Theo mạng tin "Quan hệ quốc tế và an ninh" mới đây, việc Nga cung cấp cho Syria hệ thống tên lửa S-300 PMU-1 sẽ làm phức tạp thêm mọi kế hoạch can thiệp có thể của Mỹ và Israel vào cuộc xung đột ở nước này. Vấn đề đặt ra là liệu Moscow có thực sự nghiêm chỉnh trong vấn đề này, hay đó chỉ là một "đòn gió"?
Mùa xuân năm 2013, các quan chức Nga đã vài lần đề cập đến khả năng nước này sẽ trang bị cho Syria hệ thống phòng không tiên tiến S-300 PMU-1 (được NATO gọi là SA-10 Grumble). S-300 là nền tảng của toàn bộ các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo. S-300 PMU-1 và loại cải tiến S-300 PMU-2 đang là trụ cột trong hệ thống phòng không của Nga và Trung Quốc.
Tên lửa S-300 của Nga. Ảnh: AP |
Cuộc đàm phán giữa Nga và Syria về việc cung cấp S-300 được khởi sự vào năm 2005, khi Nga xóa phần lớn món nợ (ước tính từ 8-12 tỷ USD) mà Syria chưa thanh toán từ hồi mua vũ khí và thiết bị của Liên Xô trước đây. Từ năm 2006, sau nhiều thỏa thuận chi tiết, Nga đã bắt đầu bàn giao một số hệ thống phòng không và phòng thủ bờ biển cho Syria, bao gồm các hệ thống phòng không chiến thuật Tor/SA-15, Buk/SA-17 và Pantsyr/SA-22, đồng thời hiện đại hóa các hệ thống S-200E/SA-5 và S-125/SA-3 đã lỗi thời của Syria.
Nếu được trang bị S-300 PMU-1, Syria có thể thay đổi cán cân quân sự trong khu vực nhờ tầm hoạt động 200 km của loại tên lửa này và khả năng đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo ở tầm thấp. Hợp đồng dự kiến sẽ bao gồm 4-6 ắc quy cho S-300, 144 tên lửa cùng với các radar và thiết bị kho vận.
Theo một số nguồn tin, Iran sẽ thanh toán toàn bộ số tiền này. Iran cũng đang đàm phán với phía Nga để mua hệ thống S-300 và đang thanh toán hầu hết các khoản tiền mua thiết bị quân sự của Syria. Do tầm quan trọng của vấn đề, việc ngăn chặn chuyển giao S-300 cho Syria là mục tiêu chính trong chuyến thăm bí mật của Thủ tướng Israel tới Moscow hồi tháng 5 vừa qua.
Theo giới chức Nga, việc cung cấp S-300 được thực hiện theo một thỏa thuận được ký trước khi diễn ra tình trạng leo thang xung đột tại Syria. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga đã tránh xác nhận về một thỏa thuận như vậy. Ông cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch chuyển giao S-300 sẽ buộc phương Tây và Israel phải cân nhắc kỹ về bất kỳ biện pháp quân sự nào đối với cuộc khủng hoảng tại Syria.
Nhiều nhà phân tích phương Tây cũng nhất trí rằng sự hiện diện của S-300 có thể gây khó cho việc tiến hành một chiến dịch không kích hoặc việc áp đặt một vùng cấm bay ở Syria. Họ cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi không có S-300, hệ thống phòng không của Syria cũng được đánh giá là mạnh nhất tại Trung Đông.
Nếu S-300 được triển khai ở Syria, đó sẽ là màn "ra mắt" của hệ thống này trong việc đối chọi với các lực lượng không quân của NATO hoặc Israel trong trường hợp họ lựa chọn can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, vẫn có những nghi vấn rằng liệu S-300 có hoàn toàn hiệu quả trong điều kiện chiến trường hay không. Thực tế cho thấy tất cả các hệ thống phòng không - kể cả các hệ thống tinh vi nhất - vẫn có thể bị đánh bại nếu bên tấn công có sức mạnh vượt trội về chất cũng như về lượng.
Các chuyên gia quân sự của Mỹ và Israel đã quen với S-300, bởi lực lượng không quân của họ đã được đào tạo để chống lại các hệ thống phòng không được trang bị hệ thống này ở Bulgaria, Slovakia và Hy Lạp. Trong thập kỷ qua, Israel đã thiết kế và trang bị cho mình hệ thống ITALD có khả năng đánh lạc hướng radar cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát S-300. Thậm chí, nếu được trang bị S-300, Syria cũng không có khả năng ngăn chặn các loại máy bay tàng hình tiên tiến, chẳng hạn như máy bay F-22, F-35 và B-2 của không lực Mỹ, là những loại không hiển thị trên màn hình radar của hệ thống này.
Trong khi đó, một số nhà phân tích quốc tế cho rằng kế hoạch nêu trên có thể chỉ là một con bài để Nga mặc cả với phương Tây và Israel. Và thậm chí trong trường hợp việc chuyển giao S-300 được thực hiện và gây phức tạp cho Mỹ, NATO hoặc các kế hoạch quân sự của Israel, nó cũng sẽ không có tác động quan trọng tới các động lực trong cuộc nội chiến ở Syria.
TTK