Lý do Thổ Nhĩ Kỳ thành bến đỗ an toàn của các siêu du thuyền Nga

Thổ Nhĩ Kỳ có những lý do thực dụng để trở thành bến đỗ an toàn cho các siêu du thuyền Nga, thay vì chi phí tốn kém cho việc bắt giữ chúng.

Theo trang Arabweekly, các siêu du thuyền nhiều triệu đô có thể là món đồ chơi xa xỉ gây hại môi trường, những việc đòi hỏi chúng thay đổi hành xử của Tổng thống Putin rõ ràng là một chính sách vô tác dụng.

Chú thích ảnh
Eclipse, siêu du thuyền 1,2 tỉ USD của nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich, đã cập cảng Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy một cuộc “săn lùng” quốc tế đối với các siêu du thuyền thuộc sở hữu của giới nhà tài phiệt Nga. Trong nỗ lực trừng phạt những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, các chính phủ trên khắp thế giới đã tìm cách thu giữ các tàu và ngăn chúng rời cảng.

Nhưng khi nói “khắp thế giới”, đó là đã ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà tài phiệt Nga với tầm nhìn xa đã nhanh chóng chuyển những món “đồ chơi” xa xỉ của họ đến vùng biển Turkish Riviera của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đứng ngoài các lệnh trừng phạt.

Cựu chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich, doanh nhân có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin, là một trong những người đầu tiên làm như vậy. Siêu du thuyền My Solaris dài 140 mét của Abramovich đã tiến vào thành phố cảng Bodrum, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3. Còn chiếc Eclipse, du thuyền dài 162,5 mét của ông - siêu du thuyền lớn thứ hai trên thế giới với hai bể bơi, 18 cabin dành cho khách và một boong trực thăng, cập cảng Marmaris vài tuần sau đó. Clio, du thuyền dài 73 mét thuộc sở hữu của người sáng lập tập đoàn nhôm khổng lồ Rusal - Nga, Oleg Deripaska, xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển Gocek vào giữa tháng 4. Tiếp đó, chiếc Flying Fox trị giá 400 triệu USD của tỉ phú Nga Dmitry Kamenshchik neo đậu ở Bodrum từ tháng 5.

Việc tiếp đón các tỷ phú Nga phù hợp với chiến lược khu vực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngoại trưởng của ông, Mevlut Cavusoglu, gần đây nhận xét rằng, “các nhà tài phiệt Nga có thể kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ miễn là điều đó không vi phạm luật pháp quốc tế”.

Chính mối quan hệ đặc biệt giữa ông Erdogan với người đồng cấp Putin đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vào tháng 3. Và việc mở cửa các cảng với siêu du thuyền của Nga khi mùa du lịch Địa Trung Hải bắt đầu là một động thái thông minh cho các nền kinh tế địa phương.

Tuy nhiên còn có một lý do thực dụng hơn để Thổ Nhĩ Kỳ cho các du thuyền Nga ra khơi: đó là các chiến dịch bắt giữ và phong toả rất tốn thời gian, phức tạp về mặt pháp lý và tốn kém chi phí.

Chú thích ảnh
Du thuyền Clio trị giá 65 triệu USD của tỉ phú ngành nhôm Nga, Oleg Deripaska được phép rời cảng Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4/2022. Ảnh: Reuters 

Thực tế là các quốc gia không thể chỉ việc giành lấy quyền sở hữu đối với các tài sản tư nhân. Ngay cả khi tài sản đó bị phong tỏa, các nhà tài phiệt vẫn giữ quyền sở hữu cho đến khi tòa án chứng minh được rằng chúng đã được sử dụng để phạm tội hoặc chứa chấp hoạt động bất hợp pháp. Do luật pháp thay đổi tuỳ từng quốc gia, nên có khả năng các thủ tục này sẽ mất nhiều năm. Làm thế nào các tòa án có thể quy tội đối với tàu của các nhà tài phiệt vẫn là không rõ ràng. Các siêu du thuyền thường được sở hữu và quản lý bởi các bên thứ ba, ví dụ trường hợp của tàu Scheherazade, mang cờ Đảo Cayman, được quản lý bởi Imperial Yachts của Monaco và chủ sở hữu của nó không được tiết lộ.

Hầu hết các vụ bắt giữ du thuyền sẽ gây tốn kém đối với quốc gia thực hiện vụ bắt giữ, vì hiếm khi toà án quyết định trước ai sẽ trả phí cập cảng, thanh toán bảo hiểm và các chi phí khác. Với nhà máy đóng tàu La Ciotat, nơi du thuyền Amore Vero của CEO tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft, Igor Sechin bị bắt giữ, người ta thậm chí còn không biết gửi hóa đơn đi đâu.

Cưỡng chế giữ tài sản của các nhà tài phiệt là một biện pháp trừng phạt quyết liệt. Vào năm 2021, giới giàu có ở Nga sở hữu 9% siêu du thuyền trên thế giới và việc siết chặt giới siêu giàu đã được kỳ vọng là cách để gây sức ép với Điện Kremlin trong cuộc xung đột với Ukraine.

Nhưng vấn đề duy nhất là nó dường như... không có tác dụng. Trong mấy tháng qua, nhiều du thuyền và các tài sản xa xỉ khác đã bị tịch thu ở Anh, Pháp, Italy, Fiji v.v. nhưng chiến dịch của Nga ở Ukraine vẫn tiếp tục.

Chú thích ảnh
Siêu du thuyền Flying Fox của tỉ phú Nga Dmitry Kamenshchik.

Nhìn từ góc độ khoa học, siêu du thuyền đang gây ô nhiễm lớn. Lượng khí thải carbon của một siêu du thuyền trung bình là 7.020 tấn CO2 mỗi năm. Theo ước tính của Forbes, các siêu du thuyền của tỉ phú Abramovich thải ra 22.440 tấn CO2 vào năm 2018 và chiếm 2/3 lượng khí thải carbon mà ông trùm dầu khí Nga chịu trách nhiệm trong năm đó.

Du thuyền cũng là hình ảnh thu nhỏ của bất bình đẳng kinh tế. Trong khi hầu hết người dân lao động trên những “chiếc bè”, thì người siêu giàu trên thế giới lại thư giãn trên boong của các “thành phố nổi”.

Vị thuyền trưởng mới nhất là người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, người sắp nhận chiếc du thuyền tư nhân lớn nhất từng được chế tạo. Cao bằng một tòa nhà 13 tầng, du thuyền này sẽ đòi hỏi thành phố Rotterdam, Hà Lan dỡ bỏ một cây cầu lịch sử để nó có thể đi qua vùng biển quốc tế.

Cuối cùng, cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được chứng minh là có cơ sở. Việc bắt giữ một du thuyền là rất phức tạp, với chi phí quá lớn. Mặc dù những "món đồ chơi" trị giá hàng triệu USD  này gây nghi ngại về mặt môi trường và xã hội, nhưng việc bắt chúng chịu trách nhiệm thay đổi hành vi của Tổng thống Putin rõ ràng là một chính sách vô tác dụng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Arabweekly)
Tranh cãi kế hoạch đóng 1.000 tàu vũ trụ đưa 1 triệu người lên sao Hoả của Elon Musk
Tranh cãi kế hoạch đóng 1.000 tàu vũ trụ đưa 1 triệu người lên sao Hoả của Elon Musk

Những “con tàu Nô-ê” thời hiện đại này liệu có trở thành sự thật một cách quá chóng vánh như mục tiêu của tỉ phú Elon Musk đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN