Mổ xẻ nguyên nhân khiến ông Abe muốn thăm Nga vào đầu năm 2017

Theo ông Abe, cả Nhật Bản và Nga đều đã rơi vào ‘cái bẫy’ của sự mất lòng tin lẫn nhau và với chuyến thăm Nga sắp tới, dư luận kỳ vọng niềm tin giữa hai bên sẽ được thúc đẩy làm nền tảng cho sự hợp tác.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có kế hoạch thăm Nga vào đầu năm 2017 nhằm tiếp tục đàm phán về chủ quyền các hòn đảo cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương với Moscow. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nước này lại lên tiếng chỉ trích nhà lãnh đạo Nhật Bản bởi ông đã không thể đạt được sự những nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước.


Dẫn lời ông Abe, báo Độc lập (Nga) ngày 21/12 cho biết chính Thủ tướng Nhật Bản đã thừa nhận rằng các cuộc thảo luận về vấn đề chủ quyền suốt 70 năm qua hầu như đều không mang lại kết quả. Bởi vậy, theo ông, trước hết hai nước cần phải đặt lòng tin vào nhau, bằng mọi cách phải tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga, các dự án lớn đang bị treo, trong khi núp dưới danh nghĩa vì sự phát triển chung của quần đảo Nam Kuril, Nhật Bản đang “âm thầm” tìm cách thôn tính dần dần những hòn đảo mà họ từng tuyên bố chủ quyền.


Ông Abe bác bỏ những chỉ trích rằng không đạt bước tiến nào trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga V. Putin. Nguồn: Reuters

Không phải không biết về những phàn nàn này, bởi vậy trong một bài phát biểu mới đây trước các doanh nhân trong nước tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản biện hộ: "Sẽ không thể ký một hiệp ước hòa bình chỉ sau một, hai hội nghị thượng đỉnh. Trong khi đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Chính bởi vậy tôi muốn tăng tốc trong các bước đi nhằm cải thiện quan hệ với Nga". Đồng thời ông Abe luôn khẳng định những kết quả khả quan mà ông cùng Tổng thống Vladimir Putin đạt được mới đây.


Trong khi đó, báo chí Nhật Bản cho rằng Thủ tướng không chú trọng vào việc tìm kiếm và thông qua các giải pháp cùng chấp nhận được trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga, mà chỉ chăm chăm kêu gọi thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đáp lại, ông Abe cho rằng suốt 70 năm đàm phán mà hầu như không đạt được bước tiến nào, thì hẳn chúng ta cần phải tìm ra hướng đi khác. Cụ thể, Nhật Bản cần phải có cách tiếp cận mới để củng cố niềm tin của Moscow. Thực tế 7 thập kỷ qua đã chứng minh rằng “phương pháp” truyền thống không thể giúp giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, theo ông Abe, cách tiếp cận mới chính là tạm gác lại cuộc tranh luận về chủ quyền lãnh thổ, và tập trung vào phát triển quan hệ kinh tế, cũng như tạo ra một môi trường tin cậy lẫn nhau. Điều này sẽ giúp làm giảm “lòng tự tôn dân tộc” thái quá trong cả nước, theo hướng “một tấc không đi, một ly không rời”.


Thủ tướng Abe nêu rõ: "Người dân Nhật Bản hiện có tâm lý lo ngại rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác kinh tế và càng tìm cách gác lại vấn đề ký Hiệp ước hòa bình. Thế nhưng, Nga hiện còn nghi ngờ rằng các vấn đề phát triển hợp tác kinh tế cũng sẽ dậm chân tại chỗ, thậm chí ngay cả khi giả định hai bên có thể đạt tiến bộ về tranh chấp lãnh thổ”. Thủ tướng Abe khẳng định: “Cả Nhật Bản và Nga đều đã rơi vào ‘cái bẫy’ của sự mất lòng tin lẫn nhau”.


Tờ báo Nga nhận định ông Abe là một nhà hùng biện tài giỏi, logic của ông dường như không thể bác bỏ. Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật, mà ngay cả tại Nga, vẫn có nhiều người cho rằng các tuyên bố của ông thiếu tính thuyết phục. Ví dụ, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ông Victor Pavlyatenko cho rằng Tokyo đang chuẩn bị bàn đạp nhằm “thôn tính” lại những gì mà họ cho là của họ tại quần đảo Nam Kuril. Nhìn lại diễn biến Hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản vừa qua, các chuyên gia cho rằng, đội ngũ chuyên gia của hai nước đã không vượt qua được sự khác biệt khi chuẩn bị tài liệu cho các nhà lãnh đạo. Ông Putin và ông Abe thậm chí đều đã phải trả lại các tài liệu này để các chuyên gia nghiên cứu, sửa đổi. Và một lần nữa, dư luận Nhật Bản lại hy vọng, và trông đợi chuyến thăm Nga tới đây của ông Abe có thể thúc đẩy một tương lai nào đó thuận lợi hơn cho người Nhật.


“Điều đó cũng đồng nghĩa việc công chúng Nga lại có lý do để lo ngại chính vấn đề chủ quyền lãnh thổ của mình ở Nam Kuril” - vị chuyên gia này kết luận.

Gia Linh (Theo Báo Độc lập, Nga)
Nhật Bản và EU dự kiến sẽ ký FTA vào năm 2017
Nhật Bản và EU dự kiến sẽ ký FTA vào năm 2017

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida vừa cho biết nước này và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạm thời hoãn ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương cho đến năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN