Libi bên bờ vực nội chiến mới

Theo tạp chí "Đại Tây Dương", sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ năm 2011, Libi rơi vào tình trạng hỗn loạn, và đây cũng là nguyên nhân gây bất ổn cho các nước láng giềng.


 

Một cuộc tập hợp của phiến quân Libi. Ảnh: Internet

 

Ngày 4/1/2013, một sĩ quan quân đội Libi bị sát hại tại khu vực Sidi Faraj, thuộc thành phố Benghazi, trong làn sóng tấn công của các lực lượng dân quân chống chính phủ nhằm vào các biểu tượng của chính quyền mới. Chỉ trước đó 2 ngày, chỉ huy đơn vị cảnh sát điều tra tội phạm ở Benghazi cũng đã bị một nhóm dân quân bắt cóc. Tháng 11/2012, chỉ huy lực lượng cảnh sát Benghazi Faraj Drissi đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng. Trong 16 tháng qua, thành phố Benghazi - nơi khởi nguồn của phong trào nổi dậy chống chính quyền của ông Kadhafi - liên tục chứng kiến các cuộc tấn công và thanh toán lẫn nhau chủ yếu nhằm vào các sĩ quan quân đội và người nước ngoài, các quan chức chính quyền mới, các nhà báo tự do và các chỉ huy lực lượng an ninh.


Trước tình trạng hỗn loạn đó, ngày 4/1, khoảng 2.000 người Libi đã xuống đường biểu tình tại thành phố Benghazi đòi giải tán các nhóm dân quân vũ trang, đồng thời yêu cầu sa thải những kẻ tội phạm hình sự được cho là đang có mặt trong lực lượng cảnh sát nước này. Người biểu tình cáo buộc rằng chính những tên cảnh sát này đứng đằng sau nhiều vụ ám sát nói trên. Cũng với cáo buộc tương tự, các chỉ huy của quân nổi dậy đã từ chối gia nhập lực lượng quân đội hợp pháp và đòi "thanh lọc" hoàn toàn các quan chức chế độ cũ khỏi quân đội.


Benghazi hiện không phải là nơi duy nhất "có vấn đề" tại Libi. Tháng 8/2012, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã phải ngừng hoạt động tại tỉnh Misrata cách thủ đô Tripôli 200 km về phía đông sau khi xảy ra một vụ tấn công nhằm vào nơi ở của nhân viên tổ chức này. Giai đoạn hậu Kadhafi đã chứng kiến làn sóng tàn sát và phân biệt chủng tộc lớn chưa từng thấy nhằm vào những người da đen, vốn bị cáo buộc đã tham gia chiến đấu bên cạnh các lực lượng ủng hộ ông Kadhafi trước đây.


Sau khi ông Kadhafi bị lật đổ, các lực lượng dân quân Hồi giáo Salafist và các lực lượng cách mạng khác có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã từ chối hạ súng và quy thuận chính quyền mới có quan điểm ôn hòa song yếu ớt. Được bầu ra vào tháng 7/2012, chính quyền mới của Libi vẫn chưa thể kiểm soát được các mâu thuẫn nội bộ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục an ninh và lập lại trật tự trong các nhóm dân quân nổi dậy từng chiến đấu chống lại chế độ của ông Kadhafi.


Nhiều cuộc tấn công khác - trong đó có các vụ đánh bom ám sát do phiến quân, các nhóm Hồi giáo cực đoan và các nhóm khủng bố tiến hành - đã sát hại hàng trăm nạn nhân xuất thân từ các cộng đồng dân tộc thiểu số (người da đen, người du mục Berber), các cộng đồng tôn giáo thiểu số (Thiên Chúa giáo, Hồi giáo Mật Tông …) cũng như tất cả những người phản đối sự cai trị độc tài của lực lượng Hồi giáo cực đoan Salafi, những người đang muốn áp đặt các quy tắc của Luật Hồi giáo Sharia.


Các cuộc xung đột bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người Libi thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tại thủ đô Tripôli và các vùng phụ cận, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra, trong đó nghiêm trọng nhất là các cuộc giao tranh xung quanh sân bay quốc tế Tripôli giữa lực lượng quân đội Libi mới và các nhóm phiến quân nhằm giành quyền kiểm soát địa điểm này.


Hiện các bộ tộc Toubou và Ouled Slimane đang tiếp tục giao tranh tại thành phố Sebha, thủ phủ vùng Fezzan, cách Tripôli 700 km về phía nam. Tại vùng đất này, tình trạng chia rẽ giữa các bộ tộc vẫn tồn tại dai dẳng và các vấn đề gây mâu thuẫn giữa họ vẫn chưa được giải quyết, đe dọa sự ổn định của Libi. Các nhà cầm quyền mới của Libi đã không thể đạt được thỏa thuận với các lãnh đạo bộ tộc vốn đang kiểm soát các "trung tâm cách mạng" trọng điểm như Benghazi, Misrata và Zintan. Nguy cơ Libi lâm vào một cuộc nội chiến lần thứ hai và cả nguy cơ bị phân rã giữa các lực lượng "cách mạng", giữa các bộ tộc thù địch và giữa các lực lượng dân chủ và các nhóm Hồi giáo cực đoan Salafist, chưa bao giờ rõ như lúc này.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN