Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev ngày 9/4 đã đến thăm trung tâm nông nghiệp Nga-Uzbek BMB-NRC Agrologistics, khai trương vào cuối năm 2023, với khối lượng đầu tư của Nga vào dự án lên tới hơn 50 triệu USD. Nhân sự kiện này, nhà khoa học chính trị, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan Ravshan Nazarov đã nhận định về lợi ích và triển vọng phát triển, hợp tác kinh tế của nước này với Nga trong cuộc phỏng vấn với mạng tin Eurasia.expert.
Theo nhà nghiên cứu Nazarov, Uzbekistan là đối tác chiến lược và đồng minh của Nga ở Trung Á. Quan hệ Nga - Uzbekistan được đặc trưng bởi các cuộc đối thoại chính trị thẳng thắn và tin cậy, có bản chất thân thiện truyền thống và đang phát triển ổn định trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hai nước tích cực hợp tác không chỉ song phương mà còn ở các định dạng đa phương - trong khuôn khổ CIS (Cộng đồng Các quốc gia Độc lập), SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng hải), EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu) và khuôn khổ hợp tác Nga-Trung Á. Tháng 9/2022, Tuyên bố về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã được ký kết giữa Uzbekistan và Nga.
Tổng khối lượng thương mại giữa hai nước đã vượt quá 10 tỷ USD vào năm 2023. Trong nhiều năm, Nga thường xếp vị trí thứ nhất hoặc thứ hai về khối lượng ngoại thương với Uzbekistan. Nga cung cấp kim loại và các sản phẩm liên quan, máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải cho Uzbekistan; nguyên liệu nông nghiệp, thực phẩm - đường, thịt và các sản phẩm từ sữa. Uzbekistan cung cấp cho Nga hàng dệt may, giày dép, thực phẩm - trái cây, rau, quả; nguyên liệu nông nghiệp - bông, cũng như các sản phẩm công nghiệp hóa chất.
Nga và Uzbekistan đã ký Chương trình hợp tác kinh tế toàn diện giai đoạn 2022-2026, bao gồm thương mại, hợp tác công nghiệp, giao thông, năng lượng, nông nghiệp, truyền thông, tài chính, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và hợp tác liên khu vực.
Tổng khối lượng đầu tư tích lũy của Nga vào nền kinh tế Uzbekistan ước tính khoảng 10 tỷ USD. Hiện tại, hơn 150 dự án chung trị giá trên 14 tỷ USD đang được triển khai tại nước cộng hòa này trong các lĩnh vực hóa dầu, khai thác mỏ luyện kim, năng lượng, y tế và dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm dệt may, chế biến rau quả. Có hơn 600 doanh nghiệp có vốn của Uzbekistan đang hoạt động tại Nga.
Hợp tác song phương trong lĩnh vực du lịch đang được triển khai tích cực. Vì vậy, vào tháng 4 /2023, hãng hàng không Pobeda của Nga đã khai thác chuyến bay đầu tiên đến Uzbekistan trên tuyến Moskva (Vnukovo) - Samarkand, hoạt động hai lần một tuần. Vào tháng 9/2023, Uzbekistan và Nga đã đồng ý tăng đáng kể số lượng chuyến bay giữa các thành phố của hai nước. Đặc biệt, trên tuyến “Tashkent-Moscow-Tashkent”, số chuyến bay đã tăng từ 39 lên 50 chuyến một tuần, “Tashkent-St. Petersburg-Tashkent” – từ 7 lên 14 chuyến, “Bukhara-Moscow-Bukhara” – từ 10 đến 14, “Urgench-Moscow-Urgench” – từ 7 đến 14 và “Tashkent-Krasnoyarsk-Tashkent” – từ 7 đến 14.
Uzbekistan và Nga còn là đối tác lâu năm trong ngành năng lượng. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, hai nước bắt đầu triển khai các dự án chung trị giá hơn 20 tỷ USD. Trong 20 năm qua, kể từ năm 2004, công ty Lukoil của Nga đã đầu tư hơn 8 tỷ USD vào việc phát triển ngành dầu khí ở Uzbekistan.
Nga cũng hỗ trợ phát triển thủy điện ở Uzbekistan. Vì vậy, việc xây dựng nhà máy thủy điện Pskem đang được tiến hành tích cực. Nó sẽ trở thành nhà máy điện lớn thứ hai sau nhà máy thủy điện Charvak. Tập đoàn phát triển nhà nước Nga VEB.RF đã cấp khoản vay 75 triệu USD để xây dựng nhà máy thủy điện này dự kiến sẽ được vận hành vào năm 2026. Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển hơn nữa của ngành năng lượng ở Uzbekistan là việc đào tạo các chuyên gia chuyên ngành với sự hỗ trợ từ Nga.
Ngoài ra, một trong những lĩnh vực hợp tác song phương chính và hiện nay là xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Uzbekistan - nhà máy đầu tiên ở khu vực Trung Á. Thỏa thuận đã được ký kết vào tháng 9/2018. Tập đoàn Rosatom của Nga có kế hoạch xây dựng một tổ hợp gồm hai tổ máy điện thế hệ 3+ với các lò phản ứng VVER-1200. Dự án hiện đang được thảo luận tích cực. Vào tháng 11/2022, công ty nhiên liệu Rosatom TVEL và Viện Vật lý hạt nhân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phụ trợ hạt nhân.
Việc tài trợ cho các dự án ở Uzbekistan từ Nga cũng kích thích việc mở cửa các doanh nghiệp công nghiệp mới. Ví dụ, với sự hỗ trợ của Gazprom, Roseximbank và EXIAR, nhà máy GTL của Uzbekistan đã được khai trương tại Kashkadarya. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sản xuất nhiên liệu tổng hợp lỏng trị giá hơn 1 tỷ USD, nói cách khác, thay vì mua nhiên liệu, Uzbekistan sẽ tự sản xuất.