Tạp chí "Nhà quan sát" (Anh) ngày 13/5 đã đưa ra nhận định về việc Hy Lạp có thể rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và những hệ quả kế tiếp. Theo tạp chí, xét về mặt kinh tế, Hy Lạp là quốc gia nhỏ, chỉ đóng góp 2,2% cho GDP của Eurozone. Tuy nhiên, việc rút khỏi Eurozone sẽ tạo ra sự hỗn loạn ở đất nước này và tác động nghiêm trọng tới các quốc gia thành viên khác. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng BNP Paribas (Pháp), quả bom "Hy Lạp rút khỏi Eurozone" sẽ nhanh chóng xóa sạch 20% tăng trưởng GDP của Hy Lạp, đẩy lạm phát tăng lên 40-50%, và tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tăng lên 200%.
Khu vực đồng Euro đang chao đảo sau quyết định của các cử tri Hy Lạp cực đoan. Ảnh: Internet |
Tất nhiên, những dự đoán trên chỉ là ước tính - hệ quả thực sự phụ thuộc vào mức phá giá thế nào nếu Hy Lạp trở lại dùng đồng drachma. Chuyên gia Dawn Holland tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (Anh) dự đoán rằng giá trị đồng tiền của Hy Lạp sẽ giảm 50%. Mức sụt giảm này vẫn còn thấp khi so sánh với mức 70% của đồng tiền peso cách đây một thập kỷ khi Áchentina lâm vào tình cảnh vỡ nợ.
Tạp chí "Nhà Quan sát" đã dựng lên 5 viễn cảnh đang đợi Hy Lạp trong những tháng tới.
1. Tê liệt bầu cử
Trong cuộc bầu cử tuần trước tại Hy Lạp, hai đảng thống lĩnh chủ đạo thất bại nặng nề. Cả hai đảng kết hợp lại chỉ được 149 ghế tại quốc hội, không đủ đa số và không thể đứng ra lãnh đạo. Nếu Hy Lạp không thể hình thành được chính phủ - và đa số cử tri ủng hộ các đảng phái chống lại việc tuân thủ các điều kiện của gói cứu trợ đã nhận - bất ổn chính trị sẽ bùng phát trên đường phố và các nước láng giềng sẽ càng hoảng sợ hơn. Vòng bầu cử thứ hai vào giữa tháng 6/2012 có thể sẽ là một cuộc bỏ phiếu chống chính sách thắt lưng buộc bụng thậm chí còn quyết liệt hơn.
2. Hết tiền
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp không thành lập được chính phủ hay nếu chính phủ được thành lập nhưng lại không tuân thủ các điều kiện khắt khe của gói cứu trợ? Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ "khóa vòi" nguồn tiền cứu trợ vào quốc gia nợ nần chồng chất này. Đồng thời, các ngân hàng Hy Lạp có thể sẽ bị cắt nguồn thanh khoản mà ECB cung cấp. Theo chuyên gia Jens Nordvig, người đứng đầu về chiến lược tiền tệ của Tập đoàn tài chính Nomura, điều này đồng nghĩa với việc lượng euro mà các ngân hàng Hy Lạp đang nắm giữ sẽ bị tách khỏi lượng tiền euro ở các nước khác thuộc Eurozone và sẽ được chuyển dần thành một đồng tiền riêng biệt.
Nhà kinh tế cao cấp Christian Schultz thuộc Ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng khoản chi trả 4,2 tỷ euro tuần trước có thể là khoản tiền cứu trợ cuối cùng và sau đó các ngân hàng sẽ phải tự lo liệu. Ông Christian Schultz nhận định: "Nếu Hy Lạp tiếp tục mua lại trái phiếu và trả lãi suất, nước này có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới. Sau đó, chính phủ Hy Lạp sẽ không thể chi trả đầy đủ bằng đồng euro cho các lao động trong khu vực công và những người nhận lương hưu, và có thể thay bằng giấy ký nợ - tạo ra hạt nhân của một đồng tiền mới. Các ngân hàng sẽ đối mặt với tình trạng rút tiền hàng loạt".
3. Đồng tiền mới, các ngân hàng mới
Để chống lại tình trạng rút tiền ồ ạt từ các ngân hàng sau khi vỡ nợ, Hy Lạp sẽ phải đóng băng các tài khoản ngân hàng và thực thi các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn công dân nước này chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn kinh tế và tài chính Fathom Consulting (Anh), người dân Hy Lạp nhiều khả năng sẽ kết luận rằng "nhét tiền dưới tấm đệm" an toàn hơn là gửi tiền ở ngân hàng, dẫn đến nhiều ngân hàng cạn tiền.
Khả năng thanh khoản của ngân hàng Hy Lạp hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ECB, do đó các ngân hàng này sẽ cạn kiệt tiền ngay sau khi nguồn tiền này bị ngừng lại. Hy Lạp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập các ngân hàng mới với sự can dự đáng kể của chính phủ.
4. Người dân Hy Lạp đổ xô tới biên giới
Việc Hy Lạp vỡ nợ sẽ có những tác động xã hội và kinh tế thảm khốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Quốc gia này sẽ bị cô lập. Với việc cho vay dừng lại và các tài khoản bị đóng băng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản, xuất khẩu tụt giảm và đất nước thụt sâu hơn vào suy thoái. Việc định giá thấp đồng tiền mới sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm gia tăng lạm phát. Thất nghiệp diện rộng nhiều khả năng xảy ra, và hệ quả là một cuộc di cư của các lao động trẻ có kỹ năng.
5. Cú sốc lan rộng
Những người nắm giữ nợ chính phủ Hy Lạp sẽ gánh chịu thiệt hại, tài sản của họ sẽ bị định giá lại với giá trị thấp theo đồng tiền mới của Hy Lạp. Việc trở lại đồng tiền quốc gia của Hy Lạp có thể tạo ra một số thách thức pháp lý đối với các hợp đồng chính phủ và hợp đồng doanh nghiệp. Các công ty Hy Lạp vẫn phải trả bằng đồng euro sẽ đối mặt với tình trạng chi phí và lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng euro tăng gấp đôi.
Một khi đã có tiền lệ một quốc gia rời bỏ Eurozone, sự ổn định và niềm tin của các nước còn lại trong khối đồng tiền chung sẽ hạ thấp và đưa cả khối này trở lại suy thoái. Công ty tư vấn Fathom Consulting nhận định: "Từ lâu chúng tôi vẫn duy trì quan điểm là sau sự ra đi của một nước thành viên, sự sụp đổ của cả khối sẽ rất có khả năng xảy ra". Giám đốc điều hành của Tập đoàn bảo hiểm Lloyd's of London, ông Richard Ward, ngày 11/5 đã đưa ra cảnh báo rằng sự sụp đổ của Eurozone có thể dẫn tới một quá trình suy thoái thảm khốc đối với toàn cầu.
Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)