Trong cuộc đối thoại trực tuyến này, ông Borrell khẳng định điều mà các nhà phân tích lâu nay vẫn nói về sự chấm dứt của hệ thống do Mỹ lãnh đạo và sự xuất hiện của thế kỉ châu Á đang xảy ra trên thực tế. Theo ông, “bình minh của thế kỉ châu Á sẽ đánh dấu sự thoái lui trong vai trò của Mỹ”.
Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU nhìn nhận, có thể xem đại dịch COVID-19 là điểm bước ngoặt đánh dấu quyền lực toàn cầu dịch chuyển từ Tây sang Đông. Sức ép phải chọn phe giữa Mỹ hay Trung Quốc đang gia tăng và “EU cần theo đuổi lợi ích và giá trị của mình, không để rơi vào tình thế buộc phải chọn bên”.
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, EU đã cảnh báo về một cuộc chiến thông tin với Bắc Kinh và Moskva. Cùng thời điểm, giới chức chức châu Âu tuyên bố họ không thể chông đợi vào vai trò lãnh đạo toàn cầu rõ nét hơn của Washington.
Phát biểu trước báo giới hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh đang tạo ra thách thức cho thế giới từ đại dịch hiện tại, điều giới chức Trung Quốc kịch liệt bác bỏ. Theo ông, phản ứng của Trung Quốc trước sự bùng phát của COVID-19 ở Vũ Hán đã khiến thế giới có cái nhìn bừng tỉnh hơn về Trung Quốc.
Sự phân cực ngày một sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc tạo sức ép lớn cho EU. “Đối đầu Mỹ-Trung cũng có một tác động lớn và thường là tác động gây tê liệt đối với hệ thống đa phương: Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều thiết chế khác, ngày càng xuất hiện nhiều bất đồng và phủ quyết, ít đi những đồng thuận”, ông Borrell bày tỏ.
Theo Josep Borrell, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trên trường quốc tế là rất “ấn tượng”, nhưng cũng phải thấy rằng quan hệ Trung Quốc-EU còn thiếu sự tin tưởng, minh bạch và yếu tố có đi có lại.
Ông cho rằng EU chỉ có được cơ hội khi xử lý quan hệ với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc tập thể. Muốn vậy, cần phải có một chiến lược năng động với Bắc Kinh, đồng thời duy trì tốt qua hệ với phần còn lại của châu Á. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU vào mùa Thu tới sẽ là dịp để kiểm nghiệm cách tiếp cận này.
Theo ông, bước vào giai đoạn mới của dịch chuyển quyền lực toàn cầu, EU cũng cần phải đánh giá lại cách tiếp cận với Nga. “EU cần có các cuộc trao đổi thẳng thắn về cách thức xử lý quan hệ với Nga dưới góc độ những thách thức đặt ra đối với lợi ích an ninh chung của châu Âu. Chúng ta cần can dự có chọn lọc với Nga trong những vấn đề liên quan đến EU”, người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU nêu quan điểm.
Trước đó, trong bài viết được nhiều tờ báo châu Âu đăng tải ngày 15/5, ông Borrell cho rằng lòng tin và cách đối xử có đi có lại là “chất xúc tác cần thiết” cho quan hệ EU-Trung Quốc. Ông hối thúc các nước thành viên EU duy trì nguyên tắc tập thể trước Trung Quốc, khẳng định thống nhất là điều kiện tiên quyết để gây ảnh hưởng trong đối thoại, can dự, bởi ngay cả một thành viên lớn nhất trong EU như Đức cũng không thể tạo được tiếng nói có trọng lượng trước một siêu cường như Trung Quốc.