Lực lượng Houthi được lợi gì khi tấn công các tàu thuyền ở Biển Đỏ?

Lực lượng Houthi kiểm soát một vị trí quan trọng trên Biển Đỏ, giúp họ có lợi thế trong các cuộc đàm phán ngoại giao về tương lai của Yemen.

Chú thích ảnh
Lực lượng Houthi chiếm tàu Galaxy Leader. Ảnh: Houthi

Một liên minh gồm hơn 20 quốc gia do Mỹ dẫn đầu khó có thể ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, theo kênh Al Jazeera, cả liên minh này lẫn Houthi đều muốn tránh leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Các quan chức Houthi cho biết họ tấn công các tàu thương mại và quân sự có liên quan tới Israel nhằm mục đích gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza. Các cuộc tấn công của Houthi đã làm cho nhóm này được biết tới nhiều hơn ở Yemen, giúp chiêu mộ các tay súng mới.

Ông Gregory Brew, một nhà phân tích tại Eurasia Group, nhận định: “Houthi sẽ không dừng những gì họ đang làm cho đến khi cuộc tấn công của Israel ở Gaza kết thúc và thậm chí sau đó, họ có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa”.

Các vụ ném bom và pháo kích của Israel đã giết chết trên 20.000 người Palestine ở Gaza kể từ ngày 7/10.

Đòn bẩy bị đánh giá thấp

Vào ngày 19/11, lực lượng Houthi đã chiếm một tàu chở hàng có liên quan Israel tên là Galaxy Leader và ngay sau đó đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh bắt giữ con tàu này. Từ đó, tàu Galaxy Leader đã trở thành một điểm thu hút người dân ở Yemen tới để chụp ảnh. Sau đó, Houthi đã tấn công nhiều tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb, một lối đi hẹp dẫn vào Biển Đỏ và dẫn tới kênh đào Suez ở xa hơn.

Biển Đỏ và kênh đào Suez là nơi 30% lưu lượng tàu container trên thế giới đi qua.

Video Houthi chiếm tàu Galaxy Leader (nguồn: Houthi):

Ông Sanam Vakil, Phó giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức Chatham House, nhận định: “Vị trí của Houthi ở miền Bắc Yemen đã đặt họ vào một vị trí án ngữ địa chính trị quan trọng. Điều này đã bị cộng đồng quốc tế đánh giá thấp trong vài năm qua”.

Cho đến nay, chưa có ai bị thương hoặc thiệt mạng do các cuộc tấn công của Houthi, nhưng hậu quả mà các cuộc tấn công gây ra với vận chuyển toàn cầu là rất lớn. Ít nhất 12 công ty vận tải biển đã đình chỉ vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ sau các cuộc tấn công, trong số đó có một số công ty lớn nhất thế giới: công ty Vận tải Địa Trung Hải của Italy - Thụy Sĩ, CMA CGM của Pháp và AP Moller-Maersk của Đan Mạch.

Khoảng 12% lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb, chủ yếu hướng tới châu Âu. Nhưng các mặt hàng khác như ngũ cốc, dầu cọ và hàng công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do các cuộc tấn công. Thay vào đó, nhiều công ty đang cho tàu đi vòng quanh mũi phía Nam châu Phi, kéo dài hành trình thêm khoảng 9 ngày và tăng chi phí ít nhất là 15%.

Phản ứng của quốc tế

Để đối phó với Houthi, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 13 người bị cáo buộc tài trợ cho Houthi. Mỹ cũng đã tập hợp liên minh hàng hải gồm 10 quốc gia để cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ. Các thành viên khác gồm có Anh, Pháp, Italy, Canada, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Seychelles và Bahrain.

Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen đã lên án các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ là hành vi chiếm đoạt chủ quyền. Nhưng theo ông Nicholas Brumfield, một nhà nghiên cứu về Yemen, chính phủ nước này đang ở tình thế khó khăn vì không muốn bị coi là ủng hộ Israel.

Trong khi đó, Iran, nước hậu thuẫn chính cho lực lượng Houthi, vẫn thận trọng với các bước đi có thể dẫn đến mở rộng cuộc chiến ở Gaza sang khu vực rộng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Iran cũng có ảnh hưởng hạn chế với Houthi.

Ông Eleonora Ardemagni, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy (ISPI), nói với Al Jazeera: “Họ có một số mục tiêu chung với Iran nhưng chúng ta không nên đánh giá quá cao sức ảnh hưởng mà Iran có đối với Houthi. Hai bên có kế hoạch riêng”.

Hỗ trợ người Palestine

Trước ngày 7/10, Houthi đã phải chịu áp lực trong nước về các vấn đề như cải cách chính quyền không được lòng dân và tình trạng không trả được lương. Nhưng người Yemen ủng hộ Houthi vì lực lượng này đứng về phía người Palestine ở Gaza.

Ông Vakil nhận xét về Houthi: “Họ từ lâu đã đối lập về mặt ý thức hệ với Israel. Đặc biệt, họ đang cố gắng chứng minh những tác động xuyên quốc gia trong quan điểm của mình cũng như thể hiện sức mạnh và vị thế”.

Theo ông Brumfield, truyền thông của Houthi đã công bố hơn 1.000 cuộc biểu tình, tẩy chay hoặc tuyển thành viên mới kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Gaza. Nhiều người ở Yemen đã mệt mỏi vì một thập kỷ nội chiến, nhưng sự ủng hộ mà Houthi dành cho Palestine đã giúp nhóm này tuyển mộ các tay súng mới.

Ông Brumfield nói: “Họ đã tuyển mộ một loạt tay súng với lời hứa rằng những người này sẽ chiến đấu ở Palestine. Họ nói ‘Các anh sẽ chiến đấu ở Palestine’ và sau đó họ triển khai các lực lượng đó chống chính phủ Yemen”.

Theo một số nhà phân tích, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ một phần cũng có thể là một chiến lược ngoại giao. Sau lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian vào năm 2022 giúp chấm dứt phần lớn giao tranh, trong những tháng gần đây, Houthi và Saudi Arabia đã tham gia đối thoại nhằm đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài. Saudi Arabia ủng hộ chính phủ Yemen được quốc tế công nhận. Căng thẳng ở Biển Đỏ và gián đoạn thương mại dầu mỏ gây tổn hại cho hầu hết các nền kinh tế khu vực, trong đó Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất.

Ông Vakil nhận định: “Từ quan điểm của Houthi, cuộc tấn công vào các tàu vận tải là cơ hội để tăng rủi ro cho Saudi Arabia. Những gì chúng ta có thể sẽ chứng kiến là một cuộc đàm phán lại”.

Giới hạn đỏ ở Biển Đỏ

Tác động đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu đi qua Bab al-Mandeb và Biển Đỏ đã thu hút hành động của Mỹ và các đồng minh khác. Nhưng cho đến nay, điều đó dường như không ngăn cản được Houthi.

Ngày 18/12, người phát ngôn của Houthi, ông Mohamed Abdulsalam, cho biết: “Chúng tôi đã nhấn mạnh với mọi người rằng các hoạt động của Houthi là nhằm hỗ trợ người dân Palestine ở Dải Gaza và chúng tôi không thể đứng yên”.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo lẫn nhau, cả Houthi và Mỹ cho đến nay vẫn hành động kiềm chế.

Ngày 26/11, lực lượng Houthi đã bắn hai tên lửa đạn đạo gần một tàu chiến Mỹ. Ông Brumfield cho rằng Houthi đã cố tình bắn trượt tàu chiến này.

Hiện tại, liên minh của Mỹ chủ yếu thiên về bảo vệ các tàu đi qua Biển Đỏ bằng cách ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi. Nhà phân tích Brew nhận xét: “Mỹ cũng không muốn leo thang cuộc khủng hoảng này”. Mỹ cho đến nay vẫn chưa bắn trả về phía Yemen, bất chấp Houthi phóng tên lửa về phía Biển Đỏ.

Tình trạng hiện nay nếu thay đổi sẽ không có lợi cho Houthi. Ông Brew nói: “Họ biết rằng không nên vượt qua ranh giới đó”.

Mỹ đang coi Houthi là lực lượng có thể chấp nhận được để cai trị miền Bắc Yemen. Nếu Mỹ thay đổi, họ có thể muốn lật đổ nhóm này ở Yemen. Đây chính là kịch bản mà Houthi không mong muốn.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đã có 103 tàu container phải tránh kênh đào Suez vì sợ bị Houthi tấn công
Đã có 103 tàu container phải tránh kênh đào Suez vì sợ bị Houthi tấn công

103 tàu container đã phải thay đổi lộ trình và đi vòng qua miền Nam châu Phi, nhằm tránh đi qua kênh đào Suez vào Biển Đỏ rồi bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công. Đây là một dấu hiệu cho thấy Houthi đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN