Tờ Channel News Asia nhận định việc Mỹ coi Trung Quốc thao túng tiền tệ đã khiến các thị trường chấn động đầu tuần này và khiến nhiều người không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cáo buộc của Mỹ đã bị Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ.
Theo ông Roland Rajah, Giám đốc Chương trình Kinh tế Quốc tế thuộc Viện Lowy (Australia), Trung Quốc không còn thao túng tiền tệ ngay cả xét theo tiêu chuẩn riêng của Bộ Tài chính Mỹ.
Trong thực tế, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã hành động để hỗ trợ giá trị đồng Nhân dân tệ sau khi trải qua các đợt chảy vốn ra nước ngoài năm 2015 và 2016.
Vì những lý do tương tự, việc Trung Quốc “vũ khí hóa” đồng Nhân dân tệ là điều khó xảy ra. Trung Quốc sợ rủi ro kích hoạt một đợt chảy vốn ra nước ngoài nữa hơn là sợ các đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đúng là đồng Nhân dân tệ đã phá vỡ mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 đôla Mỹ, mức mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoc) trước nay vẫn luôn hành động để duy trì, nhưng không có gì thần kỳ ở mốc 7 này. Điều này chính Thống đốc PBoC đã từng công khai chỉ ra.
Trước tác động của các đối tác thương mại lớn, đồng nội tệ Trung Quốc đã yếu đi trong vài tháng qua nhưng vẫn gần mức trung bình kể từ năm 2016, cho thấy không có điều gì quá chênh lệch.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá trị khi hàng hóa Trung Quốc bị Tổng thống Trump áp thêm thuế là điều dễ hiểu và đã được lường trước vì nền kinh tế Trung Quốc phải điều chỉnh khi hoạt động xuất khẩu yếu hơn.
Ai cũng biết rằng bản thân việc coi Trung Quốc cố tình nới lỏng tiền tệ có ý nghĩa hạn chế. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sau đó sẽ trình ý kiến của Mỹ về vấn đề này lên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, IMF mới đây đã kết luận rằng Trung Quốc không thao túng tiền tệ. Do đó, trong trường hợp nào đi chăng nữa, IMF cũng sẽ chỉ tham vấn riêng với Trung Quốc về vấn đề này.
Các biện pháp khác mà Mỹ có thể áp dụng gồm không cho công ty Trung Quốc các hợp đồng của Chính phủ Mỹ và đưa vấn đề thao túng tiền tệ vào đàm phán thương mại. Nói cách khác, việc Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ không có nghĩa lý và hiệu quả nào.
Theo ông Roland Rajah, động thái của Tổng thống Trump chỉ có các dụng đánh lạc hướng. Thứ nhất, nó giúp ông tạo vỏ bọc chính trị cho các biện pháp thuế quan và có lẽ là cả các hình thức khác khi leo thang xung đột kinh tế.
Thứ hai, việc Bắc Kinh quyết định để tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD phá ngưỡng 7 NDT/1 USD cho thấy nước này sẵn sàng chống đối ông Trump, tham gia vào xung đột kinh tế leo thang cho dù Trung Quốc sẽ không vũ khí hóa đồng nhân dân tệ.
Tổng thống Trump sẽ làm gì để trực tiếp chống lại điều mà ông coi là thao túng tiền tệ?
Một khả năng sẽ là Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu can thiệp tiền tệ đề đáp trả lại. Cách tiếp cận này do các nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đề xuất sử dụng để đáp trả khi Trung Quốc thực sự thao túng tiền tệ.
Cách tiếp cận này sẽ hiệu quả khi mua tài sản định giá bằng đồng Nhân dân tệ để cố ý làm tăng giá đồng Nhân dân tệ và loại bỏ tác động khi Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, do Trung Quốc không thao túng tiền tệ (điều mà các nhà kinh tế Peterson nhất trí), nên khi làm như vậy, Mỹ lại không hề chống lại hành vi thao túng mà thay vào đó sẽ lại hành động như một nước thao túng tiền tệ.
Mỹ sẽ chỉ cần tìm cách hạ giá đồng USD để giành lợi thế cạnh tranh. Động thái này sẽ bị coi là đạo đức giả nhưng nếu thành công sẽ làm cho nền kinh tế toàn cầu bất ổn.
Ý đồ chính trị của Tổng thống Trump lúc này sẽ là tìm cách quyết định giá trị của đồng đôla Mỹ - đồng tiền dự trữ thế giới mà phần lớn hoạt động giao thương toàn cầu và tài chính xuyên biên giới dựa vào.
Lúc này, một câu hỏi lớn xuất hiện: tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai có kéo dài không và các nhà đầu tư thế giới có sẵn sàng chấp nhận không? Nếu họ chấp nhận, họ sẽ trao cho Mỹ đặc ân muốn vay bao nhiêu tùy thích bằng đồng USD.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ bị ràng buộc. Tổng thống Trump đã liên tục kêu gọi FED làm cho lãi suất giảm và đồng đô la rẻ hơn để giúp ông trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Chủ tịch FED Jerome Powell đã liên tục khẳng định FED độc lập trong quyết định vấn đề này.
Tuy nhiên, khi Tổng thống có nhiều động thái gây bất ổn kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ, FED cảm thấy buộc phải hành động để giảm tác động tiêu cực lên nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất.
Mối quan hệ kiểu này giữa Tổng thống Trump và FED dường như vẫn sẽ tiếp diễn.
Cuối cùng, nếu Tổng thống Trump muốn đồng USD yếu hơn và thể hiện ông sẵn sàng hành động, khi đó, sẽ không có nhiều thứ ngăn chặn ý muốn của ông thành hiện thực. Như vậy, xét cho cùng, Mỹ sẽ có nguy cơ trở thành nước thao túng tiền tệ.