Quân nhân Nga thuộc lực lượng đặc nhiệm Akhmat bắn pháo D-30 về phía các vị trí của Ukraine ở khu vực Kursk, Nga. Ảnh: Sputnik
Trang RT (Nga) vừa đăng tải bài viết của Sergey Poletaev, nhà phân tích thông tin, đồng sáng lập và biên tập viên của dự án Vatfor, bàn về vấn đề hòa bình cho Ukraine và vai trò của Mỹ, Nga.
Theo bài báo, lệnh ngừng bắn vào Lễ Phục sinh đã diễn ra và kết thúc, với việc Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau về hàng nghìn vụ vi phạm khi giao tranh tiếp tục diễn ra trên khắp các tuyến đầu - một lời nhắc nhở khác về việc chấm dứt cuộc chiến này khó khăn như thế nào.
Trong bối cảnh như vậy, kế hoạch hòa bình được Tổng thống Donald Trump cam kết từ lâu đang va chạm với thực tế địa chính trị. Bất chấp các cuộc đàm phán riêng với Điện Kremlin và áp lực ngày càng tăng từ cả đồng minh và đối thủ, ông Trump vẫn chưa đưa ra được một thỏa thuận nào “không giống như đầu hàng”, hoặc làm suy yếu vị thế chính trị của chính ông.
Trong lúc một chiến dịch tấn công mới đang rình rập và sự kiên nhẫn đang cạn kiệt, câu hỏi thực sự hiện nay là liệu hòa bình có còn trên bàn đàm phán hay không, và nếu có thì theo điều khoản của ai.
Nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump
Chuyên gia Poletaev cho rằng, sự khác biệt cơ bản giữa Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Joe Biden là ông Trump thực sự đang cố gắng đàm phán một nền hòa bình có ý nghĩa với Nga. Ông không muốn kéo dài cuộc chiến và quyết tâm chấm dứt nó. Nhưng ông cũng biết rằng mình không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào - ông cần một phiên bản hòa bình không giống như một thất bại. Vì những người chỉ trích ông đã sẵn sàng coi bất kỳ sự thỏa hiệp nào ở Ukraine là một “Afghanistan thứ hai” của Mỹ.
Đó là khuôn khổ mà Tổng thống Mỹ đang làm việc. Nhưng điều thúc đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự không phải là mối quan tâm hàng đầu của ông Trump. Vì vậy, ông cử một người bạn tâm giao đáng tin cậy - Steve Witkoff – tới để tìm hiểu khả năng đạt được một thỏa thuận với Điện Kremlin.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Witkoff có thể nghe thấy cùng một thông điệp cứng rắn mà nhà lãnh đạo Nga chia sẻ trước công chúng - và theo như báo cáo, trong các cuộc gọi riêng với ông Trump: đó là, hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được theo các điều khoản của Moskva.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố St. Petersburg, Nga ngày 11/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ít nhất, điều đó có nghĩa là khôi phục các thỏa thuận Istanbul với các nhượng bộ lãnh thổ bổ sung. Nhiều nhất, nó liên quan đến các yêu cầu toàn diện của Nga vào năm 2021 nhằm vẽ lại cấu trúc an ninh của Đông Âu và trên thực tế là đảo ngược di sản của Chiến tranh Lạnh.
Thông điệp của Nga
Có vẻ như Tổng thống Putin cũng tin rằng ông có thể đạt được ít nhất những mục tiêu tối thiểu của mình bằng vũ lực. Ông đang dùng mối đe dọa leo thang để gây áp lực lên người đồng cấp Trump. Thông điệp ngầm rất rõ: Lo sợ rằng sự sụp đổ của Ukraine sẽ bị đổ lỗi cho ông (Trump)? Vậy thì có một cách để ngăn điều đó xảy ra – hãy đạt thỏa thuận với tôi (Putin).
Đổi lại, ông Trump có thể giữ thể diện, giành được những lợi ích kinh tế như khôi phục dự án Nord Stream 2, và tuyên bố đem lại hòa bình cho Ukraine trong nhiệm kỳ của mình. Còn Tổng thống Putin sẽ có được điều ông thực sự khao khát: một bước “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Nga, chấm dứt các lệnh trừng phạt, và quan trọng nhất là sự hợp pháp hóa cho các hành động của Nga tại Ukraine.
Đó là lời đề nghị ngầm mà ông Putin đã đưa ra, và theo mọi dấu hiệu, đó là những gì ông và đặc phái viên Witkoff đã thảo luận trong cuộc họp kéo dài 5 giờ của họ. Về phần mình, ông Witkoff có vẻ như đã đồng ý – ông đã nói như vậy trong một lần xuất hiện trên Fox News hôm 15/4.
Nhưng quyết định cuối cùng nằm ở Tổng thống Trump, không phải ông Witkoff. Và nhà lãnh đạo Mỹ phải đối mặt với một thách thức khó khăn: ngay cả khi ông muốn đạt được một thỏa thuận, làm sao ông có thể đảm bảo nó sẽ được duy trì? Không chỉ có Ukraine và châu Âu không muốn các cuộc đàm phán Mỹ - Nga, mà sự phản đối cũng đến từ chính phe của ông Trump.
Lấy Keith Kellogg (đặc phái viên về Ukraine) làm ví dụ. Ông có thể nói với Tổng thống Trump rằng Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào như vậy. Ông có thể lập luận rằng châu Âu hoàn toàn ủng hộ Kiev và nếu thực sự muốn hòa bình, Tổng thống sẽ cần phải khiến ông Putin chấp nhận sự hiện diện của quân đội châu Âu tại Ukraine. Các ông muốn hòa bình? Đây là lộ trình - hãy thực hiện điều đó.
Sau đó là Ngoại trưởng Marco Rubio, người có thể lặng lẽ nhưng kiên quyết thúc đẩy quan điểm toàn cầu hóa: bất kỳ hòa bình nào cũng phải theo các điều khoản của phương Tây, không phải của Nga. Ông thậm chí có thể đưa ra một vòng trừng phạt mới và một gói viện trợ quân sự khác cho Ukraine.
Tình hình này gợi nhớ đến năm 2016. Khi đó, ông Trump có vẻ có mối quan hệ thân thiện với ông Putin nhưng cuối cùng lại mở rộng các biện pháp chống Nga do những sức ép trong nước. Ngày nay, vị thế chính trị của ông ở trong nước mạnh mẽ hơn, nhưng rủi ro cũng vậy.
Lựa chọn của Tổng thống Trump và các kịch bản
Hiện tại, ông Trump đang lựa chọn con đường ít kháng cự nhất: ông đưa ra đề xuất ngừng bắn.
Điều này dẫn đến một thế bế tắc tế nhị. Cả hai bên đều đưa ra các điều khoản hòa bình mà bên kia thấy không thể chấp nhận được, trong khi ngầm đe dọa leo thang nếu không đạt được thỏa thuận nào.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở London, Anh, ngày 1/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Chúng ta đã biết được các động thái leo thang tiềm tàng của Tổng thống Putin. Còn đối với Tổng thống Trump, ông đang đe dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt chống Nga khắc nghiệt nhất cho đến nay nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Cho dù mối đe dọa đó có nghiêm trọng hay không, thì điều quan trọng là: Nhà Trắng đang âm thầm rút lui khỏi việc hỗ trợ quân sự cho Kiev. Các thông tin rò rỉ gần đây không chỉ cho thấy sự miễn cưỡng mà còn cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng đối với động thái tiếp tục cung cấp vũ khí của châu Âu. Còn nếu ông Trump cho phép viện trợ mới cho Ukraine, có vẻ như ông đang tiếp tục chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Biden – chính sách mà ông liên tục chỉ trích là một thảm họa.
Hiện tại, Moskva và Washington dường như không thể - hoặc không muốn - thực hiện các bước có ý nghĩa đối với nhau. Nhưng không bên nào muốn thừa nhận thất bại hoặc gây ra một vòng xoáy leo thang mới. Đây là một trò chơi chờ đợi: ai sẽ chớp mắt trước? Thế bế tắc đó sẽ không kéo dài mãi mãi. Tổng thống Mỹ sẽ sớm cần phải kêu gọi viện trợ quân sự mới, trong khi nhà lãnh đạo Nga dự kiến sẽ phát động một chiến dịch tấn công mới mùa Xuân – Hè.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Không có gì lớn được mong đợi trước giữa tháng 5. Có tin đồn rằng một phái đoàn cấp cao của Mỹ có thể tham dự lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng Thế chiến II tại Moskva - và ông Putin không phải là người thích làm hỏng bữa tiệc bằng những tin tức xấu.
Nhìn xa hơn, có ba kịch bản hợp lý về các diễn biến tiếp theo - theo chuyên gia phân tích Sergey Poletaev.
Thứ nhất, các bên trở lại với những hoạt động như thường lệ: Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ bị đình trệ, buộc ông Trump phải tiếp tục và ủng hộ Ukraine. Cuộc tấn công mùa hè của Nga có thể diễn ra chậm rãi, giống như năm ngoái, dần dần làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine.
Thứ hai, hai nhà lãnh đạo Trump và Putin đạt được một thỏa thuận cho phép ông Trump thoát khỏi Ukraine và đổ lỗi cho châu Âu và Kievv. Thỏa thuận ngừng bắn sẽ không kéo dài – nó sẽ chỉ dựa trên sự đảm bảo cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, trong khi xung đột cơ bản vẫn chưa được giải quyết.
Và thứ ba, sự sụp đổ hoàn toàn của Ukraine: Đây là kịch bản mà ông Putin liên tục ám chỉ – Nga giáng một đòn quân sự quyết định khiến tiền tuyến của Ukraine sụp đổ. Nếu điều đó xảy ra, Kiev có thể buộc phải đàm phán trực tiếp với Moskva.
Tại sao không phải là hòa bình?
Tại sao chúng ta không tin vào hòa bình lâu dài vào lúc này? Bởi vì không ai liên quan đồng ý về việc hòa bình thậm chí nên như thế nào. Tổng thống Trump không thể áp đặt một thỏa thuận lên Ukraine hay châu Âu. Và cho đến khi điều đó thay đổi, xung đột sẽ vẫn tiếp diễn.
Có ngừng bắn hay không, kết quả cuối cùng sẽ được quyết định trên chiến trường.