Mục đích chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản

Chuyến thăm lịch sử tới Trân Châu Cảng của ông Shinzo Abe diễn ra tại thời điểm có những mối quan ngại ngày càng tăng rằng trật tự thế giới đang bị đảo lộn theo nhiều cách.

75 năm sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm căn cứ này của Mỹ trong hai ngày 26-27/12. Tại đây, ông có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi ông Obama chính thức chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1/2017.

Đối với ông Abe, cuộc gặp này mang tính biểu tượng, nhằm cho thế giới - đặc biệt là Trung Quốc - thấy sức mạnh trường tồn của mối quan hệ Mỹ-Nhật thời hậu chiến. Chuyến thăm Trân Châu Cảng của ông Abe diễn ra tại thời điểm có những mối quan ngại ngày càng tăng rằng trật tự thế giới - được định hình sau trận chiến Trân Châu Cảng - đang bị đảo lộn theo nhiều cách. Chuyến thăm này còn mang một ý nghĩa quan trọng bởi nó diễn ra ngay sau cuộc gặp của ông Abe với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh cả Tokyo, Moskva và Washington cùng lo ngại về “sự trỗi dậy của Trung Quốc” ở châu Á và xa hơn nữa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang Honolulu ngày 26/12. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hiện tại, ông Abe đặc biệt lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong bối cảnh ông không thể lường trước những điều mà Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ làm sau khi ông Trump tuyên bố sẽ xem xét lại các mối quan hệ liên minh lâu đời và buộc các đồng minh phải “trả tiền để nhận được sự bảo hộ của Mỹ”. Sự thất bại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua như một lời cảnh báo đối với Tokyo rằng Bắc Kinh sẽ có cơ hội để khẳng định mình.

Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng một Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được tiến hành thảo luận từ năm 2012 và không bao gồm Mỹ, để đối trọng lại TPP, vốn không có sự tham gia của Bắc Kinh. Vấn đề chính ở đây không chỉ là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ để giành các thỏa thuận thương mại, mà còn thể hiện rõ sự tương phản trong cách nhìn của Mỹ và Trung Quốc về việc định hình trật tự khu vực và củng cố ảnh hưởng của họ.

Theo Trung Quốc, RCEP và FTAAP sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho đất nước hơn (ít nhất là bởi nó sẽ là một phần rõ ràng trong các thỏa thuận kinh tế mới và định hình hướng đi của họ) bằng việc tạo ra các khu vực thương mại tự do mà nước này là trung tâm. Và bằng vai trò dẫn đầu trong việc đấu tranh cho sáng kiến này, Bắc Kinh mong muốn có thể “đánh bóng” khả năng lãnh đạo khu vực của mình.

Tuy nhiên, động lực này đang bị hạn chế trong bối cảnh những căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, và có thể trở nên trầm trọng hơn do những động thái không thể đoán trước của ông Trump. Việc ông Trump đặt dấu hỏi về chính sách “một Trung Quốc” của Washington, sau đó là cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (được cho là cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên kể từ những năm 1970 giữa một tổng thống đắc cử hoặc một tổng thống đương nhiệm của Mỹ với nhà lãnh đạo Đài Loan), đã khiến Trung Quốc “bị sốc”.

Hơn nữa, căng thẳng vẫn đang tiếp diễn ở Biển Đông. Đây là vùng biển mà Nhật Bản đã lên kế hoạch tăng cường hoạt động thông qua việc tham gia cuộc tuần tra chung với Mỹ và tập trận với lực lượng hải quân của các nước trong khu vực.

Tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản PHL02 Tsugaru tham gia cuộc tập trận chung với lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines tại cảng Manila, Philippines ngày 11/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong khi đó, bối cảnh địa chính trị cũng đang định hình chiến lược chính trị trong nước của ông Abe. Ông biết rằng chuyến thăm lịch sử của ông đến Trân Châu Cảng có thể tạo lợi thế cho ông trong các cuộc bầu cử (khi tỷ lệ ủng hộ ông đang chiếm khoảng 60%) trước khả năng diễn ra một cuộc tổng tuyển cử sớm vào đầu năm 2017. Ông Abe vẫn có thể giữ nguyên vị trí Thủ tướng cho đến năm 2018, song đội ngũ của ông đang tính toán xem liệu một cuộc bỏ phiếu sớm có thể hạn chế những thiệt hại cho liên minh cầm quyền của ông - hiện đang nắm giữ 2/3 số phiếu trong Hạ viện - hay không.

Trong bối cảnh địa chính trị đang diễn ra phức tạp như hiện nay, khi mà các nước đều đang tìm cách thúc đẩy lợi thế cho riêng họ, ông Abe cũng đang tìm cách thay đổi những nền tảng chính trị và luật pháp về nền an ninh hòa bình hậu chiến tranh để Nhật Bản có thể hội nhập quốc tế hơn và có thể khiến ông Trump ủng hộ mình hơn.

Dù vậy, ông Abe đã nhấn mạnh rằng ông sẽ không đưa ra lời xin lỗi tại Trân Châu Cảng, cũng giống như những gì ông Obama đã làm ở Hiroshima đầu năm nay. Thay vào đó, ông Abe sẽ coi cuộc gặp gỡ nhằm để “an ủi linh hồn các nạn nhân” và “cho thấy sức mạnh của sự hòa giải đã biến những kẻ thù cố hữu thành những đồng minh thân thiết nhất”.

Một vấn đề cụ thể và quan trọng nữa mà ông Abe muốn thúc đẩy chính là việc hủy bỏ Điều 9. Đây là điều khoản trong Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, vốn ép buộc quân đội nước này đóng vai trò như một quân đội phòng thủ chặt chẽ hơn là một quân đội thông thường, và điều này có nghĩa là chi tiêu cho quốc phòng của nước này thường chỉ chiếm dưới 1% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội). Để xóa bỏ điều này, ông Abe sẽ không chỉ cần 2/3 số phiếu ủng hộ trong cả Thượng viện và Hạ viện, mà phải chiếm đa số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.

Nhìn chung, cuộc gặp mặt tại Trân Châu Cảng là động thái mới nhất của ông Abe trong việc củng cố hệ thống liên minh bên ngoài nước Nhật để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Abe hiểu rằng trong 4 năm giữ vị trí Thủ tướng, ông có thể nắm giữ một cơ hội để đảm bảo cho sự thay đổi Hiến pháp mang tính bước ngoặt của Nhật Bản về chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến, điều có thể giúp Nhật Bản hội nhập quốc tế, nhưng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

TTXVN/Tin Tức
Thủ tướng Abe đặt hoa tưởng niệm nạn nhân trận Trân Châu Cảng
Thủ tướng Abe đặt hoa tưởng niệm nạn nhân trận Trân Châu Cảng

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Hawaii, Mỹ, trước thềm cuộc gặp mang ý nghĩa biểu tượng với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại nơi xảy ra vụ tấn công Trân Châu cảng hồi năm 1941 trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN