Mặc dù bùng phát muộn hơn so với các khu vực khác khi ghi nhận ca mắc đầu tiên ngày 26/2, nhưng với tốc độ lây nhiễm sau 2 tuần lại tăng gấp đôi, tính tới thời điểm hiện tại, khu vực đã trở thành điểm nóng của thế giới với trên 500.000 ca mắc, trong đó trên 28.000 ca tử vong.
Ngoài Brazil có số bệnh nhân hiện cao thứ ba thế giới, thì Peru ngày 20/5 đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latinh với số ca nhiễm lên đến 104.020 người, tăng trên 4.500 ca trong 1 ngày. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ ngày 16/3, sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 vào ngày 6/3, và quốc gia Nam Mỹ cũng đã 4 lần kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, trong vòng 39 ngày, số ca nhiễm tại quốc gia này đã là 10.000 người.
Trong khi đó, diễn biến dịch tại Brazil và Mexico, 2 quốc gia có dân số chiếm hơn 50% tổng dân số trong khu vực trên 630 triệu người, càng đáng lo ngại hơn khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến trong vài ngày qua. Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Brazil chiếm trên 50% tổng số ca tại khu vực, lần lượt là trên 293.000 và gần 19.000. Đặc điểm chung tại Brazil và Mexico là sự thiếu đồng nhất giữa chính quyền liên bang và địa phương trong chiến lược chống dịch, và chính phủ hạ thấp cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro luôn đi ngược lại các biện pháp phòng dịch mà các bang áp dụng và kêu gọi người dân quay trở lại làm việc bất chấp dịch bệnh lây lan mạnh. Bản thân ông Bolsonaro cũng bất đồng với các thành viên nội các về phương thức xử lý khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khiến chỉ trong vòng 1 tháng nay đã có 2 bộ trưởng Y tế bị miễn nhiệm hoặc từ chức.
Còn ở Mexico, quốc gia không triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc ngoại trừ việc kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 31/5, tình hình dịch đang trong giai đoạn đỉnh điểm, với trên 56.500 ca bệnh, trong đó trên 6.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tại Mexico ở mức cao trên toàn cầu, khoảng 10%, một phần là do trên 70% dân số mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì và thừa cân.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số ca mắc bệnh tại Mexico cao hơn nhiều so với con số được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, bởi Chính phủ Mexico không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm đối với những người có triệu chứng bệnh và dựa vào phương pháp dịch tễ học Sentinel để ước tính về số ca bệnh. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico mới tiến hành 185.775 xét nghiệm và như vậy có tới 29,2% người được xét nghiệm cho kết quả dương tính. Đáng lo ngại hơn, mặc dù chưa kiểm soát được dịch, Chính phủ Mexico đã lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế trong tháng Năm này.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi mùa mưa đang tới, khu vực phải đối mặt với một “đại dịch” không kém phần nguy hiểm so với COVID-19 đó là sốt xuất huyết. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đánh giá mặc dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng căn bệnh lo lắng nhất hiện nay ở Mỹ Latinh là sốt xuất huyết khi số ca nhiễm đang tăng mạnh và tiến triển theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Các ca sốt xuất huyết được xác nhận ở khu vực từ giữa năm 2019 và 2020 là 3.095.821 ca, trong đó có 1.530 trường hợp tử vong. Chỉ trong tháng Một vừa qua, khu vực đã có hơn 125.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết và ít nhất 27 người tử vong.
Cuộc khủng hoảng y tế kép không phải là thách thức duy nhất ở một khu vực có tình trạng bất bình đẳng xã hội và tỷ lệ người nghèo cao hàng đầu thế giới như Mỹ Latinh. Hiện khu vực có khoảng 200 triệu người nghèo, chiếm 30,8% dân số, phần lớn làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, không có bảo hiểm y tế và xã hội và vì vậy không thể tiếp cận các dịch vụ y tế. Với sự bất bình đẳng xã hội cao và hệ thống y tế yếu kém, Mỹ Latinh đang phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAl) của Liên hợp quốc dự báo, GDP của khu vực sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay do tác động của đại dịch COVID-19.
Nguy cơ hệ thống y tế sẽ sụp đổ và khi sức khỏe của lực lượng lao động và sản xuất suy yếu thì khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch sẽ trở lên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh đang huy động mọi nguồn lực tài chính có thể cho cuộc chiến chống COVID-19 để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội.
Nhiều quốc gia đã công bố hàng loạt gói tài chính trị giá hàng tỷ USD và kêu gọi sự hỗ trợ từ các thể chế tài chính đa phương nhằm tăng cường hệ thống tài chính công, hệ thống y tế, trợ giúp người nghèo, những đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đơn cử, Tổng thống Chile Sebastián Piñera ngày 17/5 đã công bố các biện pháp mới như phân phối 2,5 triệu giỏ thức ăn cho các gia đình có thu nhập thấp, thành lập hai tổ chức tài chính mới để tạo thuận lợi hơn cho các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ. Một quốc gia nghèo như El Salvador, chính phủ cũng trợ cấp 300 USD cho mỗi hộ gia đình có điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, dường như mọi sự hỗ trợ đều chưa đủ bởi mức độ tàn phá của cuộc khủng hoảng hiện nay là quá lớn.
Trong khi làn sóng dịch thứ nhất chưa qua, khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ cao tiếp tục phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai dự kiến xuất hiện vào cuối tháng 10 tới khi các biện pháp ngăn chặn được dỡ bỏ. Tại thời điểm đó, mỗi quốc gia tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh sẽ đưa ra các biện pháp thích hợp và điều này sẽ còn có tác động lớn hơn đối với sinh kế của người dân. Quyết định mở cửa lại nền kinh tế không thể chỉ dựa trên kết quả giảm ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 mà còn dựa trên sự chuẩn bị của hệ thống y tế, trường học và nơi làm việc. Và các chính phủ phải đối mặt với các quyết định rất khó khăn dựa trên bối cảnh của mỗi quốc gia.
Các chuyên gia khuyến cáo Mỹ Latinh cần từng bước cẩn trọng quay trở lại tình trạng bình thường mới, người dân cần thích nghi với một cách sống mới cho phép bảo vệ sức khỏe và phục hồi sinh kế. Khu vực có thể kiểm soát được làn sóng dịch thứ hai nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng và một chiến lược y tế cộng đồng tốt. Tuy nhiên, khó có thể thực hiện được các chiến lược ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt ở Mỹ Latinh, bởi hầu hết các quốc gia khu vực có mức chi tiêu bình quân đầu người cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ bằng 1/3 so với các quốc gia phát triển như Italy. Mexico chỉ có số giường bệnh và máy thở tính trên đầu người lần lượt bằng một nửa và 1/10 của quốc gia láng giềng Mỹ. Ngay cả trước khi bùng phát đại dịch, các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh đã không được trang bị đầy đủ để nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe.
LHQ dự báo Mỹ Latinh hiện ở giai đoạn đầu của một đợt suy thoái sâu rộng, trong bối cảnh cả khu vực đang chật vật giải quyết những khó khăn kinh tế. Tình hình tài chính của rất nhiều quốc gia khu vực hiện nay xấu hơn rất nhiều so với thời kỳ xảy ra cuộc khủng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhiều chính phủ đang lâm vào cảnh nợ nần khi mức nợ công trung bình của khu vực đã tăng từ 40% GDP lên tới 62% trong giai đoạn từ năm 2008-2019. Những biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, giá nguyên liệu thô sụt giảm và ngành du lịch điêu đứng do đại dịch đã khiến triển vọng kinh tế khu vực càng ảm đạm.
Thực tế là các nước khu vực đang gồng mình trước cuộc khủng hoảng kép. Các chuyên gia lo ngại rằng tình hình dịch bệnh không được kiểm soát và khó khăn kinh tế càng làm suy yếu khả năng chống chọi của khu vực Mỹ Latinh trước COVID-19, nếu chính phủ các nước không có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như cần sự hỗ trợ tích cực của quốc tế.