Trong tháng này Iran đã khánh thành một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Tajikistan, với mục đích được công bố là nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia.
Theo trang Asia Times, nhà máy ở Dushanbe được xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng Iran, sẽ sản xuất máy bay không người lái Ababil-2 của Iran.
Ababil-2 là loại drone chiến thuật giá rẻ được thiết kế phục vụ các sứ mạng trinh sát, giám sát và tấn công. Nó có phạm vi hoạt động 200km và thời gian hoạt động lên tới 90 phút.
Dòng máy bay không người lái Ababil được thiết kế và sử dụng từ giai đoạn sau của cuộc Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Chiếc Ababil-1 có thể mang theo 40kg thuốc nổ và được xem là có thể tấn công liều chết. Trong khi đó, chiếc Ababil-2 hiện đại hơn, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1999 với những tính năng trinh sát cơ bản, nhưng có thể được sử dụng như một máy bay tấn công liều chết hay một mục tiêu giả.
“Chúng tôi ở vị thế, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, còn có thể xuất khẩu các thiết bị quân sự cho các quốc gia bạn bè và đồng minh nhằm tăng cường an ninh và hòa bình bền vững” - Thiếu tướng Mohammad Bagheri, Tham mưu trưởng quân đội Iran phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy.
Không rõ những ý định thực sự của Iran hay của Tajikistan với nhà máy sản xuất drone mới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc Tehran thiết lập một nhà máy như vậy ở Tajikistan có thể là do nước này cần phải bảo vệ các nhà máy sản xuất máy bay không người lái của mình khỏi bị tấn công, nhằm xuất khẩu drone một cách hợp pháp, cũng như thoát khỏi sự cô lập quốc tế và tăng cường dấu ấn quân sự ở Trung Á.
"Né" không kích của Israel
Các nhà máy sản xuất máy bay không người lái của Iran vốn là mục tiêu “ưu tiên” của Israel, vì các cơ sở này bị Tel Aviv cho là sản xuất drone cho các nhóm ủy quyền của Iran trong khu vực. Theo ước tính, Hezbollah, nhóm quân sự có trụ sở tại Liban, sở hữu kho vũ khí gồm 2.000 chiếc drone, bao gồm các mẫu của Iran như Mohajer, Shahed, Same, Karrar và Saegheh.
Ngoài Hezbollah, Iran cũng được cho là đã cung cấp cho phiến quân Houthi ở Yemen các máy bay không người lái cảm tử Qasef-1 để nhắm mục tiêu vào các khẩu đội tên lửa Patriot do liên quân Saudi vận hành.
Israel đã tấn công vào các nhà máy sản xuất máy bay không người lái của Iran để ngăn chặn dòng vũ khí này sang các nhóm vũ trang trong khu vực. Hồi tháng 2, Israel đã phá hủy một nhà máy sản xuất drone của Iran tại Erbil, Iraq gần thành phố Kermanshah của Iran.
Theo một quan chức tình báo cấp cao giấu tên, 6 máy bay không người lái tự sát đã phát nổ bên trong cơ sở, phá hủy hàng chục chiếc khác trong số đó. Đây được cho là nhà máy sản xuất và lưu trữ máy bay không người lái quân sự chính của Iran.
Vì thế, việc Iran mở một nhà máy sản xuất drone ở Tajikistan có thể là một nỗ lực nhằm di chuyển những cơ sở quan trọng này ra khỏi tầm với của Israel.
Xuất khẩu drone, hợp pháp hoá ngành công nghiệp
Iran cũng có thể muốn bán máy bay không người lái của mình cho khách hàng nước ngoài để hợp pháp hóa ngành công nghiệp này. Do lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran hết hiệu lực vào tháng 10/2020, Tehran hiện có thể bán và mua vũ khí một cách công khai.
Điều này cho phép Iran bình thường hóa việc bán thiết bị quân sự của mình, so với cách làm trước đây của nước này là sử dụng các phương tiện bí mật. Iran cũng cho thấy họ đang sẵn sàng bán vũ khí hơn là mua chúng. Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami cho biết một số quốc gia đã liên hệ với Tehran về việc mua vũ khí, và các nước như Syria, Iraq và Sudan đã mua vũ khí từ Iran.
Drone, đặc biệt là đạn tuần kích (hay drone tự sát), là một trong những mặt hàng mà Iran có thể cung cấp cho các khách hàng tiềm năng. Đáng chú ý, Nga đã bày tỏ quan tâm đến việc mua máy bay không người lái của Iran, mặc dù có khả năng nước này sẽ theo đuổi việc sản xuất nhượng quyền.
Nhà máy mới của Iran ở Tajikistan có thể sản xuất máy bay không người lái cho thị trường quốc phòng Trung Á, cung cấp một giải pháp thay thế cho drone do Trung Quốc sản xuất, được Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan sử dụng. Việc Iran đặt mục tiêu tăng cường dấu ấn ở Trung Á thông qua việc bán máy bay không người lái cho các quốc gia trong khu vực là điều hợp lý.
"Ngoại giao drone" và rủi ro công nghệ
Tuy nhiên, bằng cách bán máy bay không người lái, Iran có nguy cơ bị đối thủ nắm giữ được công nghệ của họ. Israel, Saudi Arabia và Mỹ có thể gián tiếp khai thác được công nghệ máy bay không người lái của Iran thông qua các phương tiện bí mật, cho phép phát triển các biện pháp đối phó.
Động thái của Iran thành lập một nhà máy ở Tajikistan cũng có thể là một phần trong nỗ lực thoát khỏi sự cô lập quốc tế thông qua “ngoại giao drone”, cho phép Iran vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác mới với các quốc gia khách hàng.
Việc Iran thành lập nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Tajikistan sẽ thiết lập quan hệ đối tác cấp chính phủ về phụ tùng, vũ khí, đào tạo, bảo trì và các hỗ trợ kỹ thuật khác. Đây là mô hinh mà Iran có thể nhân rộng với các quốc gia đối tác trong tương lai.
Chưa hết, việc công khai nhà máy sản xuất máy bay không người lái mới của Iran ở Tajikistan cũng có thể là một lời cảnh báo đối với Taliban. Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào năm ngoái, các cuộc giao tranh ở biên giới giữa các tay súng Taliban và lực lượng biên phòng Iran ngày càng gia tăng. Vì vậy, sự xuất hiện của một nhà máy sản xuất drone ở Tajikistan có thể được hiểu là một nỗ lực để cân bằng lại lực lượng với quyền lực Taliban đang trỗi dậy ở Afghanistan.