Mặc dù NLD đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc gia (ngày 8/11/2015) song những thách thức, khó khăn đang còn ở phía trước nhất là sau thời điểm đảng này chính thức nắm chính quyền vào ngày 31/3 tới đây.
Trước hết, quyền lực của chính phủ mới sẽ bị cắt giảm đáng kể bởi khối quân sự trong Quốc hội hiện đang nắm quyền kiểm soát những bộ ngành quan trọng nhất như: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Các vấn đề biên giới. Ngoài những vấn đề thủ tục, bà Aung San Suu Kyi đã cố gắng có những động thái thận trọng và luôn giữ vẻ mặt thu hút trước cử tri. Bà đã gặp khối quân sự và các đảng viên dân tộc thiểu số, và dường như cũng rất ý thức được rằng không thể để quân đội "kiếm cớ" can thiệp vào tiến trình dân chủ của quốc gia.
Tìm kiếm sự hòa hợp và cân bằng lợi ích giữa các khu vực sẽ là một thách thức lớn của đảng NLD. |
Trong khi dư luận Myanmar đang tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống, hiện vẫn còn nhiều mối quan tâm cấp bách khác đang chờ đợi chính quyền mới của NLD như: mức sống, chất lượng giáo dục và tình trạng sức khỏe của người dân, đặc biệt ở những vùng nông thôn; sự cần thiết phải bảo vệ môi trường trong bối cảnh các công ty khai thác tài nguyên bừa bãi; giải quyết sự yếu kém của ngành tư pháp; và có lẽ cấp bách nhất là cần phải xây dựng một xã hội hòa bình đa sắc tộc.
Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào Myanmar, các công trường thi công và xây dựng tấp nập ở Yangon, nhưng nền kinh tế của quốc gia này vẫn tiếp tục suy yếu. Đồng nội tệ Kyat của Myanmar đã giảm mạnh giá trị và vấn đề nghèo đói ở các vùng nông thôn vẫn chưa có cách giải quyết. Kết quả nghiên cứu thí điểm về xóa đói giảm nghèo do Đại học Yangon thực hiện vào tháng 12/2015 ở ba khu vực miền trung khô hạn ở Myanmar cho thấy 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ với 1 USD/ngày, trong khi số liệu chính thức của chính phủ chỉ là 27%.
Để tăng thu nhập, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn chấp nhận cho con cái nghỉ học để kiếm sống. Hơn 50% học sinh tiểu học không có khả năng học tiếp lên trung học. Do dự luật cải cách giáo dục đã bị mắc kẹt tại Quốc hội kể từ năm 2015 nên nó được kỳ vọng sẽ là một chương trình nghị sự quan trọng của chính phủ mới. Hầu hết các trường đại học, mặc dù nguồn lực nghèo nàn, nhưng không muốn liên kết với Đại học Yangon. Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi lại rất muốn có một hệ thống liên kết với Đại học Yangon. Các đại diện chính trị ở những khu vực có trường đại học cũng không muốn chứng kiến trường học bị đóng cửa vì lý do chính trị.
Có thể nói, tìm kiếm sự hòa hợp và cân bằng lợi ích giữa các khu vực sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền mới ở Myanmar. Trong các cuộc bầu cử, Đảng Quốc gia Arakan (ANP), một đảng cánh hữu cực đoan, đã giành được số ghế đáng kể ở bang Rakhine, thuộc vùng duyên hải phía Đông Nam của Myanmar, nơi vốn bị tàn phá nặng nề bởi bạo lực sắc tộc kể từ tháng 6/2012. Uy lực của ANP sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho những lựa chọn của bà Aung San Suu Kyi trong việc mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực này. Chưa kể, nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya bị tước đoạt quyền công dân đang sống mòn mỏi, tiều tụy trong các lán trại. Ở miền Bắc, tiến trình hòa bình đã bị phá vỡ ở bang Shan khi các nhóm phiến quân Shan tấn công làng mạc, bắt cóc trẻ em để đào tạo và bổ sung cho lực lượng của mình. Các cơ quan tư pháp và hành pháp vẫn còn yếu và thiếu nguồn lực... Do đó, việc giải quyết thành công và hiệu quả tất cả vấn đề này nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội hòa bình đa sắc tộc sẽ là một thách thức khó khăn và lâu dài đối với chính quyền Myanmar.