Hội nghị này là hoạt động tiếp theo sau cuộc họp vào tháng 6 tại Copenhagen (Đan Mạch), nơi quy tụ các đại diện từ các nước trên thế giới - bao gồm khu vực Nam toàn cầu - trong nỗ lực vạch ra một kế hoạch hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine.
Danh sách những người tham gia hội nghị tại Jeddah sẽ gồm các đại diện của Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản. Ngoài ra còn có một số đại diện của các quốc gia châu Âu và Mỹ. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra ở đây là liệu phía Trung Quốc có xuất hiện hay không. “Điều quan trọng là những gì Trung Quốc làm. Hầu hết những người tham gia lần trước đều tỏ ra tiếc nuối vì Trung Quốc không tham gia”, một quan chức cấp cao của châu Âu tham gia chuẩn bị cho cuộc họp cho biết.
Quyết định tổ chức các cuộc đàm phán của Riyadh là rất quan trọng trong thời điểm này. Đặc biệt là sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bất ngờ dừng chân tại Jeddah trên đường tới hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5. Tại đây, nhà lãnh đạo đã có bài phát biểu trước Liên đoàn Arab và gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Đảm bảo sự hỗ trợ toàn cầu đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine là một thách thức thường xuyên đối với chính quyền Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này. Các quan chức Ukraine đã bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh quyết định đăng cai cuộc họp của Saudi Arabia.
Saudi Arabia cùng với Thổ Nhĩ đang nổi lên như những nhà môi giới hòa bình mới trong xung đột Nga-Ukraine.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Hussein Ibish, một học giả thường trú cấp cao tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, cho biết sự thay đổi này phản ánh “sự trỗi dậy của thế giới đa cực toàn cầu và các cường quốc khu vực tầm trung với vai trò quốc tế”.
“Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ là những ví dụ điển hình về các quốc gia tầm trung đang giúp định hình thực tế quốc tế theo cách mà họ hiếm khi làm trong Chiến tranh Lạnh”, học giả lý giải.
Cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia được đánh giá là một nước môi giới ở một vị thế tốt trong quan hệ các bên. Saudi Arabia có mối quan hệ tốt với Tổng thống Nga Putin đồng thời là đồng minh lâu năm của phương Tây.
Theo học giả Ibish, sáng kiến ngoại giao giúp củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm quảng bá hình ảnh của các quốc gia này với tư cách là những người chơi toàn cầu, đối tác khu vực và các chủ thể quan trọng độc lập hơn ngoài các liên minh thể chế truyền thống.
Những nỗ lực này cũng vì lợi ích của hai quốc gia. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tìm cách thay đổi hình ảnh và địa vị của vương quốc mình trong mọi lĩnh vực, từ thể thao, du lịch đến ngoại giao.
Trong khi đó, việc duy trì vị thế độc lập giúp ích cho mối quan hệ của cả nước này với các cường quốc khác như Trung Quốc cũng như các quốc gia trung lập ở Nam Bán cầu như Ấn Độ và Brazil.
Tuy nhiên, ông Ibish đánh giá mặc dù Saudi Arabia là một trong những bên có thể giúp ngăn chặn xung đột Nga-Ukraine leo thang hơn nữa, “nhưng sẽ cường điệu khi nghĩ rằng họ là bước đệm duy nhất”.
Theo Ayham Kamel, học giả các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi tại Eurasia Group, cho biết hội nghị hòa bình do Saudi Arabia đăng cai tổ chức sắp tới “không có khả năng phản ánh một bước tiến thực sự hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình có khả năng chấm dứt xung đột trong tương lai gần”.
Tuy nhiên, hội nghị này sẽ xây dựng một nền tảng thể hiện sự tham gia mang tính xây dựng hơn giữa phương Tây và các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu.
“Riyadh không ảo tưởng rằng cuộc họp tháng 8 sẽ dẫn đến một bước đột phá về thực chất và các nước phương Tây không mong đợi những người tham gia Nam Bán cầu sẽ chấp nhận kế hoạch hòa bình Ukraine hiện tại hoặc sẵn sàng mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga”, ông Kamel lưu ý.
Cả phương Tây và Nga cho đến nay đều đang cố gắng tránh mâu thuẫn leo thang toàn cầu, nên họ cũng không gây sức ép nặng nề buộc Riyadh hay Ankara phải đứng về một phía nào.