Mỹ tăng cường sức ép kinh tế lên các nước láng giềng

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang gia tăng sức ép kinh tế lên các nước láng giềng, từ Panama đến Canada và Mexico. Động thái này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của Washington mà còn là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn để kiềm chế Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
 Con tàu di chuyển qua Kênh đào Panama ở Panama City, Panama. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo Izvestia (Nga), chính sách của Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đang tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế với các nước láng giềng. Một trong những động thái đáng chú ý nhất là yêu sách của Mỹ đối với Kênh đào Panama, một tuyến đường quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Theo Konstantin Sukhoverkhov, Giám đốc chương trình tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC), yêu sách của Mỹ đối với Kênh đào Panama là một phần trong cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Chuyên gia Sukhoverkhov cho rằng nhiều tàu chở sản phẩm của Trung Quốc đi qua Kênh đào Panama, và Tổng thống Trump nhận thấy cơ hội để hạn chế một số dòng tài chính chảy vào Trung Quốc.

"Hành động của ông Trump cũng phù hợp với 'Học thuyết Monroe', nhằm mục đích ngăn chặn các quốc gia bên ngoài tác động đến Tây bán cầu. Kịch bản Kênh đào Panama minh họa cho điều này", chuyên Sukhoverkhov nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với báo Izvestia (Nga) hôm 7/2.

Trước đó, Washington đã tuyên bố rằng các tàu của Mỹ sẽ được phép đi qua Kênh đào Panama mà không mất phí. Tuy nhiên, chính quyền Panama đã nhanh chóng bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào như vậy với Washington. Tổng thống Panama José Raúl Mulino ngày 6/2 phủ nhận thông tin nước này đạt được thỏa thuận với Mỹ cho phép các tàu chiến của nước này đi qua kênh đào Panama mà không phải trả phí. Điều này cho thấy rằng Mỹ đang đối mặt với sự phản kháng từ các nước láng giềng trong việc thực hiện chính sách kinh tế của mình.

Ngoài Panama, trọng tâm của chính quyền ông Trump còn chuyển sang Colombia, Canada và Mexico, buộc các quốc gia này phải xem xét lại các chiến lược kiểm soát biên giới của họ. Canada và Mexico còn phải đối mặt với thách thức từ Tổng thống Mỹ về mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu của họ trừ khi họ giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy.

Theo Tatyana Rusakova, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Trump đang hành xử giống một doanh nhân hơn là một chính trị gia. Nhà lãnh đạo Mỹ đang theo đuổi các giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề mang tính cá nhân, và trong trường hợp này, sự ép buộc về kinh tế tỏ ra hiệu quả hơn các nỗ lực ngoại giao.

Có thể nói, chính sách kinh tế của Mỹ thời chính quyền Tổng thống Trump 2.0 đã và đang tạo ra một số thay đổi đáng chú ý trong quan hệ kinh tế với các nước láng giềng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực hiện chính sách này.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)
Nga: Mỹ chưa sẵn sàng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân
Nga: Mỹ chưa sẵn sàng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva, ông Gennady Gatilov cho biết Mỹ chưa sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận nghiêm túc với Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN