Quả bom "Hồ sơ Panama" làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình trên thế giới yêu cầu nhiều quan chức từ chức. Ảnh: AFP/ TTXVN |
“Báo Độc Lập” (Nga) số ra ngày 8/4 có bài viết cho rằng Washington có thể mở rộng danh sách trừng phạt các công dân Nga trước khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu về vấn đề này. Ở Mỹ, người ta đang quan tâm đến “Hồ sơ Panama” như một yếu tố để củng cố cơ sở bằng chứng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc mở rộng các biện pháp trừng phạt sẽ không được nhắc đến và nghi ngờ về khả năng EU sẽ ủng hộ các biện pháp kìm kẹp Nga.
Các quan chức Mỹ đang nghiên cứu tài liệu điều tra của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) về các công ty tài chính nước ngoài rất có thể đã giúp các công ty và cá nhân Nga "lách" các lệnh cấm vận, bị áp đặt liên quan đến tình hình bất ổn ở Ukraine từ năm 2014.
Hãng tin “Bloomberg” trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, “bản danh sách đen” các doanh nhân có thể sẽ được mở rộng vào tháng 6/2016, khi EU có câu trả lời về vấn đề liệu có nên kéo dài các lệnh cấm vận Nga hay không. Theo ý kiến của ông Peter Harrell, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách tài chính, việc rò rỉ các tài liệu cho giới truyền thông sẽ giúp các cơ quan chức năng “xây dựng các cơ sở bằng chứng cần thiết”.
Bộ Tài chính Mỹ bình luận rằng: “Chính phủ đang sử dụng tất cả các nguồn thông tin, cả nguồn tin trong và ngoài nước để tập trung điều tra các hoạt động bất hợp pháp có khả năng đã xảy ra, bao gồm việc vi phạm luật thuế hay vi phạm các biện pháp trừng phạt được Mỹ áp đặt”. Cuộc điều tra về các công ty tài chính của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự tham gia của gần 400 nhà báo thuộc ICIJ trên toàn thế giới.
Liên quan đến Nga, phần tài liệu kể trên cho rằng những người gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển khoản tiền ít nhất là khoảng 2 tỷ USD thông qua công ty tài chính này, và 12 quan chức khác là những nhà sáng lập, chủ sở hữu hoặc là cổ đông của các công ty tương tự.
Trong số các nhân vật nằm trong “bản danh sách đen” kể trên đang bị điều tra có nhạc sỹ Sergey Roldugina, tỷ phú Arkady Rotenberg, cổ đông lớn nhất của Ngân hàng “Russia” Yury Kovalchuk- người vốn bị truyền thông phương Tây gọi là nhân viên ngân hàng cá nhân của ông Putin.
Ngoài ra, các nhà báo cũng nhắc tới công việc làm ăn của Alesey Krapivin- con trai một cộng sự thân cận của Cựu Giám đốc Công ty đường sắt Liên bang Nga- Vladimir Yakunin, và con trai của Giám đốc “Rostec” Stanislav Chemezov. Yakunin và Chemezov vốn đều đã nằm trong danh sách trừng phạt. Tuy nhiên, tuyên bố của các quan chức Mỹ có thể là trò lừa bịp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/4 tuyên bố không có bất kỳ yếu tố tham nhũng nào khi đề cập tới vụ "Hồ sơ Panama". Ảnh: AFP/TTXVN |
Phó Giáo sư Luật quốc tế và châu Âu của Đại học Liên bang Baltic Vadim Voinikov cho rằng các tài liệu nêu trên thiếu các bằng chứng thuyết phục mà có thể chứng minh hành vi phạm pháp của các doanh nghiệp trên. Chuyên gia này dự đoán Mỹ sẽ mở rộng danh sách trừng phạt, còn EU cũng sẽ kết nối với những hạn chế mới.
Ông Voinikov nói: “Chính quyền châu Âu không có khả năng mở rộng các biện pháp trừng phạt bởi thủ tục triển khai các biện pháp hạn chế là khá phức tạp. Ngoài ra, đang cũng có một loạt vấn đề được đặt ra cho EU, và dường như xét về mặt chính trị thì quyết định này sẽ không được sự ủng hộ của đa số. Tôi không nghĩ rằng châu Âu sẽ khiến mối quan hệ với Nga xấu hơn nữa bởi họ quan tâm nhiều hơn tới việc làm cách nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Đánh giá Chiến lược Aleksandr Konovalov đưa ra một quan điểm khác và nhận định rằng “Hồ sơ Panama” cho phép đưa ra một số kết luận về việc một số cá nhân có thể vốn bị vướng vào các lệnh trừng phạt đã cố gắng lách luật và phá vỡ luật pháp của Mỹ và châu Âu. Ông này không loại trừ việc mở rộng các lệnh trừng phạt nhưng không tin chúng sẽ duy trì lâu bởi cho rằng rất có thể cả người thân của các quan chức cấp cao cũng sẽ bị tác động bởi các đòn trừng phạt này.
Tờ “Economist” viết rằng “Hồ sơ Panama” hầu như không được quan tâm ở Nga, “không gây ra ngạc nhiên, không gây ra phẫn nộ phần lớn cho người dân Nga, mà chỉ có một vài hành vi kích động nhỏ lẻ”.
Ngày 7/4, Tổng thống Putin lần đầu tiên đưa ra bình luận về cuộc điều tra kể trên khi tuyên bố rằng tác giả của những tài liệu này đang nỗ lực để gieo rắc sự ngờ vực trong xã hội Nga và “phá hoại đất nước từ bên trong”. Tuy nhiên, không hề có bất cứ tính thực tế và bằng chứng nào cho các cáo buộc kể trên.
Theo khảo sát của hãng tin “Bloomberg”, chỉ 13% các nhà phân tích phương Tây cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ giảm bớt trong vòng 12 tháng tới. Trong khi đó 57% các nhà phân tích dự đoán EU sẽ kéo dài các biện pháp trừng phạt vào mùa hè năm 2016.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận cũng không giúp được gì cho nền kinh tế Nga. Thậm chí, ngay cả khi các biện pháp kiềm chế Nga được gỡ bỏ vào trước năm 2018, thì một sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng dường như là không thể.