Lo bài học Ukraine, Estonia tăng cường năng lực quân sự

Quốc gia vùng Baltic thành viên EU đang tăng cường khả năng quân sự của mình, trong khi NATO cũng tăng cường hiện diện ở khu vực này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas (phải) trên chuyến bay trở về sau chuyến thăm cuộc tập trận quân sự của NATO tại Estonia vào tháng 5/2024. Ảnh: Kaja Kallas/Twitter

Tại thị trấn nhỏ Voru, phía đông nam Estonia, tình trạng quân sự hóa — diễn ra với tốc độ chóng mặt — là điều rất rõ ràng. Người dân địa phương đã quen với sự hiện diện của binh lính Anh, Pháp và Mỹ trong các quán bar hoặc xe tải quân sự chạy trên những con đường lát đá cuội. Biên giới với Nga chỉ cách đó chưa đến 30km. Và nỗi lo sợ về một cuộc xung đột có thể xảy ra - điều mà chính quyền Estonia đã không loại trừ chút nào - ngày càng hiện rõ trong người dân. Bằng chứng cho điều này là nhiều người trong số 12.000 cư dân của Voru luôn đổ đầy bình xăng ô tô và chuẩn bị sẵn vali đựng những thứ cần thiết đề phòng trường hợp họ phải bỏ chạy khỏi thị trấn quê nhà bất cứ lúc nào.

Ở rất gần Voru, tại căn cứ quân sự Taara, Đại tá Mati Tikerpuu - chỉ huy một  lữ đoàn của quân đội quốc gia Baltic - nhấn mạnh rằng, trong trường hợp có kẻ thù xâm lược, ý định của ông là “đối phó với quân địch sớm nhất có thể”.

Trên quân phục của mình, đại tá Tikerpuu đeo hai huy hiệu, một chiếc có cờ Estonia, chiếc kia có hình cờ Ukraine. Ngoài việc là trụ sở của lữ đoàn bộ binh do Tikerpuu chỉ huy, căn cứ Taara còn có một trung tâm huấn luyện tân binh và tiếp đón các đội quân luân phiên từ Anh, Mỹ và Pháp - ba quốc gia sở hữu quyền lực hạt nhân trong NATO.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm dấy lên những lo ngại ở Estonia, Latvia và Lithuania (Litva) - ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hiện đã hội nhập vào EU và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Trong những tháng đầu tiên bùng phát xung đột tại Ukraine, vào tháng 2/2022, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát 73.000 km2, gần gấp ba diện tích của Estonia, quốc gia có diện tích tương đương với Thụy Sĩ, Hà Lan hoặc Đan Mạch. Tình thế dễ bị tổn thương của các nước cộng hòa vùng Baltic, khi tất cả đều thiếu chiều sâu chiến lược và quân đội quy mô lớn, đã buộc NATO phải điều chỉnh lại chiến lược phòng thủ cho khu vực trong 24 tháng qua.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas chụp ảnh cùng các binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung với NATO tại Estonia hồi tháng 5/2024. Ảnh: Kaja Kallas/Twitter

Theo một kịch bản được mường tượng từ năm 2022, trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột, một phần lãnh thổ Estonia có thể sẽ bị đối phương chiếm giữ, trước khi lực lượng đa quốc gia đẩy lui trong một chiến dịch có thể kéo dài vài tháng.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Vilnius, Litva, các kế hoạch mới đã được thông qua nhằm “bảo vệ từng tấc đất” của Estonia, Latvia và Litva, đồng thời tăng cường sự hiện diện của quân đội NATO trong khu vực.

Đại tá Tikerpuu tính toán: “Chúng tôi có thể chống lại một cuộc xâm lược trong vài tuần, đủ lâu cho đến khi quân tiếp viện của đồng minh đến”.

Với dân số 1,3 triệu người, Estonia hiện chỉ có 4.500 binh sĩ chuyên nghiệp, cùng với 40.000 quân dự bị. Mặc dù đã tăng chi tiêu quốc phòng lên trên 3,5% GDP (một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các thành viên NATO), quân đội của nước này không có một chiếc xe tăng nào chứ đừng nói đến một máy bay chiến đấu. 

Mối quan hệ giữa Tallinn và Moskva đã xấu đi nhiều trong thập kỷ qua. Vào tháng 9/2014, trùng với thời điểm hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales, Anh – trong đó các nhà lãnh đạo thảo luận về kế hoạch bảo vệ các đồng minh Đông Âu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine – một sĩ quan cảnh sát Estonia đã bị bắt cóc ở biên giới với Nga. Cuối cùng, anh ta đã được trao đổi lấy một điệp viên của Nga. Nhưng kể từ đó, chính quyền Estonia đã tố cáo vô số “cuộc tấn công chiến tranh hỗn hợp” đang nhằm vào nước này.

Trong khi đó, theo hãng tin TASS, hồi tháng 2 năm nay, chính quyền Nga đã đưa Thủ tướng Estonia - bà Kaja Kallas và Quốc vụ khanh Estonia - ông ​Taimar Peterkop vào danh sách truy nã về tội hình sự vì đã xúc phạm ký ức lịch sử và có sự thù địch đối với Nga.

Tại Luhamaa - một trong những bốn đồn biên giới vẫn mở giữa Estona và Nga – hàng chục tài xế xe tải và một số gia đình đi phương tiện cá nhân phải gánh chịu hậu quả từ căng thẳng giữa Estonia và nước láng giềng khổng lồ. Họ cố gắng kiên nhẫn trong khi hàng rào hải quan vẫn bất động. Xe cộ qua lại từng dòng nhỏ giọt, có xe đợi nhiều giờ, thậm chí vài ngày mới đến lượt. Các nhân viên hải quan của Estonia kiểm tra cẩn thận hàng hóa của từng chiếc xe tải, hầu hết đều được đăng ký tại Serbia hoặc các nước Trung Á (Nga không cho phép lưu hành các phương tiện đường dài mang biển số châu Âu).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Kaja Kallas (phải) đầu năm nay đã bị Nga truy nã hình sự, liên quan đến hành động phá hủy và làm hư hại các đài tưởng niệm thời Liên Xô. Ảnh: Kaja Kallas/Twitter

Xung quanh Luhamaa, Estonia đang dựng một hàng rào biên giới kiên cố được trang bị camera, cảm biến và radar. Ngoài việc xây dựng bức tường (dự kiến ​​hoàn thành vào năm tới), chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới gồm 60 boongke dọc theo biên giới với Nga.

Vào cuối tháng 5, ba quốc gia vùng Baltic – cùng với Na Uy, Phần Lan và Ba Lan – đã đồng ý tạo ra một hệ thống thiết bị bay không người lái phối hợp dọc biên giới phía đông của họ.

Ngoài việc tăng gấp đôi chi tiêu quân sự, Estonia còn là một trong những đồng minh viện trợ nhiều nhất cho Ukraine (1,7% GDP). Bên trong Bộ Quốc phòng Estonia, hầu hết các quan chức đều cảm thấy rằng các nước như Đức, Italy và Tây Ban Nha phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn cản Nga đạt được mục tiêu ở Ukraine. Mark Riisik - phó giám đốc Cục Kế hoạch Chính trị - bày tỏ lo ngại về việc phương Tây không thể sản xuất đạn pháo với tốc độ mà quân đội Ukraine cần. Ông Riisik nhấn mạnh rằng EU đã thất bại trong lời hứa cung cấp cho Kiev một triệu quả lựu pháo vào năm 2023, trong khi Nga dự kiến sản xuất 4,5 triệu lựu pháo chỉ trong năm nay.

Các cơ quan tình báo phương Tây đều nhất trí về khả năng một thành viên NATO sẽ bị tấn công trong vòng 5 - 10 năm tới. Họ không tính đến kịch bản cả quốc gia bị xâm chiếm mà là một chiến dịch trên bộ trong đó có hoạt động chiếm đóng một vùng lãnh thổ để kiểm tra nguyên tắc phòng thủ tập thể - nền tảng của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Nga lên tiếng về việc Ukraine tăng cường lực lượng giáp biên giới với Belarus
Nga lên tiếng về việc Ukraine tăng cường lực lượng giáp biên giới với Belarus

Điện Kremlin cho biết thông tin Ukraine đang tăng cường lực lượng ở biên giới với Belarus là một "mối lo ngại".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN