Lý do Đức không trở lại điện hạt nhân để hóa giải nguy cơ thiếu khí đốt Nga

Những rào cản về chính trị, pháp lý và hậu cần là lý do khiến Đức không tái khởi động các dự án điện hạt nhân để bù đắp cho nguồn cung khí đốt thiếu hụt do cuộc chiến ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Tháp làm lạnh tại nhà máy điện hạt nhân Emsland, Đức. Ảnh: DPA

“Nếu chúng ta tái khởi động ba nhà máy điện hạt nhân đã cho ngừng hoạt động hồi tháng 12 năm ngoái, kết hợp với ba nhà máy đang vận hành, Đức có thể thay thế toàn bộ than nhập khẩu của Nga, hoặc tương đương với 30% khí đốt nhập khẩu từ Nga”, nghị sĩ Marc Bernhard đến từ đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) nêu quan điểm tại phiên họp của Quốc hội Đức đầu tháng này. Đó là khi ông Bernhard đề cập giải pháp giúp ngăn chặn đứt gãy cung ứng năng lượng có thể đến từ đòn trừng phạt nhằm vào Nga.

Đó dường như là một đánh giá công bằng. Ông Bernhard cũng không là người đơn độc khi chọn hướng tiếp cận như vậy. Sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản hồi năm 2011, Đức đề ra kế hoạch giảm và tiến tới từ bỏ điện hạt nhân.

Theo đó, những nhà máy điện hạt nhân cuối cùng tại Đức sẽ đóng cửa vào cuối năm nay. Nhưng với việc EU áp cấm vận nhập khẩu than từ Nga và ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói đòi trừng phạt dầu mỏ, khí đốt từ Nga, nhiều người cũng đề xuất giải pháp điện hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng.

“Nếu như thế giới đơn giản như những gì anh vừa nêu ra, cuộc sống thật là tuyệt đối với chúng ta”, Thủ tướng Olaf Scholz đáp lời nghị sĩ Marc Bernhard. Chính phủ Đức tuyên bố sẽ không thay đổi quan điểm về điện hạt nhân, trích dẫn một số lý do kỹ thuật. Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở yếu tố chính trị, nhất là số theo đảng Xanh, đảng đang kiểm soát Bộ Kinh tế.

Trên thực tế, ý tưởng điện hạt nhân gặp phải một số rào cản sau.

Điện hạt nhân không giải tỏa nguy cơ căng thẳng năng lượng hiện hữu Đức phải đối mặt. Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là đối với hoạt động sưởi ấm và sản xuất công nghiệp. Điện hạt nhân không thể đảm nhận vai trò này.

Ba nhà máy điện hạt nhân mà Đức vẫn còn vận hành là Isar 2, Emsland và Neckarwestheim 2 không đóng góp nhiều vào cân đối năng lượng của Đức. Số này chỉ có công suất 4.3GW, với sản lượng điện tạo ra chưa đến 5% tổng lượng phát điện tại Đức

Rào cản pháp lý cũng là một trở ngại. Theo chính phủ Đức, quyết định kéo dài vòng đời hoạt động đối với một nhà máy điện hạt nhân cần phải có bản đánh giá nguy cơ tổng thể. Trong khi đó nguy cơ liên quan đến điện hạt nhân tiếp tục tăng.

Cuộc chiến ở Ukraine, với việc Nga nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nguồn cung điện cho nhà máy Chernobyl bị gián đoạn, cho thấy nguy cơ từ bên ngoài đối với năng lượng hạt nhân. Đó là còn chưa kể đến hoạt động tấn công mạng.

Lần cuối cùng ba nhà máy Isar 2, Emsland và Neckarwestheim 2 trải qua kỳ kiểm định an toàn là năm 2009. Theo chính phủ Đức, muốn vận hành sau năm 2022, cần triển khai một vòng kiểm định, giám sát mới, có thể phải cần tới những khoản đầu tư khổng lồ về công nghệ bảo đảm an toàn.

Kế đến là vấn đề kỹ thuật. Ba nhà máy điện hạt nhân hiện hành được trang bị những thanh nhiên liệu urani chỉ có thời hạn hoạt động đến cuối năm nay. Muốn vận hành tiếp, cần lắp đặt thanh mới, mà việc sản xuất, lắp ráp phải mất từ 12-15 tháng; sớm nhất cũng phải đến mùa hè năm 2023 mới đi vào vận hành.

Cuối cùng, các nhà vận hành không mặn mà với kế hoạch tăng vòng đời cho nhà máy điện. Frank Mastiaux, giám đốc điều hành EnBW – đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim 2, cho biết kéo dài vài tuần hoạt động so với kế hoạch đóng cửa là điều không thể thực hiện được với những kết cấu kỹ thuật hiện nay. Hơn thế, mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của công ty, bởi không có bất kỳ khung pháp lý nào đề cập đến việc vận hành đến đầu năm 2023, dù chỉ một phút.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo DW)
G7 thảo luận giải pháp thay thế cho tư cách thành viên NATO của Ukraine
G7 thảo luận giải pháp thay thế cho tư cách thành viên NATO của Ukraine

Các lãnh đạo G7 đã thảo luận với giới chức EU và NATO về giải pháp thay thế trong trường hợp Ukraine không thể trở thành thành viên NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN