Nam Phi với chính sách kinh tế ưu tiên sân nhà

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi (SAIIA), các nhà hoạch chính sách kinh tế hàng đầu của Nam Phi đã đưa ra và thực hiện chính sách “quan tâm trước hết đến châu Phi" (African First).

Hiện tại, Nam Phi có đại diện ngoại giao tại 46 trong tổng số 54 nước châu Phi. Về ngân sách, trong những năm gần đây, Nam Phi luôn dành khoản kinh phí lớn nhất cho châu Phi (hơn 3.000 tỷ Rand, tương đương khoảng 380 tỷ USD mỗi năm), nhằm tăng cường cam kết đối với châu lục. Với chính sách đầu tư phát triển kinh tế đó, Nam Phi đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (ngoại trừ các lĩnh vực khai khoáng và năng lượng) ở khu vực cận sa mạc Xahara châu Phi. Nam Phi mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, khoa học công nghệ, thuế quan, hàng không, văn hóa, du lịch, viễn thông, xây dựng, dịch vụ tài chính.

Đầu tư của Nam Phi đã có những tác động không nhỏ đối với châu lục. Việc các công ty Nam Phi thâm nhập vào thị trường châu Phi đã tạo ra thách thức đối với các nhà đầu tư ngoài khu vực, phá vỡ thế độc quyền và giúp bình ổn giá cả. Các công ty Nam Phi thực hiện chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp bản địa, góp phần tăng doanh thu cho các nền kinh tế châu Phi. Bên cạnh đó, sự có mặt của các nhà đầu tư Nam Phi đã giúp tăng cường độ tin cậy đầu tư tại châu Phi. Ngoài ra, các hoạt động đầu tư của Nam Phi cũng có vai trò giúp phá vỡ vòng kiểm soát kinh tế của các cường quốc phương Tây tại châu lục.

Chỉ sau một thập kỷ kể từ khi thiết lập chế độ dân chủ, Nam Phi đã trở thành nhân tố giữ vai trò nòng cốt về vốn, hàng hóa tại châu Phi. Tại khu vực miền Nam châu Phi, Nam Phi là một nhà đầu tư hoạt động tích cực ở tất cả 13 nước khác thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi. Một trong những chính sách của Nam Phi là khai thác các lợi thế về khoảng cách địa lý và mối quan hệ thương mại gần gũi để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các nước lân cận. Năm 2003, Môdămbích đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi tại khu vực và trao đổi thương mại song phương tăng 860% trong 10 năm 1992-2002. Trong giai đoạn 1997-2002, Nam Phi chiếm 49% tổng giá trị đầu tư vào Môdămbích, trong khi Anh chỉ chiếm 30% và Bồ Đào Nha chiếm 11%.

Nam Phi thể hiện cam kết mở rộng các quan hệ kinh tế với châu lục thông qua việc tăng cường các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đến khu vực Tây Phi. Vào năm 2003, xuất khẩu của Nam Phi đã tăng lên 2,8 tỷ Rand (350 triệu USD) và nhập khẩu đạt 1,7 tỷ Rand (213 triệu USD). Nigiêria là đối tác lớn nhất của Nam Phi tại khu vực cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Tây Phi đã tạo cho Nam Phi nhiều cơ hội mới trong phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, vận tải và năng lượng. Tại Bắc Phi, Nam Phi tập trung vào các lĩnh vực vận tải, thương mại, khoáng sản, năng lượng, khoa học công nghệ và quốc phòng. Quan hệ kinh tế của Nam Phi với khu vực Đông Phi đã được tăng cường đáng kể sau khi Nam Phi mở các cơ quan đại diện tại Burunđi, Cômô, Mađagaxca và Êritơria. Kim ngạch thương mại giữa Nam Phi với Kênia, Môrixơ, Uganđa và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty Nam Phi đã tăng lên đáng kể.

Nam Phi là nước có ảnh hưởng nhiều nhất và là nền kinh tế lớn nhất tại châu Phi. Kinh tế Nam Phi chiếm 40% GDP của khu vực cận sa mạc Xahara châu Phi và chiếm 25% GDP của toàn châu lục. Chính phủ Nam Phi lựa chọn chiến lược khuyến khích đầu tư vào châu lục thông qua việc tự do hóa nguồn vốn theo giai đoạn. Nam Phi cũng có vai trò định hướng và đầu tư kỹ thuật phục vụ quá trình thiết lập khuôn khổ hội nhập kinh tế vĩ mô trong khu vực. Chính phủ Nam Phi ủng hộ chủ trương thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do giữa Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi với khối MERCOSUR (gồm Áchentina, Braxin, Paragoay và Urugoay). Hiện tại, Liên minh thuế quan các nước miền Nam châu Phi (SACU) đang dự định tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Nam Phi cũng sẽ chuẩn bị đàm phán hiệp định khu vực tự do thương mại giữa SACU với Trung Quốc.

Triệu Nguyên Thành (P/v TTXVN tại Nam Phi)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN