Mỹ tìm người kế nghiệp phụ trách chính sách với Trung Quốc

Với việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon sẽ rời nhiệm sở vào tháng 7 tới, giờ đây chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ phải tìm người mới để phụ trách vấn đề chính sách với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng có ý nghĩa quan trọng.


 

Theo trang mạng "The Diplomat", trong những năm đầu tiên dưới thời ông Obama, dường như Jeffrey Bader và James Steinberg chính là "thủ lĩnh" trong chính sách với Trung Quốc của Mỹ. Khi đó, Bader là Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, còn Steinberg là Thứ trưởng Ngoại giao. Cả hai ông đều thích hợp cho cương vị trên và từng phối hợp tốt trong chính sách với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton và sau này ở Viện nghiên cứu Brookings.


Cả Bader và Steinberg đều ủng hộ mạnh mẽ việc can dự mang tính xây dựng với Bắc Kinh và điều này đã được thể hiện khi ứng cử viên Obama đã tìm đủ cách tránh chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2008 cũng như việc ông Steinberg được trao cơ hội truyền bá cụm từ "tái đảm bảo chiến lược" để giải thích chính sách với Trung Quốc ngay từ rất sớm. Tuy nhiên, cả hai đều đã rời bỏ vị trí của mình trong năm 2011. Trước đó, đã có dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama bắt đầu đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Có người đã nói rằng Steinberg rời bỏ chức vụ do bất đồng với Donilon.

Sau khi bộ đôi Bader - Steinberg ra đi, chính quyền Obama dường như dựa phần lớn vào Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và Tom Donilon, người được thăng chức Cố vấn An ninh Quốc gia vào tháng 10/2010, để dự thảo và thực thi chính sách với Trung Quốc. Cặp Campbell - Donilon dường như có lập trường cứng rắn với Trung Quốc hơn cặp Bader - Steinberg, và có vẻ không phù hợp với vị trí chủ trò cho chiến lược "xoay trục" của Mỹ hiện nay. Với tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, sự thay đổi vị trí đó của Oasinhtơn có thể dẫn đến nhiều tác động to lớn, thậm chí là hủy hoại mối quan hệ này.


Nhìn vào nhóm cố vấn an ninh quốc gia hiện tại của Obama, có thể thấy điểm chung nổi bật là họ thiếu kinh nghiệm về châu Á và Trung Quốc. Ngoại trưởng John Kerry gần như luôn can dự vào khu vực Đại Trung Đông (mở rộng tới Ápganixtan và Pakixtan), và những gì ông làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ đến nay cho thấy đây vẫn là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Trong khi đó, đề cử của ông Obama cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), bà Susan Power, lại dành hầu hết thời gian của mình để bảo vệ cho sự can thiệp của Mỹ trong các cuộc nội chiến và diệt chủng phần lớn ở châu Phi và châu Âu.


Trong khi đó, kinh nghiệm của Cố vấn An ninh Quốc gia tương lai Susan Rice cũng tập trung phần lớn vào châu Phi và cổ súy cho sự can thiệp của Mỹ. Hơn nữa, công việc của bà Rice trên cương vị Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cũng khó có thể khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh ưa thích. Thực tế cho thấy Rice đã thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề CHDCND Triều Tiên hơn hầu hết các quan chức khác trong chính quyền Mỹ vài tháng qua.


Chính Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel mới là người có nền tảng và kinh nghiệm nhiều hơn trong các vấn đề châu Á so với ba nhân vật trên. Tuy nhiên, giống như Kerry, Trung Đông mới là mối quan tâm chính của Hagel. Hơn nữa, quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung không thể do một bộ trưởng quốc phòng là người đứng đầu, ít nhất trong trường hợp mối quan hệ song phương tiếp tục được cải thiện.


Hiện vẫn chưa rõ ở thời điểm này ông Obama sẽ trông cậy vào ai là người phụ trách chính sách với Trung Quốc sau khi Donilon ra đi. Đó có thể là Daniel R. Russel, người được đề cử thay thế Campbell ở vị trí trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương (tuy nhiên, ông này chưa được Thượng viện phê chuẩn). Là một nhà ngoại giao với bề dày kinh nghiệm, đặc biệt tại Nhật Bản, trong thời gian gần đây Russel đảm nhiệm cương vị Giám đốc các vấn đề Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia và được cho gần gũi với Chánh văn phòng Nhà Trắng Dennis McDonough.


Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của cương vị trên trong chính sách ngoại giao của Mỹ, rất có khả năng Tổng thống Obama muốn một người đang làm việc tại Nhà Trắng. Và đó có thể là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Tony Blinken.



Việt Hải (P/v TTXVN tại Xinhgapo)

Mỹ tìm người kế nghiệp phụ trách chính sách với Trung Quốc
Mỹ tìm người kế nghiệp phụ trách chính sách với Trung Quốc

Với việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon sẽ rời nhiệm sở vào tháng 7 tới, giờ đây chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ phải tìm người mới để phụ trách vấn đề chính sách với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN