Lào gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức

Ngày 26/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức kết nạp Lào làm thành viên thứ 158 sau 15 năm thương thuyết. Lào là nước cuối cùng trong 10 thành viên ASEAN gia nhập WTO.


 

Bộ trưởng Công Thương Lào Nam Viyaketh (trái) và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy (phải) trong lễ ký xác nhận Lào là thành viên mới của WTO tại trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26/10. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Ông Michael Ewing-Chow, người đứng đầu chương trình nghiên cứu WTO của Trung tâm Luật Quốc tế ở Xinhgapo, cho rằng việc gia nhập WTO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Lào, nhưng nó cũng báo hiệu một sự thay đổi có tính chất cơ bản hơn đối với quốc gia này. Ông nói: "Giá trị thật sự đối với Lào là họ đang chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang một hình thức mới, trong đó họ đang thật sự tìm kiếm những phương cách tốt nhất để xây dựng tinh thần kinh doanh và các thị trường tự do ở nước họ".


Ông Peter Ungphakhorn, một quan chức thông tin của WTO, cho biết sau khi Lào phê chuẩn hiệp định gia nhập, ASEAN có thể lên tiếng như một khối tại câu lạc bộ thương mại toàn cầu này. Việc trở thành thành viên WTO sẽ mang lại cho nền kinh tế Lào một sức đẩy lớn, tương tự trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, hai nước từng áp dụng thể chế kinh tế tập trung. Ông Ungphakhorn nói: "Lào trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì Lào có thể áp dụng những nguyên tắc có thể dự đoán, minh bạch và dựa trên luật lệ cho nền kinh tế của mình".


Các nhà đầu tư lớn nhất của Lào hiện nay cũng là các đối tác thương mại quan trọng, đó là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động đầu tư đều thuộc khu vực tài nguyên thiên nhiên như nông nghiệp, thủy điện và khai thác hầm mỏ, với phần lớn các sản phẩm được mang bán cho các nước láng giềng. Các nhà phân tích cho rằng việc gia nhập WTO giúp Lào đa dạng hóa các nguồn đầu tư cũng như các hoạt động thương mại sang các khu vực khác.


Ông Nicolai Imboden, Giám đốc của Trung tâm Ý tưởng ở Geneve - một tổ chức chuyên giúp các nước đang phát triển như Lào hội nhập vào nền kinh tế thế giới - cho rằng Lào vẫn chưa có khả năng cạnh tranh sản xuất cho nên các công ty châu Âu và Mỹ sẽ đầu tư vào nước này một cách chậm hơn. Ông nói: "Hiện nay, có một xu thế rõ ràng là những hoạt động sản xuất với giá thành thấp đang chuyển từ Trung Quốc xuống phía nam và tôi nghĩ rằng Lào sẽ được hưởng lợi từ việc này".


ASEAN đang có kế hoạch thành lập một cộng đồng kinh tế vào cuối năm 2015 để nối kết tất cả các nước trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc dự trù chi tiêu nhiều tỷ USD cho các dự án đường sắt và đường bộ nối với khu vực Đông Nam Á thông qua Lào. Ông Ewing-Chow nói rằng kế hoạch này sẽ giúp Lào trở thành một trung tâm chính của những hoạt động thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN. Ông nói: "Đối với Lào, Trung Quốc là nước láng giềng lớn ở phía Bắc, còn nước láng giềng quan trọng về phía Nam là Thái Lan. Cả hai nước này ngày càng nắm giữ những vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Lào và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, nếu Lào trở thành trung tâm chính cho khu vực thì họ có thể gia nhập mạng lưới của các nền kinh tế khác vốn đang muốn vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và nhân lực lên xuống trên hành lang nối liền Trung Quốc với ASEAN".


Phó Tổng Thư ký Phân ban Trung Quốc thuộc Hội đồng Thương mại Trung Quốc-ASEAN, Trưởng chuyên gia thương mại Trung Quốc tại ASEAN Hứa Ninh Ninh đánh giá ý nghĩa tích cực của việc Lào gia nhập WTO. Ông nói: "ASEAN sẽ thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, sức gắn bó, hợp tác kinh tế nội khối ASEAN đang bước vào giai đoạn mới. Đây cũng là điểm tựa khá tốt đối với Lào nằm trong ASEAN. Tiến trình nhất thể hóa kinh tế ASEAN đã dẫn dắt sự mở cửa đối ngoại của Lào, đồng thời cũng dành sự giúp đỡ tương đối để thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế của Lào so với các nước ASEAN khác".


Ông Hứa Ninh Ninh cho rằng sau khi gia nhập WTO, Lào cần tích cực ứng phó với thách thức, không ngừng tăng trưởng bản thân. Ông nói: "Sau khi gia nhập WTO, Lào sẽ phải đề ra một loạt đối sách tích cực ứng phó với việc gia nhập WTO, bao gồm chuẩn bị về công nghiệp, nhất thể hóa kinh tế khu vực, nâng cao ý thức kinh doanh, năng lực kinh doanh toàn cầu, những thứ đó đều là những thách thức khá lớn đối với Lào. Gia nhập WTO không mang lại sự phát triển sẵn có. Kinh nghiệm gia nhập WTO của Trung Quốc chứng tỏ cần tích cực ứng phó với thách thức, phát triển công nghiệp một cách tích cực và lấy hơn bù kém, như vậy mới có sự phát triển tốt hơn sau khi gia nhập WTO".


Tuy có sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng, hiện nay Lào vẫn còn hơn 1/4 trong tổng số 6,5 triệu dân đang sống trong nghèo túng. Theo bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về trình độ phát triển, Lào đứng hàng thứ 138 trong tổng số 187 quốc gia. Lào hy vọng việc gia nhập WTO sẽ giúp họ không còn xếp trong danh sách các nước kém phát triển nhất. Theo dự tính, các nhà lập pháp Lào sẽ chính thức chấp nhận lời mời gia nhập của WTO vào tháng 12/2012.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN