Liên minh tài chính của BRICS có ảnh hưởng đến đồng USD?

Thế giới tuần qua chứng kiến một sự kiện gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và gây lo ngại cho đồng USD cũng như các tài sản khác trên các thị trường mới nổi.

Lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Niu Đêli (Ấn Độ) ngày 29/3/2012. Ảnh: Internet

Năm nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh trong nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bắt đầu sử dụng hệ thống tài chính riêng bằng cách thiết lập một ngân hàng phát triển sử dụng đồng tiền của năm nước này là đồng real, rúp, rupee, nhân dân tệ (NDT) và rand để trao đổi tiền tệ dễ dàng hơn, đồng thời xây dựng các mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa 5 nước.


Theo Nhật báo Phố Uôn (Mỹ) số ra ngày 2/4, đây không phải một thị trường mới nổi kiểu khu vực đồng euro (Eurozone). Trái lại, các nhà lãnh đạo BRICS đang mở cánh cửa cơ hội cho các công ty của thị trường mới nổi thách thức các công ty toàn cầu của các nước công nghiệp. Dưới đây là những lý do giải thích tại sao các nước BRICS hy vọng đồng USD mất giá và sức ảnh hưởng của Mỹ giảm sút có thể mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong tương lai.

Thứ nhất, BRICS sẽ đạt được một vị thế trong quản lý tài chính toàn cầu. Các nước BRICS chiếm gần một nửa dân số thế giới. Hai trong số 5 nước BRICS nằm trong tốp 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới về sức mạnh mua bán và 4 nước nằm trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Kế hoạch mới được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang tìm kiếm một tiếng nói lớn hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức đa phương khác. Hiện nay, 5 nước BRICS đang nắm giữ hơn 4.000 tỷ USD các khoản dự trữ ngoại tệ, do vậy ngân hàng mới được thành lập sẽ có số vốn đóng góp lớn. Và rõ ràng ngân hàng mới sẽ giúp các nước BRICS phát triển nhanh hơn. Theo dự báo của IMF, năm 2012 tăng trưởng kinh tế của Braxin đạt 3%; Nga đạt 3,3%, Ấn Độ 7%, Trung Quốc 8,2% và Nam Phi đạt 2,5%. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2012 dự kiến chỉ đạt 1,8% và 17 nước Eurozone sẽ giảm còn khoảng 0,5%. Trao đổi thương mại bằng các đồng tiền riêng của 5 nước BRICS sẽ ảnh hưởng rất lớn đến USD và đồng euro, hiện đang là đồng tiền dự trữ, tăng vai trò của các đồng tiền của Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ và thậm chí cả Nga so với USD và đồng euro. Bên cạnh đó, các nước BRICS sẽ dễ dàng hơn trong việc ký các giao dịch mua bán với các đối tác khác mà không cần USD.

Thứ hai, hệ thống tài chính mới của BRICS cũng sẽ có ảnh hưởng thực sự đến hoạt động sản xuất. Không nên cho rằng hệ thống tài chính mới của BRICS là nguồn tài chính thương mại chỉ phục vụ các sản phẩm nông nghiệp và các nguồn tự nhiên. Braxin sẽ cho thấy nền kinh tế của họ không chỉ dựa vào các loại hàng hóa và nhiên liệu thô. Một số doanh nghiệp của BRICS sẽ trở thành các công ty công nghệ quan trọng. Đặc biệt, các sáng kiến của BRICS như cải thiện khả năng quản lý toàn cầu không những góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong BRICS mà còn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong những thời điểm kinh tế khó khăn cho các nước.

Thứ ba, chẳng có gì ngạc nhiên, những người chiến thắng là các công ty công nghệ và công nghiệp của thị trường mới nổi hàng đầu BRICS. Những tổ chức tài chính mới sẽ tạo nhiều cơ hội đầu tư cho giới đầu tư cũ và mới của BRICS.

Các ngân hàng phát triển lớn của các nước BRICS sẽ cung cấp vốn cho các dự án ở các nước khác trong khối bằng đồng tiền quốc gia. Vấn đề hợp tác liên ngân hàng của các nước BRICS đã nằm trong một bản ghi nhớ được 5 nước ký hồi tháng 4/2010, nhằm mở rộng hợp tác liên ngân hàng lâu dài giữa 5 nước, phát triển các mối quan hệ thương mại và kinh tế và thực hiện các dự án xã hội quan trọng.

Nguyễn Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN