và mớ 'bòng bong' Snowden

Trong khi tại Thượng viện Mỹ bắt đầu xuất hiện những tiếng nói đề nghị tẩy chay Đại hội Thể thao thế giới mùa Đông Olympic Sochi 2014 để phản đối Nga trong vụ Edward Snowden, thì "Báo Độc lập" Nga ngày 18/7 đã đăng bài cho biết rất có thể cựu điệp viên Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sẽ được cấp hộ chiếu là công dân Nga.

Luật sư Anatoly Kucherena, thành viên của Viện Xã hội Liên bang Nga, người giúp đỡ Snowden rất nhiều trong việc xin tị nạn tại Nga, cho biết ngay tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, cựu nhân viên CIA này đã nộp đơn xin tị nạn tạm thời tại Nga cho các nhân viên của Cơ quan di trú LB Nga (FMS). Luật sư Kucherena cho biết Snowden đồng thời cũng có thể đề nghị xin cấp quốc tịch Nga. Hiện tại, Snowden mới nộp đơn xin cấp tị nạn tạm thời.

Edward Snowden gặp các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư tại sân bay Sheremteyevo ở Moscow (Nga), ngày 12/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Về kế hoạch đầy bí hiểm của Snowden, nhân vật bao lâu nay làm đau đầu giới truyền thông quốc tế cũng như những tay săn tin sừng sỏ, luật sư Kucherena cho biết có thể, Snowden sẽ rời khỏi sứ xở Bạch Dương, trước khi chuyến thăm Nga vào tháng Chín tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu. Song về lý thuyết, đơn xin cấp tị nạn tạm thời của Snowden sẽ được cơ quan hữu quan Nga nghiên cứu trong thời gian từ năm ngày đến ba tháng theo đúng khuôn khổ pháp luật. Tờ báo cũng khẳng định có thể Snowden lựa chọn giải pháp xin cấp quốc tịch Nga, vì khả năng này cho phép xem xét hồ sơ nhanh hơn so với trường hợp xin tị nạn chính trị.


Tuy nhiên, các chính trị gia nổi tiếng của Nga khuyến cáo rằng việc Nga đồng ý cấp quốc tịch cho Snowden cũng đồng nghĩa với việc Nga chấp nhận làm xấu đi mối quan hệ với Mỹ. Cho dù đến nay, sau gần 1 tháng Snowden mắc kẹt tại “nhà tù” Sheremetyevo, Điện Kremlin và Nhà Trắng không chỉ một lần nhấn mạnh rằng: cuộc đào tẩu của cựu nhân viên CIA không thể gây tổn hại cho quan hệ Nga-Mỹ.

Trong khi Snowden âm thầm “vạch định” kế hoạch tương lai của bản thân, thì Washington cũng đang nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy Nga đồng ý trao trả “tù nhân bất đắc dĩ” này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrella tuyên bố rằng Washington đang tiếp tục đàm phán với Moscow theo các kênh pháp lý và ngoại giao từ cấp cao nhất là giữa tổng thống hai nước. Ông này đồng thời cũng thừa nhận Mỹ chưa từng ký hiệp định dẫn độ nào với Nga, nhưng chính sách của hai nước thì không thay đổi, và Mỹ mong muốn Nga bày tỏ thiện chí và trao trả Snowden cho Mỹ, theo tinh thần tuân thủ các nguyên tắc pháp lý quốc tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Xã hội trực thuộc FMS, ông Vladimir Volokh cho biết sau khi Snowden nộp đơn xin tị nạn tạm thời, và nếu được chấp nhận, Snowden có thể ở Nga từ 1-6 tháng và có khả năng được gia hạn. Ngoài ra, sau khi chính thức đề nghị được tị nạn tạm thời, Snowden sẽ không thể bị dẫn độ sang Mỹ.

Ông Volokh khẳng định: “Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật, mà Nga chấp nhận tuân thủ, nghiêm cấm việc dẫn độ công dân nước ngoài, trong trường hợp họ đang gặp nguy hiểm”. Ngoài ra, ông Volokh cũng cho biết rõ ràng hiện Snowden đang được đặt dưới sự bảo vệ quốc tế, và Cao ủy LHQ về người tị nạn cũng có trách nhiệm bảo vệ nhân vật này. Luật sư Kucherena tin rằng đây chính là lý để Snowden không bị dẫn độ về Mỹ, còn bản thân kẻ đang sống cảnh “cá chậu chim lồng” ở Sheremetyevo, thì tin tưởng rằng anh ta sẽ sớm được “phóng thích”.

Luật sư cố vấn của Snowden khẳng định: Snowden sẽ rời khỏi khu vực quá cảnh ở Sheremetyevo ngay sau khi anh này nhận được giấy xác nhận của nhà chức trách Nga rằng đã nhận được đơn xin tị nạn tạm thời của Snowden, mà theo luật pháp, quá trình cấp giấy xác nhận này mất không quá 1 tuần. Sau đó, Snowden hoàn toàn có thể rời đến sống tại một khách sạn hoặc một trung tâm dành cho người tị nạn và chỉ phải tuân thủ các điều kiện để được nhập cư.

Tuy nhiên, luật sư Kucherena cũng khẳng định cho dù được nhận quy chế tị nạn tạm thời hay tị nạn chính trị, thì cũng không có nghĩa là Snowden sẽ được cấp hộ chiếu, và với giấy tờ mà Nga cấp, Snowden chắc chắn không thể rời khỏi nước Nga, bởi người hưởng quy chế tị nạn tại Nga không được phép xuất cảnh.

Theo ông Volokh, Snowden có thể được nhận quốc tịch Nga. Ông khẳng định quy chế tị nạn cho phép rút ngắn thời gian xem xét phê chuẩn lời thỉnh cầu xin nhập quốc tịch Nga xuống còn 3 năm. Luật sư Kucherena cho biết lúc này Snowden không loại trừ khả năng sẽ đề nghị để được cấp quốc tịch Nga. Điều kiện để được trở thành công dân Nga có lẽ cũng không quá phức tạp, bởi trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng chỉ cần “Snowden không tiếp tục có những hành động gây phương hại tới Mỹ” và “Nga không chấp nhận bất kỳ hành động nào có thể làm tổn hại quan hệ Nga - Mỹ”. Luật sư Kucherena khẳng định Snowden hoàn toàn hiểu rõ yêu cầu của Tổng thống Putin và đương nhiên, để được chấp nhận là công dân đất nước này, Snowden đủ “minh mẫn” để hiểu là phải tuân thủ các yêu cầu trên.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại trực thuộc Hội đồng Liên bang (thượng viện) Nga, ông Valery Shnyakin khẳng định Nga sẽ không thể cấp quy chế tị nạn chính trị cho Snowden, thậm chí cao hơn nữa là trao cho anh ta quốc tịch Nga. Ông Shnyakin cho rằng trong “bài toán” Snowden, Nga không thể đặt lợi ích quốc gia xuống hàng thứ hai. Nói một cách khác, Nga có thể dùng Snowden như một “con bài chính trị” để gây sức ép với Mỹ, song ông Shnyakin cũng thừa nhận “Snowden càng kéo dài thời gian lưu lại trên lãnh thổ Nga, thì mối quan hệ Nga - Mỹ càng trở nên phức tạp hơn, và hai nước càng có thể phải đương đầu với nhiều vấn đề mới phát sinh hơn”.

Một nghị sĩ khác của Nga cho rằng: “Chúng ta không thể để vấn đề Snowden làm tổn hại tới tiến trình cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ, nhất là khi một số thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất ý kiến tẩy chay Olympic Sochi 2014 do Nga đăng cai, cho dù Thượng viện Mỹ đã bác bỏ những đề nghị này”. Tổng thống Putin trong vấn đề này cũng khẳng định “mối quan hệ giữa các quốc gia quan trọng hơn nhiều so với những tranh cãi giữa các cơ quan an ninh của hai nước”.

Người đứng đầu Trung tâm Công nghệ chính trị của Nga Igor Bunin thì cho rằng, Nga và Mỹ đang bị cuốn vào vòng xoắn tố cáo lẫn nhau, bắt nguồn từ vụ lình xình Snowden. Và hai bên không ngừng gây áp lực: cụ thể Nga đe dọa sẽ cấp quốc tịch cho Snowden, trong khi phía Mỹ dọa rằng Tổng thống Obama sẽ tẩy chay không tới St Petersburg vào tháng Chín.

Cuối cùng, "Báo Độc lập" dùng lời của ông Bunin để kết luận rằng Nga và Mỹ đang bị cuốn vào một vòng xoáy ngoại giao hết sức luẩn quẩn: khi phía Nga dọa sẽ cấp quốc tịch cho Snowden nếu Mỹ có những hành động không thiện chí nhằm vào Nga, trong khi phía Mỹ dọa nếu Nga cấp quốc tịch cho Snowden, thì Mỹ sẽ áp dụng những hành động không thiện chí. Dư luận chắc còn phải chờ đợi không rõ Nga và Mỹ sẽ gỡ rối mớ bòng bong này bằng cách nào?!


QuếAnh (P/v TTXVN tại Moscow)

Snowden không loại trừ khả năng trở thành công dân Nga
Snowden không loại trừ khả năng trở thành công dân Nga

Anatoly Kucherena, luật sư của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, cho biết anh này không loại trừ khả năng đệ đơn xin trở thành công dân Nga. Mới đây, Snowden đã nộp đơn xin tị nạn thạm thời ở Nga.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN