Mỹ nắm bá quyền hay chỉ chiếm ưu thế trên thế giới?

Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, Giáo sư Đại học Harvard Joseph S. Nye, ngày 17/3 có bài viết với nhan đề “Mỹ nắm bá quyền hay chỉ chiếm ưu thế trên thế giới”.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết: 

   
Không quốc gia nào trong lịch sử hiện đại có sức mạnh quân sự lớn như Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng hiện nay Mỹ đang đi vào “vết xe đổ” của Vương quốc Anh, bá chủ toàn cầu gần đây nhất song đã suy thoái.

Anh chưa bao giờ nổi trội như Mỹ ngày nay. Từng sở hữu một lực lượng hải quân có quy mô bằng hai hạm đội hợp lại, Đế quốc Anh, nơi mặt trời không bao giờ lặn, từng cai trị 1/4 nhân loại. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa các nguồn lực tương đối của Đế quốc Anh và nước Mỹ hiện nay. Khi Thế chiến Thứ nhất bùng nổ, Anh chỉ xếp thứ tư trong số các cường quốc về lực lượng quân đội, thứ tư về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thứ ba về chi tiêu quân sự.

Vị thế của Mỹ trên thế giới có thể được mô tả chính xác hơn bằng cụm từ “bán bá quyền”.


Bất chấp tất cả những lời nói không chính xác về một “đế quốc Mỹ”, thực tế là Mỹ không có thuộc địa để phải quản lý, do đó nước này tự do hành động hơn so với Anh. Và nhờ việc được bao quanh bởi các quốc gia yếu và hai đại dương, nước Mỹ dễ tự phòng thủ hơn nhiều. Điều đó đem đến cho chúng ta một vấn đề khác khi so sánh (Anh và Mỹ) trong vai trò bá chủ toàn cầu: sự mập mờ về ý nghĩa thực sự của khái niệm “bá quyền”. Có một số người cho rằng bá quyền đồng nghĩa với việc kiểm soát các nguồn lực mạnh nhất, song nếu xét theo định nghĩa này thì nước Anh trong thế kỷ 19 - khi đang ở đỉnh cao quyền lực của mình vào năm 1870, xếp thứ ba (sau Mỹ và Nga) về GDP và thứ ba (sau Nga và Pháp) về chi tiêu quân sự - sẽ không thể được coi là bá chủ, cho dù nước này đứng đầu về lực lượng hải quân.

Tương tự, những người nói về bá quyền Mỹ sau năm 1945 đã không lưu ý rằng Liên Xô trước đây đã cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ trong hơn 4 thập niên. Dù Mỹ có sức mạnh kinh tế vượt trội, sức mạnh chính trị và quân sự của nước này đã bị hạn chế bởi sức mạnh của Liên Xô.

Một số nhà phân tích mô tả giai đoạn sau năm 1945 như một trật tự thứ bậc do Mỹ dẫn đầu. Họ chỉ ra rằng việc giữ trật tự này có thể là hợp lý đối với nhiều nước, ngay cả khi nguồn lực của Mỹ suy giảm. Theo đó, trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu có thể tồn tại lâu hơn việc giữ ưu thế về các nguồn lực của nước này, dù nhiều người khác cho rằng sự xuất hiện các cường quốc mới báo trước sự sụp đổ của trật tự trên. Tuy nhiên, khi nói đến kỷ nguyên của cái được cho là bá quyền Mỹ, luôn có rất nhiều giả thuyết lẫn trong sự thật. Nó không hẳn là một trật tự toàn cầu mà giống một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, chủ yếu là ở châu Mỹ và Tây Âu. Do đó, vị thế của Mỹ trên thế giới có thể được mô tả chính xác hơn bằng cụm từ “bán bá quyền”. 

Tất nhiên, Mỹ đã duy trì sự thống trị kinh tế sau năm 1945: sự tàn phá của Thế chiến Thứ hai tại nhiều quốc gia đồng nghĩa với việc Mỹ tạo nên gần một nửa GDP toàn cầu. Vị thế đó kéo dài cho đến năm 1970, khi tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu giảm xuống mức trước chiến tranh, còn 1/4. Nhưng từ quan điểm chính trị hay quân sự thì thế giới khi đó là lưỡng cực, với Liên Xô cân bằng quyền lực với Mỹ. Trong bối cảnh này, “ưu thế” có vẻ là từ mô tả chính xác hơn tỷ trọng vượt trội của Mỹ về cả ba loại nguồn lực: quân sự, kinh tế và sức mạnh mềm.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có phải thời kỳ Mỹ chiếm ưu thế đang đi đến hồi kết? Do không thể tiên đoán về sự phát triển trên toàn cầu nên tất nhiên là không thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác. Sự gia tăng các lực lượng xuyên quốc gia và các chủ thể phi nhà nước, chưa kể đến những cường quốc mới nổi như Trung Quốc, cho thấy có sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Nhưng vẫn có lý do để tin rằng, ít nhất là trong nửa đầu thế kỷ này, Mỹ vẫn sẽ giữ được ưu thế về các nguồn lực và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cán cân quyền lực toàn cầu.


Thanh Tuấn



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN