Lý do khiến miền Đông Ukraine ‘nóng’ trở lại và những hệ lụy

Vụ Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 đã thổi bùng căng thẳng, đối đầu giữa Nga và nước láng giềng Ukraine. Những diễn biến mới nhất khiến dư luận quan ngại hai bên có thể sẽ bị cuốn vào một cuộc đối đầu quân sự mới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới thăm một đơn vị quân đội đóng ở Donbass. Ảnh: Reuters

Lo ngại xuất hiện sau khi có thông tin cho rằng Nga điều chuyển lực lượng quân sự cùng vũ khí trang bị hạng nặng tới Crimea và khu vực biên giới giáp Ukraine. Động thái này được cho là sẽ khiến tình hình ở miền Đông Ukraine leo thang căng thẳng, sau quãng thời gian tương đối yên bình nhờ vào lệnh ngừng bắn được thiết lập ở khu vực này năm 2015.

Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga có hành động hủy hoại an ninh tại vùng Donetsk và Luhansk, không thực hiện cam kết lệnh ngừng bắn. Kiev gọi leo thang can dự của Nga là có hệ thống và quy mô lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Ukraine bác bỏ cáo buộc của Moskva cho rằng Kiev có kế hoạch mở một cuộc tấn công mới nhằm vào lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, cho rằng Nga leo thang can dự có thể là nhằm thử phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Về phần mình, Điện Kremlin thừa nhận việc điều chuyển lực lượng, nhưng cho rằng đây là việc làm cần thiết để bảo vệ an ninh, chủ quyền của Nga.

Giới phân tích nhận định, đường lối cứng rắn với Nga mà ông Volodymyr Zelenskiy theo đuổi, thể hiện qua quyết định mới nhất về đóng cửa các kênh truyền hình thân Nga, là nhân tố khiến Moskva hành động mạnh mẽ.

Khúc mắc khó giải quyết và những hệ lụy

Thỏa thuận hòa bình ký năm 2015 giúp chấm dứt xung đột đẫm máu ở miền Đông Ukraine khiến 13.000 người thiệt mạng. Nhưng các bên chưa bao giờ tuân thủ triệt để các điều khoản có trong thỏa thuận và một nghị quyết cuối cùng vẫn nằm ngoài tầm tay. Những diễn biến mới nhất cho thấy, xung đột ở Ukraine tiềm ẩn phức tạp, đối đầu có thể leo thang nhanh chóng.

Điểm nghẽn lớn nhất chính là việc Urkaine chọn đường hướng nào – nghiêng về phía Đông hay phương Tây. Người biểu tình Ukraine sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Viktor Yanukovych năm 2014 đã đòi chính quyền ngả về phương Tây. Nhưng Nga lập tức cảnh cáo Kiev về bước đi này, thông qua can dự ở Crimea và hỗ trợ lực lượng dân quân ở Donbass dựa trên danh nghĩa bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga dù họ sống ở bất kỳ đâu.

Lo ngại phương Tây tiến vào sân sau của Moskva, ông Putin ở thời điểm hiện tại vẫn bảo lưu quan điểm phản đối các mục tiêu chiến lược dài hạn của Ukraine được ghi rõ trong Hiến pháp nước này, nổi bật là kế hoạch trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Zelenskiy cam kết sẽ mang lại một nền hòa bình bền vững ở Ukraine. Nhưng trên thực tế, ông có rất ít không gian, điều kiện để xoay chuyển tình hình. Nga mong muốn Donbass có được quy chế tự trị, để từ đó phủ định hiệu quả những bước dịch chuyển lớn của Ukraine trong hội nhập phương Tây. Ông Putin nhiều lần khẳng định tham vọng gia nhập NATO của Kiev là mối đe dọa hiện hữu với Moskva và chắc chắn sẽ không thoái lui hay thỏa hiệp trong vấn đề này xét trong bối cảnh Nga trong nhiều năm gần đây luôn phải đối mặt với sức ép từ Mỹ và châu Âu trong vấn đề Ukraine.

Về phần mình,việc trao cho Donetsk và Luhansk quyền tự trị sẽ là một cú tự sát chính trị của Tổng thống Zelenskiy, khi cá nhân ông đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 cùng với những vấn đề đối nội nan giải khác như nạn tham nhũng. Đó là lý do khiến các nỗ lực ngoại giao do Đức, Pháp dẫn dắt nhằm tìm đến một giải pháp sau cùng cho nền hòa bình ở Ukraine đến thời điểm này vẫn luôn thất bại.

Lo ngại lớn nhất hiện nay chính là việc một bên phạm phải sai lầm trong các tính toán, từ đó kích hoạt xung đột khó kiểm soát, như những gì đã thể hiện trong xung đột thời kỳ đầu ở Ukraine hồi năm 2014. Cuộc chiến 5 ngày năm 2008 giữa Nga với Gruzia - một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cũng khởi nguồn từ một xu hướng tương tự khi Tbilisi có ý ngả về phương Tây.  

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg, Unian)
Lãnh đạo Đức, Nga điện đàm về tình hình Đông Ukraine
Lãnh đạo Đức, Nga điện đàm về tình hình Đông Ukraine

Ngày 8/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm để thảo luận về tình hình ở miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN