Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài 4

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

CHẠM TAY VÀO "CHẢO LỬA TRUNG ĐÔNG"

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng đầu tiên nắm quyền đã thể hiện nhiều quan điểm đối ngoại ở khu vực Trung Đông chưa bao giờ “ngớt nóng” hoàn toàn khác biệt với người tiền nhiệm Barack Obama.

Một hay hai đều được

Mối quan hệ Mỹ-Israel trong thời kỳ chính quyền Tổng thống thứ 44 Barack Obama khá lạnh nhạt khi một số bất đồng nảy sinh. Nhưng trong cuộc họp báo chung ngày 15/2 tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người từng phải “ngậm ngùi” ủng hộ giải pháp hai nhà nước từ năm 2009 dưới thời chính quyền Tổng thống Obama - đã có thể nở nụ cười trên môi.

Tổng thống Mỹ (phải) và Thủ tướng Israel trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 15/2. Ảnh: Reuters

Theo đó Tổng thống Trump thẳng thừng nói: “Tôi đang cân nhắc cả giải pháp hai nhà nước và một nhà nước, tôi thích lựa chọn giải pháp mà hai phía cùng mong muốn”. Phát biểu này đã “dội gáo nước lạnh” vào nỗ lực của các cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama- những lãnh đạo luôn lấy giải pháp hai nhà nước là mục tiêu duy nhất trong giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Như đổ thêm dầu vào lửa, ứng cử viên mà Tổng thống Trump đề xuất đảm nhận vị trí đại sứ Mỹ tại Israel – luật sư David M. Friedman - đang gây tranh cãi khi ông này công khai phản đối giải pháp hai nhà nước và coi việc Palestine trở thành quốc gia độc lập là “ảo tưởng”.

Trên thực tế, giải pháp hai nhà nước đã được cộng đồng quốc tế hết mực ủng hộ, với viễn cảnh hai quốc gia độc lập Israel và Palestine cùng hòa thuận làm hàng xóm. Nghe tuy đơn giản nhưng trên thực tế đề xuất này chưa hề nhận được cái gật đầu từ hai phía Israel và Palestine đồng thời không có tiến triền khả quan nào trong những năm gần đây. Các vòng đàm phán trong tháng 4/2014 không có bất cứ đích đến nào với lãnh đạo Israel và Palestine đổ lỗi lẫn nhau. Cả Israel và Palestine đều nhận vùng đất thánh Jerusalem là thủ đô.

Tuy nhiên, chỉ qua cuộc họp báo chung với ông Netanyahu, có thể thấy Tổng thống Trump đang dùng “nước đôi” về chính sách ngoại giao của mình với Israel khi một mặt bày tỏ Mỹ không nhất thiết phải gắn kết với giải pháp hai nhà nước nhưng ngay sau đó lại nhắc nhở Israel cần tạm ngưng xây dựng khu định cư. Điều đáng nói là Palestine luôn coi các khu tái định cư Israel rải rác Bờ Tây là cách thức để ngăn chặn con đường đưa Palestine trở thành nhà nước độc lập. Ngoài ra trong cuộc họp báo Tổng thống Trump cũng lảng tránh không nhắc tới ý định chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem mà ông từng đề cập.

Một khu tái định cư mà Israel xây dựng. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia nhận định ông Trump trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tìm đường quay trở về trung thành với giải pháp hai nhà nước chứ không thể mập mờ chấp nhận cả hai. Điều này được liên tưởng với việc trong tháng 12/2016, phát biểu với Fox News, ông Trump lớn tiếng rằng Mỹ không nhất thiết phải gắn bó với chính sách “một Trung Quốc”. Nhưng đến tháng 2/2017, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump lại “đổi giọng” nhấn mạnh tôn trọng “một Trung Quốc”.

Ngoài việc đề cập đến giải pháp hai nhà nước và khu tái định cư, trong cuộc họp báo chung với ông Netanyahu, Tổng thống Mỹ đã nhắc đến chủ đề mà hai người đều quan tâm, đó là Iran. Tổng thống Trump một lần nữa nhấn mạnh tư kiến rằng thỏa thuận hạt nhân Iran và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt được tháng 7/2015 dưới thời lãnh đạo của ông Obama là “tồi tệ nhất”.

Tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng thứ 45 không hề đả động đến chuyện hủy hay đàm lại phán thỏa thuận hạt nhân như những gì ông nhắc tới khi vận động tranh cử. Thay vào đó, ông Trump chỉ cam kết sẽ ngăn Iran trở thành một cường quốc hạt nhân. Điều này phần nào cho thấy ông chủ Nhà Trắng thứ 45 có thể đang thay đổi chiến thuật ngoại giao với Iran.

Trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời

“Cuộc chiến ngôn từ” bùng nổ trong 3 tuần đầu ông Trump làm tổng thống với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi Iran là “quốc gia tài trợ nhiều nhất cho chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới” sau khi Tehran vào ngày 1/2 xác nhận đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung.

Ông Trump cũng ngay lập tức nhảy vào cuộc "khẩu chiến", đăng trên mạng xã hội Twitter rằng Iran đang “đùa với lửa”. Điều đáng nói là vụ bắn thử tên lửa của Iran không vi phạm thỏa thuận năm 2015 nhưng Nhà Trắng cho rằng động thái này “đi ngược tinh thần của thỏa thuận”.

Ngày 2/2, khi phóng viên đặt câu hỏi về khả năng sử dụng giải pháp quân sự với Iran, ông Trump đáp ngay: Mọi giải pháp đều được xem xét. Tuy nhiên điều này khó trở thành hiện thực bởi ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn hiểu rằng công chúng Mỹ vốn đã rất mệt mỏi với những cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, việc kích động một cuộc chiến nữa là vô cùng tốn kém cho ngân sách.

Trong bước đi đầu tiên, ông Trump vẫn trung thành với lựa chọn tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt. Ngày 3/2, Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mới nhằm vào 13 cá nhân và 12 thực thể liên quan tới Iran.

Từ đây, BBC dẫn lời ông Nader Hashemi tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Denver nghi ngờ rằng Tổng thống Trump đang nhắm đến mục tiêu dồn Iran vào chân tường rồi khiến Tehran “làm liều” vi phạm phá vỡ thỏa thuận đạt được năm 2015 và từ đó bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Điều này bắt nguồn từ việc nếu Mỹ lựa chọn hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân thì sẽ làm phật lòng Liên minh châu Âu và Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc.

Đài Al Jazeera dẫn lời chuyên gia về Iran, ông Saeid Golkar tại Hội đồng Chicago (Mỹ) về các vấn đề toàn cầu, cảnh báo rằng biện pháp mạnh tay của Mỹ như tăng trừng phạt hay ủng hộ thay đổi chính quyền ở Tehran có thể gây hậu quả. Điều nhiều chuyên gia lo sợ là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ bị ảnh hưởng bởi Iran đang hỗ trợ lực lượng chính phủ Iraq giành lại Mosul.

Rắn mặt với IS


Dường như ông Trump muốn thể hiện bcứng rắn và dứt khoát hơn người tiền nhiệm Obama trong cuộc chiến chống IS. Ngay từ cách gọi tên IS, ông Trump đã có sự khác biệt hoàn toàn khi dùng cái tên viết tắt ISIS (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và al-Sham) thay cho ISIL (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Levant) mà chính quyền ông Obama sử dụng.

Phiến quân IS trên đường phố Mosul, Iraq. Ảnh: Reuters

Trong thời gian tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump luôn khẳng định rằng IS vô cùng nguy hiểm và cần phải tiêu diệt tổ chức khủng bố này. Đặc biệt là kể từ tháng 9/2014, Mỹ đã dẫn đầu liên quân không kích mục tiêu IS tại Syria nhưng sau thời gian dài tổ chức khủng bố này vẫn chưa hoàn toàn bị xóa sổ. Do vậy, khi ở trên cương vị Tổng thống, ông Trump vào ngày 28/1 đã nhanh chóng ký sắc lệnh yêu cầu Lầu Năm Góc nội trong 30 ngày phải đề xuất bản dự thảo cho kế hoạch mới đánh bại IS.

Có thể thấy mục tiêu hàng đầu của ông Trump hiện nay là trừ sạch tận gốc IS với chiến thuật hiệu quả hơn những gì mà Washington đã thực hiện dưới chính quyền Tổng thống thứ 44 Barack Obama.

Một trong những giải pháp được truyền thông đồn đoán là tăng cường lực lượng đặc biệt của Mỹ tại mặt trận trên bộ ở Iraq và Syria. Một đề xuất khác là Mỹ hợp tác với chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad. Điều này còn có thể mở đường để quân đội Mỹ bắt tay với Nga trong các cuộc không kích từ bầu trời Syria nhằm vào mục tiêu IS. Lý do được đưa ra là sau tất cả, Nga và Mỹ đều muốn xóa sổ IS, vậy tại sao hai nước này không hợp tác để có thể hoạt động hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ? 

Một tháng cầm quyền là khoảng thời gian quá ngắn để chính quyền Tổng thống Trump định hình rõ rệt chính sách với một Trung Đông đầy biến động. Thắng lợi hay thất bại trong vấn đề Trung Đông, có thể trở thành chuyện thành bại với chính sách đối ngoại nói chung của một Tổng thống Mỹ. Ông Trump và đội ngũ của mình có thể sẽ đối mặt với những cơn "đau đầu" ở "chảo lửa" này.

Hà Linh (Theo CNN, Independent)
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN