Nga "dồn" Kiev sau vụ âm mưu khủng bố ở Crimea

Về hậu trường vụ âm mưu khủng bố ở bán đảo Crimea, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Ba Lan (PISM) đã đăng bài của chuyên gia Daniel Szeligowski, trong đó nhận định rằng Nga đang sử dụng sự kiện Crimea nhằm gia tăng áp lực đối với Ukraine, buộc Kiev phải thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận Minsk.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham gia cuộc họp của nhóm Bộ tứ Normandy, dự kiến được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 4-5/9 tại Trung Quốc cho thấy Nga đang muốn thử nghiệm các kênh đối thoại chính trị mới với phương Tây.

Theo chuyên gia Szeligowski, mặc dù khó xác thực các tuyên bố liên quan của Nga và Ukraine nhưng rõ ràng sự kiện Crimea đang được Nga sử dụng nhằm gia tăng áp lực đối với Ukraine, nhất là trong việc thực thi thỏa thuận Minsk. Cho đến nay, Kiev vẫn kiên trì quan điểm không chấp nhận đơn phương thực hiện Thỏa thuận Minsk. Kết quả là tiến trình giải quyết xung đột ở miền Đông nước này đang bế tắc. Trong khi đó, việc Ukraine phải tiến hành cải cách Hiến pháp, công nhận quy chế đặc biệt cho khu vực Donbas cũng như tổ chức bầu cử địa phương ở khu vực này theo nội dung Thỏa thuận Minsk nằm trong tính toán chiến lược của Nga. Điều này sẽ “hợp pháp hóa” lực lượng ly khai đang kiểm soát khu vực Donbass, cho phép Moskva chi phối chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Kiev.


Nhận định trên được củng cố bởi tuyên bố do Bộ Ngoại giao Nga đưa ra ngày 11/8 về việc Tổng thống Putin sẽ không tham dự cuộc gặp của nhóm Bộ tứ Normandy, dự kiến tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc sắp tới. Động thái của Nga nhằm gia tăng áp lực lên Đức, Pháp và gián tiếp lên Mỹ, buộc các nước này phải gia tăng sức ép đối với Ukraine, chấp nhận nhượng bộ lớn hơn trong quan hệ với Nga. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 10/8 Tổng thống Nga Putin đã cáo buộc Ukraine âm mưu tiến hành các hoạt động khiêu khích và thúc giục các nước liên quan sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Kiev nhằm đạt được “giải pháp hòa bình” cho cuộc xung đột ở Donbass.


Các hoạt động chuyển quân của Nga ở dọc biên giới với Ukraine và tại Crimea, mặc dù liên quan đến cuộc tập trận Kavkaz-2016 trong tháng 9, cũng nhằm mục đích gia tăng sức ép đối với Kiev. Mặc dù Ukraine tuyên bố đủ khả năng để đối phó với giai đoạn đầu của bất kỳ hoạt động can thiệp quân sự nào vào lãnh thổ của nước này song kịch bản này ít khả năng xảy ra. Tuy vậy, không loại trừ xung đột ở khu vực Donbas sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hồi đầu tháng 8, lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin từng tuyên bố rằng một cuộc xung đột toàn diện có thể bùng phát nếu Ukraine thất bại trong việc thực thi các điều khoản của Thỏa thuận Minsk.


Chuyên gia Szeligowski cho rằng việc Nga cáo buộc Ukraine âm mưu tiến hành các hoạt động khủng bố nhằm hạ uy tín quốc tế của chính phủ Kiev. Động thái của Moskva nhằm biến Kiev thành đối tượng chịu trách nhiệm đối với bế tắc trong tiến trình đối thoại chính trị, sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự trong việc giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine, đi ngược lại chính sách chung của EU. Trước đó, Nga cũng đã lên tiếng chỉ trích âm mưu ám sát lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk Igor Plotnitsky. Mặc dù dường như đây chỉ là hậu quả của việc đấu đá, tranh giành quyền lực nội bộ song Nga đã cố gắng sử dụng sự kiện này vào việc hạ tuy tín của Ukraine, nhất là trước lễ quốc khánh lần thứ 25 của nước này.


Các cáo buộc về âm mưu khủng bố vừa qua ở Crimea của Nga cũng nhằm thu hút sự chú ý của người dân khu vực này khỏi những vấn đề xã hội như thiếu nước sạch và năng lượng, sự chậm trễ trong việc xây cầu bắc qua eo biển Kerch, lượng khách du lịch tới Criema sụt giảm… Nga cũng lợi dụng sự kiện này nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với bán đảo Crimea với lý do đảm bảo an ninh. Trước đó, FSB đã tuyên bố về việc tăng cường các biện pháp an ninh ở khu vực biên giới với Ukraine và ở các địa điểm công cộng tại Crimea. Ngoài ra, động thái của Nga còn nhằm gia tăng sự ủng hộ của cử tri đối với các lực lượng thân chính phủ và đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 9 tới.


Nhận định về quan hệ Nga-Ukraine trong thời gian tới, ông Szeligowski cho rằng căng thẳng leo thang ở Ukraine sẽ tạo điều kiện cho Nga thúc đẩy việc giải quyết xung đột ở miền Đông nước này theo kịch bản có lợi cho Moskva. Nga sẽ tiếp tục chính sách hạ uy tín cũng như tìm cách gia tăng áp lực quốc tế đối với Ukraine nhằm đạt được mục tiêu này. Do đó, tình hình khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine có nguy cơ xấu đi trong thời gian tới. Trong khi đó, Nga cũng sẽ thử nghiệm các kênh đối thoại chính trị mới với phương Tây ngoài khuôn khổ nhóm Bộ tứ Normandy và Thỏa thuận Minsk.


Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Nga triển khai tên lửa S-400 tới Crimea
Nga triển khai tên lửa S-400 tới Crimea

Các hãng thông tấn Nga ngày 12/8 dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này cho biết Moskva đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới bán đảo Crimea.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN