“Xác chết bản vị vàng” có hồi sinh?

Kỳ cuối: Những mách bảo từ lịch sử

(Tin tức) - Chế độ bản vị vàng bắt đầu thịnh hành từ giữa thế kỷ 19 và kéo dài được khoảng 100 năm. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, do một số điều kiện tất yếu để duy trì chế độ bản vị vàng dần mất đi kéo theo sự sụp đổ dần dần của chế độ bản vị vàng. Mấy năm gần đây, cùng với việc giá vàng quốc tế tăng cao và giá tài sản toàn cầu leo thang, thêm vào đó là việc tới nay trên thế giới vẫn có rất ít đồng tiền đảm nhiệm được chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế, những lời kêu gọi quay trở lại chế độ bản vị vàng cũng dần nhiều lên.

Lợi ích của chế độ bản vị vàng

Những người ủng hộ cho rằng chế độ bản vị vàng có khá nhiều ưu việt. Một là vàng đáp ứng được tất cả các yêu cầu cần phải có để một dạng vật chất trở thành dạng cơ bản của tiền: Dễ phân biệt, bền vững, ổn định về lượng sẵn có và giá trị nội tại không bị biến động. Hai là nếu các nước thực thi chế độ bản vị vàng, khả năng sử dụng tỉ giá hối đoái nhằm đạt được lợi ích không chính đáng sẽ không còn, hệ thống đầu tư và thương mại quốc tế sẽ càng trở nên công bằng. Ba là việc trở lại chế độ bản vị vàng cũng có nghĩa các nước phát triển không thể phát hành thêm tiền mang lại lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu sản xuất trong nước (thực chất là bóc lột quốc tế qua chính sách tiền tệ). Điều này sẽ tạo ra môi trường công bằng hơn giữa những nước sở hữu đồng tiền có phạm vi lưu thông rộng và những nước có đồng tiền mà sự lưu thông của nó có khi chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia.

Mặt trái của chế độ bản vị vàng

Tuy nhiên nhìn lại quá khứ, người ta không khó để nhận ra rằng chế độ bản vị vàng chưa chứng minh được tính hữu hiệu của nó. Do vậy, việc quay trở lại chế độ bản vị vàng khó có thể “chữa trị” được những “bệnh tật” của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện hành, ngược lại còn làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp.

Thứ nhất, lịch sử của chế độ bản vị vàng không dài và cũng không thành công. Trước năm 1821, các nước lớn trên thế giới lấy bạc làm bản vị. Cùng với sự gia tăng về sản lượng vàng, bắt đầu từ năm 1821, cường quốc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Anh quyết định sử dụng vàng làm bản vị, các nước khác dần dần “nối gót” theo Anh. Tới năm 1876, hầu hết các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức và Mỹ đều thực hiện chế độ bản vị vàng. Từ năm 1870 tới trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng phát là 50 năm chế độ bản vị vàng vận hành thành công nhất. Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy sự thành công của chế độ bản vị vàng khi đó là kết quả của sự phồn vinh kinh tế lâu dài của châu Âu chứ không đến từ “cú huých bản vị vàng”.

Thứ hai, các nước và các kiểu khôi phục chế độ bản vị vàng đều thất bại. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, hàng loạt nước đã tìm cách khôi phục chế độ bản vị vàng, nhưng cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933 đã buộc Ngân hàng Trung ương các nước thi nhau bỏ chế độ bản vị vàng. Bắt đầu từ năm 1938, trên thế giới không còn nước nào cho phép người dân đổi tiền cầm giữ hoặc tiền trong tài khoản thành vàng. Bản chất tự do đúc (tiền vàng) và tự do lưu thông dưới chế độ bản vị vàng bị thách thức nghiêm trọng khiến việc khôi phục chế độ bản vị vàng bị đẩy tới hồi cáo chung ê chề.

Thứ ba, dưới chế độ bản vị vàng thường xuyên xuất hiện khủng hoảng tài chính và những cơn “sóng thần” vật giá. Ngay cả trong 50 năm hoàng kim của chế độ bản vị vàng, khủng hoảng tài chính cũng không phải là sự kiện hiếm gặp, điển hình là hai cuộc khủng hoảng lớn xảy ra trong khoảng thời gian từ 1879-1896 và 1929-1933. Sở dĩ xảy ra điều này là do bản thân giá vàng thường xuyên biến động khiến chế độ bản vị vàng về căn bản không thể ổn định được vật giá cũng như không thể phòng ngừa được nguy cơ khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, tệ hại hơn là chế độ bản vị vàng không cho phép ngân hàng trung ương các nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh kinh tế đình trệ, nên quá trình suy thoái kinh tế thường kéo dài hơn. Ví dụ: Kinh tế toàn cầu sau năm 1929 đã phải trải qua 10 năm giảm phát.

Thứ tư, nền tảng lưu thông của tiền vàng dưới chế độ bản vị vàng bị yếu đi rất nhiều. Nguyên do không nằm ngoài việc mức tăng về sản lượng vàng thấp hơn nhiều so với mức tăng của hàng hóa sản xuất ra, khiến vàng không thể đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa ngày một tăng và lượng vàng có ở các nước không đồng đều mà lại chủ yếu nằm trong tay một số ít cường quốc.

Tiếp tục tranh cãi

Bàn về chế độ bản vị vàng, “cha đẻ” của đồng euro, ông chủ của Giải Nobel Kinh tế năm 1999, Giáo sư Robert Alexander Mundell từng nói rằng đó là một hệ thống tỉ giá hối đoái cố định rất tốt, nhưng lại mang trên mình khiếm khuyết vô cùng lớn: Không có được một cơ chế có thể vận hành theo sự thả nổi về giá vàng và giá của các mặt hàng chính. Trong giai đoạn hiện nay, theo cố vấn hàng hóa Bill ONeill của hãng Logic Advisors, chế độ bản vị vàng không thể khôi phục trong thời gian ngắn vì chính sách phối hợp toàn cầu bao hàm trong kiến nghị của ông Zoellick về căn bản không tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Đó là chưa kể đến việc thực hiện chế độ bản vị vàng sẽ dẫn tới sự ra đời của chính sách tiền tệ thắt chặt quá độ, ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Từ kinh nghiệm lịch sử và thực tế hiện nay, đa số các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế cho rằng đề nghị quay trở lại chế độ bản vị vàng của ông Zoellick ít tính khả thi. Tuy nhiên, nó lại cho thấy sức hấp dẫn của vàng, thứ kim loại vốn được coi là chỗ trú ẩn an toàn trong khủng hoảng tài chính. Theo kết quả điều tra của hãng Thomson Reuters, dự kiến xu thế liên tiếp lập kỉ lục của giá vàng sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng nữa. 2/3 số người tham gia điều tra cho rằng giá vàng sẽ lập đỉnh trong khoảng 1.400-1.500 đô USD/ounce. Còn trong vòng 3 năm tới, theo RBC, ngân hàng lớn nhất Canađa, giá vàng sẽ hướng đến ngưỡng 3.800 USD/ounce.

Hà Ngọc
(P/v TTXVN tại Hồng Công)

Kỳ 1: Ẩn ý đằng sau đề nghị của ông Zoellick
Kỳ 1: Ẩn ý đằng sau đề nghị của ông Zoellick

(Tin tức) - Trong bài phân tích đăng trên tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra ngày 8/11 vừa qua, ông Zoellick cho rằng một cơ chế "bản vị vàng" cải tiến (trong hệ thống tiền tệ) có thể giúp tạo công cụ mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN