Khi đó, con gái cô bị ốm và cô cần rất nhiều tiền để trả tiền viện phí. Tin lời dụ dỗ đường mật của những kẻ buôn người, Marcela bị lừa bán sang nước ngoài và bị bóc lột tình dục trong suốt 18 tháng.
Marcela chỉ là một trong số hàng chục nghìn người mỗi năm rơi vào bẫy tội phạm buôn người vì hy vọng đổi đời. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính khoảng 25 triệu người trên khắp thế giới đang là nạn nhân của nạn buôn người.
Theo báo cáo được Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) thực hiện dựa trên những số liệu thu thập từ năm 2016-2020 tại 148 quốc gia, buôn người để lạm dụng tình dục là phổ biến nhất, chiếm 50% tổng số vụ bị phát hiện. Trong khi đó, 38% số nạn nhân bị buôn bán vào mục đích lao động cưỡng bức, chủ yếu tại khu vực châu Phi hạ Sahara và Trung Đông.
UNODC và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng đánh giá khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong, đã trở thành "điểm nóng" về tình trạng buôn bán người. Số nạn nhân bị mua bán ở khu vực này là khoảng 11,7 triệu người, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái.
Nữ giới tiếp tục là mục tiêu chính của các đối tượng buôn người. Năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện trên thế giới thì có khoảng 5 phụ nữ và 2 bé gái. Trẻ em cũng đối mặt với nguy cơ cao, chiếm khoảng 30% số nạn nhân trên toàn cầu, tăng gấp 3 lần trong 15 năm qua. Tội phạm buôn bán trẻ em thường nhằm vào những em có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, bị bỏ rơi không có cha mẹ chăm sóc hoặc xuất thân từ những gia đình bất hòa.
Các đường dây buôn người cũng sử dụng công nghệ hiện đại để tìm kiếm, kiểm soát và lợi dụng những người dễ bị tổn thương. Các đối tượng ngày càng nhắm vào trẻ em thông qua các nền tảng trực tuyến để lạm dụng tình dục, ép buộc kết hôn và thực hiện những hành vi lạm dụng khác.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, cùng với kinh tế sụt giảm và bất bình đẳng gia tăng, có thêm 124 triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực do đại dịch, khiến hàng triệu người dễ bị rơi vào cạm bẫy buôn người.
Tháng trước, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã cảnh báo tình trạng những đối tượng buôn người tổ chức các đường dây hoạt động rất tinh vi để lôi kéo, lừa các công dân Việt Nam sang Campuchia làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc cơ sở game online.
Thủ đoạn của chúng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1.000 USD/tháng). Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài (tập trung nhiều ở tỉnh Preah Sihanouk). Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 giờ/ngày) nếu không sẽ bị đối xử tàn tệ. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách bỏ trốn. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam có thể bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng nghìn USD mới được thả, hoặc bị bán cho công ty khác.
Các chuyên gia cảnh báo, đại dịch tạo "môi trường lý tưởng" cho hoạt động buôn người, khi các chính phủ đang phải tập trung nguồn lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế. Trong khi đó, khó khăn kinh tế và thất nghiệp do đại dịch gây ra càng khiến nhiều người bị đẩy vào cạm bẫy của những đối tượng buôn người, bị dụ dỗ, lừa gạt.
Chuyên gia Helga Gayer, Chủ tịch Nhóm chuyên gia về chống buôn người ở châu Âu (GRETA), nêu rõ: “ Những kẻ buôn người đã lợi dụng khủng hoảng dịch COVID-19 bằng cách tranh thủ sự khó khăn về kinh tế của nhiều người trong bối cảnh đại dịch. Ngoài ra, trong khi các cơ quan chức năng cảnh báo về sự gia tăng tội phạm liên quan tới bóc lột tình dục và tội phạm mạng, thì việc thiếu nguồn lực và sự chậm trễ trong các thủ tục pháp lý đã cản trở nỗ lực kết tội những kẻ buôn người, để công lý được thực thi và các nạn nhân được bồi thường”.
Trong bối cảnh đó, lời kêu cứu của nhiều nạn nhân lại bị hiểu lầm hoặc phớt lờ. Sau khi được giải cứu, họ cũng trải qua những sang chấn tâm lý trong quá trình nhà chức trách tiến hành thẩm vấn điều tra và các thủ tục pháp lý. Nhiều người suy sụp vì bị cộng đồng xung quanh kỳ thị hoặc không được hỗ trợ đầy đủ.
Đó là lý do LHQ chọn chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người 30/7 năm nay là "Tiếng nói của các nạn nhân giúp soi đường chỉ lối", khẳng định thông điệp cần lắng nghe và thấu hiểu những nạn nhân của nạn buôn người. Họ là nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống mua bán người, cũng như có vai trò quan trọng giúp cơ quan chức năng vạch ra những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tội ác, xác định và giải cứu các nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh trong thông điệp gửi đi nhân dịp này, việc lắng nghe những câu chuyện của các nạn nhân là điều quan trọng hơn bao giờ hết khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đẩy họ vào hố đen của sự tuyệt vọng và tổn thương. Trong cuộc chiến này, các chính phủ cần thực hiện những biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường phòng, chống buôn người, hỗ trợ các nạn nhân và đưa các tội phạm ra trước ánh sáng. Những nỗ lực này cần được những nạn nhân của nạn buôn người định hướng, dẫn dắt.
Marcela Loaiza là một ví dụ. May mắn thoát khỏi “địa ngục” ở xứ người, trở về quê hương, Marcela quyết định thành lập một tổ chức liên minh với UNODC nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của mọi người về nạn mua bán người. Năm 2011, cô thành lập quỹ Marcela Loaiza tại Colombia giúp những nạn nhân chạy trốn thành công khỏi các nhóm buôn người vượt qua những vấn đề tâm lý và tái hòa nhập xã hội.
Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được thông qua tháng 11/2000 vẫn được xem là công cụ ràng buộc về pháp lý toàn cầu duy nhất chống lại mối đe dọa nói trên. Trong đó, nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đã được bổ sung vào công ước.
Các thể chế đa phương toàn cầu cũng thúc đẩy và triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả phòng chống nạn buôn người, như sáng kiến chung của Liên minh châu Âu (EU) và UNODC mang tên Hành động toàn cầu phòng chống mua bán người cũng như người di cư ở châu Á và Trung Đông (GLO.ACT châu Á và Trung Đông) đang được phối hợp triển khai cùng với Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại 4 nước Afghanistan, Iraq, Iran và Pakistan.
Tháng 4 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chiến lược mới của EU về phòng chống nạn buôn người từ năm 2021-2025, trong đó chú trọng ngăn chặn tội ác này, đưa các đối tượng buôn người ra trước công lý, đồng thời bảo vệ và trao quyền cho các nạn nhân. Chiến lược đặc biệt bảo vệ những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em khi họ chiếm đa số người dễ bị tổn thương bị mua bán ở châu Âu (72%). Để bảo vệ các nạn nhân, EC có kế hoạch tăng cường khả năng nhận diện các nạn nhân thông qua việc đào tạo các chuyên gia như sĩ quan cảnh sát, nhân viên làm công tác xã hội, lính biên phòng. Chiến lược cũng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên EU, các nước là quê hương hoặc điểm trung chuyển của các nạn nhân, các đối tác khu vực/nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức quốc tế.
Riêng khu vực Đông Nam Á, các nước cũng nhất trí với Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người nhằm ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; bảo đảm các hình phạt thích đáng và hiệu quả đối với những đối tượng có hành vi buôn bán người; bảo vệ và hỗ trợ một cách hiệu quả các nạn nhân bị buôn bán; thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia thành viên để đạt được mục tiêu trên.
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn loại tội phạm này, trong đó có việc triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và Luật Phòng, chống mua bán người. Trong những năm qua, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả, qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng.
Quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế không ngừng được mở rộng, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này; từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Việt Nam hiện nay đang rà soát, nghiên cứu để xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của nạn mua bán người.
Có thể thấy trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, nạn buôn bán người đang có dấu hiệu gia tăng, hoạt động phòng, chống loại hình tội phạm này cũng trở nên khó khăn phức tạp hơn. Bên cạnh các biện pháp quyết liệt và hoạt động phối hợp của các quốc gia, việc thấu hiểu, lắng nghe các nạn nhân và biến những đề xuất của họ thành hành động cụ thể sẽ góp phần nâng cao hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn người.