Mong manh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc

Những tuyên bố tích cực và lạc quan trong những ngày gần đây của giới chức Mỹ và Trung Quốc về những “tiến bộ đáng kể” đạt được sau các vòng đàm phán thương mại đang ở giai đoạn nước rút, đã bị "phủ bóng" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/5 đưa ra một loạt đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm sau vòng đàm phán ở Bắc Kinh ngày 1/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng đưa ra chỉ 3 ngày trước khi một phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu dự kiến tới Washington để tiến hành vòng đàm phán được cho là cuối cùng với mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận thương mại cho cuộc gặp quan trọng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ sớm tăng mức thuế hiện là 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% từ ngày 10/5 tới, đồng thời áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa bổ sung của Trung Quốc. Cảnh báo tăng thuế, vốn được Tổng thống Trump sử dụng vài lần từ năm ngoái trong các cuộc đàm phán thương mại, lần này giống như một “thời hạn chót” mới để gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước diễn ra quá chậm và rằng Trung Quốc đang tìm cách đàm phán lại. Có vẻ bằng đe dọa tăng thuế lần này, ông chủ Nhà Trắng đang muốn chơi một "nước cờ" mang tính "được ăn cả ngã về không" để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc cân nhắc hủy các cuộc đàm phán sau lời đe dọa của Tổng thống Mỹ có thể khiến cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung căng thẳng trở lại .

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan cứng rắn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ là một phần của mọi thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Bởi vậy mà động thái mới của Tổng thống Trump đe dọa tăng thêm thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc, thậm chí có thể gây ra "tác dụng ngược" ngăn cản hai bên đạt được thỏa thuận. 
Trên thực tế, tháng 12 năm ngoái, Washington và Bắc Kinh đã tạm đình chỉ cuộc chiến thuế quan để đàm phán về một thỏa thuận thương mại sâu rộng đáp ứng được yêu cầu của cả hai. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho biết hai bên đã đồng ý về “rất nhiều điểm gai góc nhất”, nhưng nhấn mạnh thêm rằng "vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết". Vòng đàm phán mới nhất kết thúc ngày 1/5 ở Bắc Kinh được phía Mỹ đánh giá là "đạt hiệu quả", tạo hy vọng rằng vòng đàm phán sắp tới sẽ đem tới một thỏa thuận. 

Việc Tổng thống Mỹ gây thêm sức ép đối với Trung Quốc trước vòng đàm phán mới dự kiến trong tuần này bộc lộ một thực tế rằng những điểm còn vướng mắc, bất đồng giữa hai nước là những vấn đề khó khăn nhất không dễ vượt qua. Trước đó, ngay tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đã khẳng định hiện vẫn tồn tại những bất đồng và khác biệt lớn giữa hai nước và Washington sẽ không ký một thỏa thuận nào nếu như những vấn đề này không được giải quyết theo hướng có lợi cho nước Mỹ. Ông Lighthizer còn nhấn mạnh rằng trọng tâm đàm phán bên phía Trung Quốc là dỡ bỏ thuế quan của Mỹ, còn Washington đang đi sâu vào các vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc như quyền sở hữu trí tuệ. Nhìn vào những vấn đề kinh tế đang tồn tại trong quan hệ Mỹ - Trung, có thể hiểu rằng hai bên luôn đi theo hướng "va vào nhau" và trên thực tế những khác biệt then chốt giữa hai bên thực sự rất khó hóa giải, đặc biệt có những điểm được xem là "giới hạn đỏ".  

Mặc dù trong các cuộc đàm phán đã và đang diễn ra, hai  bên cũng đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, thông qua việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu nành, vi mạch và các sản phẩm khác của Mỹ, hay việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các vấn đề mang tính cấu trúc sẽ có được bước đột phá. Khi tìm cách cân bằng thương mại với Trung Quốc, Washington đang động vào giới hạn đỏ nhạy cảm nhất của Bắc Kinh - đòi Trung Quốc phải cải cách cơ bản các chính sách hiện nay và cải cách cấu trúc nền kinh tế. Washington cho là "Trung Quốc đang thiên vị và chống lại các doanh nghiệp Mỹ", như trợ cấp lớn cho các công ty Trung Quốc và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Mỹ cũng muốn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc đối với thương mại, như bảo hộ công nghiệp, thủ tục cấp bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật và những cách làm khác nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Trung Quốc trước các đối thủ Mỹ. 

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó chấp nhận những đòi hỏi như vậy, bởi để đáp ứng các yêu cầu đó, Bắc Kinh phải thay đổi chính sách cũng như cách thức hoạt động của nền kinh tế nước này, một bước đi được cho có thể "tạo cửa" cho Mỹ kiểm soát nền kinh tế của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) từng khẳng định quan điểm Trung Quốc muốn giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác, nhưng là "hợp tác có nguyên tắc” - đồng nghĩa với việc phía Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường và sẽ kiên trì "giới hạn đỏ" của mình.  

Chính vì vậy, dù hai bên vẫn đang cố gắng để thu hẹp bất đồng, nhưng càng gần đến giai đoạn cuối thì dường như hai bên lại bước vào "cuộc đọ sức" quyết liệt để thăm dò "điểm tới hạn” và để bảo vệ lợi ích kinh tế và cũng là lợi ích mang tính chiến lược cốt lõi của mỗi quốc gia. Triển vọng của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết khi hai bên có thể lại lạc vào "mê cung" của những tranh cãi gay gắt, chắn ngang con đường vốn gập ghềnh dẫn đến “hòa bình thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

ĐẶNG HUYỀN (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
Trung Quốc cân nhắc hủy đàm phán thương mại với Mỹ
Trung Quốc cân nhắc hủy đàm phán thương mại với Mỹ

Báo The Wall Street Journal ngày 5/5 cho biết Trung Quốc đang cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ trong tuần này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN