Cảnh đổ nát do xung đột tại thành phố Aleppo (Syria).
|
Tình hình tại Syria đang thay đổi một cách nhanh chóng khi lệnh ngừng bắn được mở rộng và các khu vực giảm căng thẳng mới được hình thành theo đề xuất của Nga, Mỹ và Jordan. Rõ ràng, khủng hoảng Syria đang từng bước tiến đến giai đoạn bình ổn chính trị. Đối với vấn đề này, các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng đều có quan điểm riêng về vai trò của mình trong khu vực cũng như tương lai của quốc gia Arab đang bị chiến tranh giày xéo này.
Theo ông Vladimir Sazhin – một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Khoa học chuyên ngành phương Đông ở Nga, những khác biệt đó dường như đã xuất hiện giữa hai đồng minh thân thiết Nga và Iran.
“Trong khi Nga và Iran trước đó đã phối hợp chặt chẽ hỗ trợ chính quyền Syria, thì hiện tại có sự khác biệt trong quan điểm của hai bên về tương lai của Syria, cũng như vai trò của mỗi nước. Nga và Iran cùng chung mục tiêu chiến thuật, nhưng lại không hề có điểm chung gì khi nói đến quan điểm chiến lược”, chuyên gia Sazhin trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik.
Nhà nghiên cứu này nhận xét trong khi Nga muốn Syria trở thành một quốc gia mà ở đó các nhóm tôn giáo và thiểu số có quyền lợi bình đẳng, thì Iran lại muốn thiết lập một chính phủ ở Damascus có thể tạo cho Iran quyền năng bỏ phiếu trong nền chính trị Syria, bao gồm việc mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Iran muốn duy trì một hành lang vận tải nhằm đảm bảo hỗ trợ quân sự và tài chính cho các lực lượng ủng hộ Iran, trong đó có phong trào Hezbollah.
Chuyên gia Sazhin nhấn mạnh: Mặc dù vai trò của phong trào Hồi giáo Hezbollah tại Syria đang suy yếu, nhưng phong trào này vẫn đang tiếp tục là công cụ chủ chốt để mở rộng ảnh hưởng của người Shiite trong khu vực. Từ tháng 6/2016, Hezbollah nhiều lần phản đối các thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, đã một vài lần đối đầu công khai với quân đội Syria trong suốt chiến dịch giải phóng Aleppo. Nga đã liên tục đề nghị các phong trào vũ trang người Shiite đó sáp nhập vào lực lượng quân đội Syria, thống nhất nhận lệnh dưới một chỉ huy song mỗi lần đề nghị thì đều bị từ chối.
“Tất nhiên Tehran không muốn đánh mất ảnh hưởng với Damascus. Hơn thế nữa, Iran muốn duy trì một công cụ sức mạnh kiểm soát các khu vực tại Syria mà nước này coi là cần thiết vì lợi ích quốc gia”, chuyên gia cho biết.
Israel – quốc gia đối đầu chính với Iran tại Trung Đông – luôn coi các động thái của Iran tại Syria là một mối đe dọa trực tiếp tới nền an ninh. Phía Israel khăng khăng mục đích thực sự của Iran tại Syria không phải để đánh đuổi khủng bố và phiến quân, mà thay vào đó là muốn kiểm soát lãnh thổ Syria nhằm tăng cường sự hiện diện tại Trung Đông.
Theo nhà phân tích chính trị Anton Mardasov, mối quan ngại của Israel về lực lượng ủng hộ Iran tại Syria không phải không có lý. “Iran tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria. Hơn thế nữa, Iran đẩy mạng những sáng kiến của người Shiite trong khu vực người Sunni chiếm phần đông, làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu tôn giáo và dân tộc. Trong dài hạn, Iran có thể thành lập một hành lang cho người Shiite trong khu vực. Điều này rất nguy hiểm và sẽ trở thành nhân tố gây bất ổn đe dọa làm suy yếu nền chính trị ở Syria”, chuyên gia Mardasov nhận định.
Vì lợi ích của Nga tại Syria là đa chiều, nên Nga đang cố gắng duy trì mối quan hệ bình thường với các bên liên quan, bao gồm cả đối thủ chính của Iran là Saudi Arabia và Israel.
Hiện đánh giá của Moskva về chính sách của Tehran tại Syria vẫn còn rất mơ hồ. Rõ ràng, Nga không vui vì những toan tính của Iran áp đặt lên Syria trong việc hình thành cơ sở chính trị và tư tưởng để mở rộng ảnh hưởng của người Shiite.
Chính sách đó đang gây bất ổn và có thể khơi mào cuộc xung đột theo hai hướng, một là giữa Iran và Israel, còn không thì là giữa Iran và các nước Arab. Kịch bản như vậy sẽ không phục vụ lợi ích của Nga. Nhiều chuyên gia và nhà bình luận tin rằng đó cũng là lí do khiến mối thù địch Iran-Nga xuất hiện tại Syria.