Mỹ bị ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc suy yếu?

Thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc từ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2015. Mặc dù hiện tại chứng khoán Trung Quốc đã dần bình ổn trở lại sau các biện pháp can thiệp của chính phủ, song các nhà đầu tư trên thế giới vẫn đang rất lo lắng, dẫn đến giá dầu và vàng liên tục chao đảo.

Sau đây là những tác động đối với nền kinh tế Mỹ của khủng hoảng kinh tế Trung Quốc, theo phân tích của CNN:

1. Giao thương chững lại: Trong vòng 2 năm tới, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung được dự đoán sẽ vượt Mỹ - Canada và có giá trị lớn nhất thế giới. Nếu kinh tế Trung Quốc tuột dốc quá nhanh, sức tiêu thụ các sản phẩm nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm cả hàng hóa của Mỹ. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì cường quốc này hiện không quá lệ thuộc vào hoạt động giao thương với nước ngoài.

Nhà đầu tư theo dõi các chỉ số chứng khoán tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc ngày 27/7.Ảnh: AFP/TTXVN


Xuất khẩu chỉ chiếm 13% GDP của Mỹ, trong khi sức tiêu thụ nội địa chiếm đến hơn 2/3. Điều này đồng nghĩa với việc miễn là người tiêu dùng trong nước không bóp chặt hầu bao, kinh tế Mỹ vẫn đủ sức vượt qua những thời điểm “giông bão”. “Mỹ tách biệt hơn những nước khác. Nếu Trung Quốc bị cảm sốt, Mỹ có thể chỉ bị hắt hơi”, Kristina Hooper, chuyên gia phân tích chiến lược đầu tư của tập đoàn quản lý đầu tư Allianz Global Advisors (Đức), nhận định.

2. Doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ gây thiệt hại cho các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Hồi tuần trước, tập đoàn công nghệ United Technologies (Mỹ) đưa ra dự đoán bi quan về tình hình kinh doanh năm 2015, lấy lý do là vì kinh tế Trung Quốc.

Tập đoàn đa quốc gia này cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới trong mảng kinh doanh thang máy hiệu Otis tại Trung Quốc giảm đến 10% trong quý 2 vừa qua. “Suy thoái tại Trung Quốc tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán”, Akhil Johri, Giám đốc Tài chính của United Technologies, nói. Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh hồi tuần trước, với chỉ số Dow Jones giảm gần 3% do nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế châu Á. Tuy nhiên, nhìn chung, giới lãnh đạo các tập đoàn Mỹ không quá bấn loạn về biến động tài chính tại Trung Quốc. Một số tập đoàn lớn như Apple và Nike cho biết họ vẫn “ăn nên làm ra” tại cường quốc châu Á này.

3. Nguy cơ nợ xấu gây khủng hoảng tài chính toàn cầu: Do kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, giới phân tích lo ngại về nguy cơ phát sinh nợ xấu và dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng lan rộng ra phạm vi toàn cầu, giống như những gì đã xảy ra ở Mỹ hồi năm 2008. “Một cuộc khủng hoảng tài chính… có khả năng nhấn chìm cả thế giới vào suy thoái, đặc biệt là nếu cuộc khủng hoảng này lan ra khắp châu Á”, chuyên gia hoạch định chiến lược đầu tư toàn cầu George Hoguet thuộc State Street Global Advisors cảnh báo.

Tuy nhiên, ông Hoguet cũng tin rằng Bắc Kinh sẽ ra tay can thiệp trước khi điều này diễn ra. Cường quốc này có lượng dự trữ tiền mặt khổng lồ, với trị giá lên đến 4.000 tỉ USD. Bắc Kinh cũng đã chi rất nhiều tiền để ngăn đà tụt giảm của thị trường chứng khoán trong nước và Ngân hàng Trung ương nước này đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều ngân hàng Trung Quốc thuộc nhà nước và điều này giúp hạn chế nguy cơ khủng hoảng tài chính lan ra các nước khác.

Thậm chí ngay cả khi khủng hoảng tài chính của Trung Quốc chỉ diễn ra trong nước, điều này cũng đã làm thay đổi đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Trung Quốc. Chứng khoán Trung Quốc đã tăng đến 150% trong 12 tháng tính đến ngày 12/6, nhưng đã tụt giảm đến 32%, khiến giới đầu tư lo sợ đây là dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng. Đà tăng của giá chứng khoán Trung Quốc là do các khoản vay ngân hàng, những thông tin đồn đoán và các bản tin khuyến khích mua vào cổ phiếu của giới truyền thông nhà nước. Bắc Kinh đang gấp rút đưa ra những biện pháp mạnh để cứu thị trường. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể tác động tiêu cực đến giới đầu tư, những người đã hy vọng Bắc Kinh làm cho các thị trường Trung Quốc tự do hơn.

TTK
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc kỷ lục
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc kỷ lục

Bất chấp các nỗ lực của chính phủ, ngày 27/7 sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) chứng kiến sự giảm điểm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN