Chiến tranh tiền tệ - nguy cơ và hậu quả

Kỳ cuối: Hậu quả khó lường

Thuật ngữ “chiến tranh tiền tệ” không mới, song chỉ thời gian gần đây nó được nhắc đến dồn dập sau khi xuất hiện một loạt động thái nguy hiểm của các nước can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế nội địa.

Khởi nguồn của cuộc chiến tiền tệ hiện nay là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Trong khi các nền kinh tế phát triển hứng chịu tình trạng mức cầu suy giảm trong thời gian dài, thì các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với thị phần xuất khẩu sụt giảm. Trong quý 2/2010, tốc độ tăng trưởng GDP của 6 thành viên trong nhóm G7 là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Italia đều vẫn ở mức thấp hơn thời điểm trước khủng hoảng. Giảm phát - quái vật nhiều đầu trong nền kinh tế - đã ló dạng khi chỉ số lạm phát cơ bản ở Mỹ và khu vực các nước sử dụng đồng euro chỉ còn gần 1%. Không chỉ những nước đang thâm hụt thương mại như Mỹ, các nước đạt thặng dư như Đức và Nhật Bản cũng trông chờ thoát hiểm thông qua con đường kích thích xuất khẩu.

Sở hữu những đồng tiền mạnh, các nước như Mỹ, Anh không sử dụng công cụ tỷ giá để kích thích xuất khẩu, nhưng các gói kích cầu khổng lồ đi kèm chính sách tiền tệ nới lỏng đã gián tiếp khiến đồng tiền của họ mất giá. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư bằng ngoại tệ mạnh chảy về các nền kinh tế mới nổi, nhất là những nước phụ thuộc vào xuất khẩu, càng gây sức ép lên đồng nội tệ, buộc họ phải có các biện pháp đối phó. Các nước này thường chọn biện pháp đơn giản nhất là dùng đồng nội tệ để mua gom ngoại tệ, khiến cung nội tệ tăng dẫn tới giá giảm. Đồng nội tệ xuống giá sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn và hàng nhập khẩu đắt hơn, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Đây được coi là một hình thức trợ cấp xuất khẩu không bao giờ được khuyến khích trong thương mại quốc tế.

Gọi là “chiến tranh” bởi các bên tham gia sẽ dùng đồng nội tệ làm vũ khí và chọn một đồng ngoại tệ, thường là các đồng tiền mạnh được sử dụng trong dự trữ và thanh toán quốc tế như USD hay euro, làm đối thủ để tấn công. Về lý thuyết, nguồn cung nội tệ là vô hạn do các ngân hàng trung ương có thể chủ động in tiền. Nhưng trên thực tế, thứ “vũ khí” này sẽ hữu hạn một khi việc in tiền khiến lạm phát tăng vọt hoặc chính phủ không thể vay tiền do nợ quá lớn. Cũng giống như chiến tranh thông thường, trong “chiến tranh tiền tệ”, lợi ích của bên này bao giờ cũng đi liền với sự thua thiệt của bên kia, bởi giảm nhập khẩu đồng nghĩa với việc khép cửa thị trường đối với các đối tác thương mại khác. Bên thiệt hại sẽ tìm cách đáp trả bằng công cụ tỷ giá, hoặc trả đũa trực tiếp bằng các công cụ thương mại như tăng thuế, rào cản kỹ thuật... Chính vì vậy, chạy đua giảm giá tiền tệ thường tạo ra căng thẳng quốc tế, làm sống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thậm chí kích động các bên đưa ra những quyết định mang động cơ chính trị. Đối đầu thương mại gây thiệt hại cho tất cả các bên. Trong bối cảnh tiến trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa bền vững, một “cuộc chiến tiền tệ” chắc chắn sẽ đẩy các nền kinh tế trở lại suy thoái.

Những dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên đã chính thức xuất hiện sau khi Hạ viện Mỹ ngày 29/9 thông qua dự luật nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc nhanh chóng điều chỉnh tỷ giá. Dự luật này cho phép áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước cố tình ấn định tỷ giá thấp một cách giả tạo so với đồng USD. Các nghị sỹ Mỹ cho rằng việc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ đã khiến nước Mỹ mất 500.000 việc làm do các công ty trong nước không thể cạnh tranh nổi hàng nhập khẩu. Vấn đề đồng nhân dân tệ cũng phủ bóng đen lên Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu ở Brúcxen đầu tuần này, nơi Chủ tịch Trung Quốc Ôn Gia Bảo hứng chịu những lời chỉ trích tương tự từ phía các đối tác EU. Chủ tịch nhóm 16 nước sử dụng đồng euro Jean-Claude Juncker khẳng định, đồng nhân dân tệ đang bị cố tình định giá dưới giá trị thật của nó. Tất nhiên Trung Quốc phản đối mọi lời cáo buộc của Mỹ và EU.

Ngay cả với nền kinh tế trong nước, chạy đua giảm giá tiền tệ cũng có thể gây hại. Trước hết sẽ là sức ép lạm phát, bởi đồng tiền yếu khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn. Đối với các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, sự kết hợp của một đồng tiền bị ấn định dưới giá trị thật và chi phí sản xuất và lương công nhân tăng sẽ khiến lạm phát càng trở nên nguy hiểm. Đây là trường hợp đang xảy ra ở Trung Quốc. Các cơ quan quản lý tiền tệ nước này phải lệnh cho các ngân hàng hạn chế cho vay và giảm tăng trưởng tín dụng.

Đối với các nước đang bị thâm hụt thương mại lớn, như Mỹ, nếu chiến tranh thương mại nổ ra họ sẽ là bên thiệt thòi nhất, bởi họ phải phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài để cân đối thâm hụt cán cân vãng lai. Nếu dựng lên rào cản thuế quan, siết chặt luồng vốn hoặc áp dụng các biện pháp cản trở thương mại khác, Mỹ sẽ đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư. Vốn đầu tư bị tháo rút sẽ gây sức ép lên đồng USD.

Nói về nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” hiện nay, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cho rằng việc NHTƯ Mỹ thúc đẩy chính sách tiền tệ nới lỏng với hy vọng giúp hồi sinh nền kinh tế trong nước sẽ không chỉ “chẳng giúp gì cho nền kinh tế Mỹ” mà còn “gây hỗn loạn cho phần còn lại của thế giới”.

Một khi tất cả các nước đều chọn chính sách tỷ giá làm đòn bẩy xuất khẩu, cuộc chạy đua sẽ dẫn tới các xung đột trên nhiều mặt trận khác và trở thành một “cuộc chiến tiền tệ” thực sự. Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, những động thái trên đây cho thấy lời cảnh báo của các quan chức và chuyên gia không phải là những lời nói suông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN