Báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có bài viết nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015 của ông Jusman Syafii Djamal, nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia, Chủ tịch Quỹ Matsushita Gobel. Trong đó, tác giả đánh giá nền kinh tế thế giới năm tới có nhiều dấu hiệu khả quan.
Theo ông Djamal, năm 2014 không phải là một năm dễ dàng khi môi trường toàn cầu rối loạn, chẳng hạn như giá dầu giảm mạnh, bất ổn do tình hình địa chính trị căng thẳng ở Đông Âu, Trung Đông và Đông Nam Á, gây ra những mối hoài nghi mới đối với các cỗ máy tăng trưởng như Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản và Trung Quốc.
Giá dầu giảm khuyến khích các nhà sản xuất gia tăng sản lượng. |
Tuy nhiên, bước vào năm 2015 sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ. Sau một thời gian phục hồi bấp bênh, kinh tế Mỹ hiện đang tăng với tốc độ hợp lý. Hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế đã bị suy sụp bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đang tăng cao trở lại, thị trường tín dụng đã hồi sinh, thậm chí các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Khi các doanh nghiệp thuê thêm nhiều lao động, việc làm trở nên dồi dào hơn giúp thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng. Thị trường nhà đất, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, hiện đang phục hồi nhẹ và số lượng dự án bất động sản tồn kho giảm mạnh. Không ngạc nhiên khi các chỉ số kinh tế cho thấy hoạt động kinh tế đang chuyển biến mạnh mẽ, tạo niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ là động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015.
Ông Djamal phân tích rằng việc giá dầu thế giới giảm khoảng 35% so với mức đỉnh đã cắt giảm chi phí năng lượng và khuyến khích các nhà sản xuất gia tăng sản lượng. Khi chi phí vận chuyển và lượng điện tiêu thụ giảm, người tiêu dùng có nhiều tiền hơn cho chi tiêu tiêu dùng, do đó làm tăng cầu. Giá dầu giảm cũng có nghĩa lạm phát sẽ thấp hơn, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho tăng trưởng. Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh, về cơ bản, sẽ chuyển “vàng đen” từ các nước xuất khẩu dầu mỏ vốn có xu hướng tiết kiệm cao, sang các quốc gia tiêu thụ dầu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, giúp thúc đẩy nguồn cầu thế giới tăng lên. Như vậy, hai yếu tố - sự cải thiện nền kinh tế Mỹ và chi phí năng lượng thấp hơn nhiều - đã có những tác động rất tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới không phải toàn màu hồng, mà có thể sẽ phải đối diện với rủi ro khi Eurozone vốn đã phục hồi rất chật vật. Ngay cả nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức cũng tăng trưởng chậm, và lạm phát gần như bằng không đã gây ra lo ngại về sự giảm phát cao trong khu vực này. Tuy nhiên, vẫn có ba lý do để không quá bi quan về triển vọng kinh tế của EU: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ, Ủy ban châu Âu đã đưa ra chương trình đầu tư mới và đồng euro yếu hơn sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh.
Nhật Bản cũng đã để mất đà tăng trưởng trong năm nay, nhưng khi những tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 qua đi, đồng yên giảm giá mạnh và chính sách tiền tệ táo bạo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có hiệu lực, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tiếp tục phát triển, mặc dù còn chậm.
Kinh tế Trung Quốc là đáng lo ngại hơn cả bởi bong bóng bất động sản và sự mất cân bằng tài chính lớn. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách đã không gây thất vọng khi đảo ngược chính sách bằng cách bơm một lượng thanh khoản đáng kể vào nền kinh tế, cùng lúc đẩy mạnh chi tiêu đối với các dự án cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn có một số lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng như quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và cuộc cách mạng bán lẻ trực tuyến đang tạo ra việc làm và chi tiêu vốn mới. Vì lý do đó, dù tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm hơn nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng cầu thế giới.
Trần Hiệp (TTXVN tại Jakarta)