Israel và Hamas cáo buộc nhau cản trở thực thi thỏa thuận ngừng bắn
Khi lệnh ngừng bắn chuẩn bị có hiệu lực, Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cáo buộc phong trào Hamas “phản bội các thỏa thuận” đã đạt được theo một phần của thỏa thuận con tin và “tạo ra một cuộc khủng hoảng vào phút chót, ngăn cản việc thực thi thỏa thuận”.
“Nội các Israel sẽ không được triệu tập để phê duyệt thỏa thuận cho đến khi các nhà trung gian thông báo cho Israel rằng Hamas đã chấp nhận mọi điều khoản của thỏa thuận”, Văn phòng Thủ tướng Netanyahu tuyên bố.
Hamas đã bác bỏ tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel, cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được các bên trung gian công bố.
Những diễn biến phức tạp trên dường như báo hiệu căng thẳng đang leo thang theo chiều hướng mới. Khi đó, thỏa thuận tiềm năng để giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Israel – Hamas sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn để có thể triển khai trên thực tế.
Trước đó, khi nghe tin hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Người dân Gaza và Israel đã có phản ứng ban đầu.
Đối với người dân Gaza, thỏa thuận ngừng bắn sẽ là ánh sáng hy vọng trong chuỗi ngày tăm tối, là cơ hội để để khôi phục lại hòa bình mà mà họ đã bị tước đoạt từ lâu. Sau nhiều năm giao tranh không ngừng nghỉ, gây ra sự tàn phá đau thương, người dân bắt đầu hy vọng rằng cuộc sống của họ sẽ có thể quay trở lại bình thường. Họ nhìn thấy con đường hồi phục và tái thiết từ những tàn tích của chiến tranh.
Về phía người dân Israel, họ đón nhận tin tức về lệnh ngừng bắn với sự lạc quan đầy thận trọng. Lệnh ngừng bắn không chỉ mang đến hy vọng phục hồi mà còn giảm bớt nỗi lo sợ và căng thẳng kéo dài, mở ra triển vọng cho sự ổn định trong tương lai.
Thủ tướng Qatar, ông Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani, thông báo rằng các con tin bị giam giữ ở Gaza sẽ sớm được trả tự do. Ông cũng xác nhận rằng Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 19/1. Giai đoạn đầu của thỏa thuận sẽ kéo dài 42 ngày, với việc quân đội Israel rút khỏi các khu vực đông dân cư của Gaza về biên giới, mở ra một bước quan trọng trong việc giảm leo thang.
Theo thỏa thuận, 33 con tin Israel và những người Palestine bị giam giữ sẽ được trả tự do. Ngoài ra, các bệnh viện và trung tâm y tế ở Gaza sẽ được khôi phục theo một phần của nỗ lực viện trợ nhân đạo. Thủ tướng Qatar cũng kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh và tránh xung đột cho đến khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực.
Ngay sau đó, phía Hamas cũng đã xác nhận chấp thuận các điều kiện ngừng bắn, coi đây là thành quả của “sức bền bỉ phi thường của người dân Palestine và ý chí kháng cự mạnh mẽ ở Gaza”.
Theo tờ Al Jazeera, Qatar và Ai Cập sẽ giám sát động thái trao đổi các con tin được trả tự do từ phía Nam Gaza đến phía Bắc, một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo an ninh.
Bài học từ lịch sử
Lịch sử từng chứng minh rằng các thỏa thuận ngừng bắn không phải lúc nào cũng mang lại hòa bình và ổn định lâu dài. Một ví dụ gần đây là thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, ký kết vào tháng 11/2024. Mặc dù hai bên đồng ý ngừng giao tranh, xung đột vẫn tiếp tục bùng phát khi Israel tấn công các mục tiêu của Hezbollah ở Liban vào ngày 13/1.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas cũng chứa đựng những yếu tố bất ổn tương tự. Những lần trước đó, các lệnh ngừng bắn chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, như lệnh ngừng bắn từ ngày 24/11 đến ngày 1/12/2023. Trong thời gian đó, lệnh ngừng bắn đã được gia hạn 2 lần, vượt quá thời hạn ban đầu là 4 ngày. Các tay súng ở Palestine đã trao trả 105 con tin người Israel và nước ngoài trong thời gian này.
Trong năm tiếp theo, các cuộc đàm phán vẫn diễn ra với sự hòa giải tích cực của Mỹ, Qatar và Ai Cập. Mặc dù cả hai bên và các nhà hòa giải quốc tế liên tục tuyên bố rằng họ đang tiến đến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận mới, các cuộc đàm phán vẫn liên tục đổ vỡ.
Một trong những bế tắc lớn trong các cuộc đàm phán là quyền kiểm soát Hành lang Philadelphi ở biên giới giữa Gaza và Ai Cập nếu lệnh ngừng bắn được thiết lập, cũng như việc thỏa thuận này sẽ mang tính tạm thời hay vĩnh viễn. Phía Palestine kiên quyết yêu cầu một thỏa thuận vĩnh viễn, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng cuộc chiến chỉ kết thúc khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn.
Các nhà hòa giải chỉ ra rằng lập trường của Israel là một yếu tố cản trở việc đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ngừng bắn trước đây. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các cuộc đàm phán đã có những tiến triển, có thể là nhờ vào chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Đảng Cộng hòa cho rằng họ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ở Liban. Chính ông Trump cũng đã cam kết sẽ làm mọi cách để đạt được một thỏa thuận về việc thả con tin trước lễ nhậm chức của mình vào ngày 20/1.
Trong khi chính quyền Mỹ sắp mãn nhiệm tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán tại Israel, Ai Cập và Qatar, đội ngũ của chính quyền mới đã bắt đầu chuyến công du ngoại giao đến các nước quan trọng trong khu vực. Cố vấn Trung Đông Massad Boulos và đặc phái viên Steve Whitkoff đã gặp gỡ các lãnh đạo tại Qatar, UAE và Saudi Arabia vào tháng 12/2024.
Theo Axios, các cuộc thảo luận với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman không chỉ tập trung vào khả năng đạt được một “thỏa thuận lớn” giữa Washington và Riyadh, bao gồm hợp tác quân sự mở rộng và bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Israel, mà còn bao gồm các biện pháp giải quyết xung đột Gaza. Từ ngày 17 - 19/12/2024, đặc phái viên về con tin Adam Boehler đã thăm Israel, Ai Cập và Qatar.
Những diễn biến này phản ánh sự thay đổi động lực chính trị và quân sự trong khu vực Trung Đông. Trong khi đó, việc Chính quyền tổng thống Bashar Assad ở Syria sụp đổ và sự suy yếu quân sự của Hezbollah đã làm giảm đáng kể khả năng hỗ trợ của các đồng minh Hamas.
Áp lực với Israel
Các thỏa thuận trước đây cho thấy Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn. Các điều khoản của lệnh ngừng bắn hiện tại cho phép lực lượng Israel duy trì sự hiện diện lâu dài trong vùng đệm dọc biên giới Gaza, và quyền kiểm soát của Israel đối với Hành lang Philadelphi và trục Netzarim có thể vẫn được giữ nguyên.
Với Gaza – một lãnh thổ nhỏ hẹp, bất kỳ sự hiện diện quân sự của Israel cũng đồng nghĩa với việc chiếm dụng đất đai quan trọng cho dân cư và nông nghiệp, gia tăng áp lực lên khu vực đã đông đúc và xâm phạm quyền của chủ đất Palestine.
Kinh tế Israel cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh, trong khi danh tiếng quốc tế bị suy giảm, đặc biệt là trong mắt các đồng minh châu Âu. Mặc dù chiến dịch quân sự chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra, Hezbollah dù suy yếu vẫn giữ ảnh hưởng ở Liban, và Hamas tại Gaza vẫn duy trì khả năng kháng cự mạnh mẽ.
Mặc dù một số thay đổi hoàn cảnh đã mang lại một thỏa thuận ngừng bắn, song nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết. Ảnh hưởng của Hamas và Hezbollah vẫn còn, tình hình chính trị trong nước Israel chưa ổn định, và triển vọng giải quyết vấn đề Palestine vẫn chưa được phát triển.
Tóm lại, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas chỉ mang đến hy vọng nhất thời khi nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết, và căng thẳng vẫn âm ỉ, có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Khi đó, tương lai của hòa bình ở Gaza và toàn khu vực vẫn còn rất bất định.