Kịch bản nào cho vụ kiện Philippines - Trung Quốc?

Vào thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông, câu hỏi được dư luận thế giới và trong nước quan tâm lúc này đó là: "Sẽ là kịch bản nào?".


Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Xu-bi, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Phạm Lan Dung, trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, một trong hai học giả Việt Nam có bài tham luận tại Hội thảo thường niên về vấn đề Biển Đông lần thứ 5 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ trong tháng 7/2015 nhằm mang lại cái nhìn rõ nét hơn về vụ kiện quốc tế này.

* Vụ Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa PCA theo Phụ lục VII UNCLOS đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của thế giới và trong nước, đặc biệt là vào thời điểm Tòa đang xem xét vấn đề thẩm quyền. Tiến sỹ có thể cho biết những lập luận của Philippines và Trung Quốc trong vụ kiện này là gì?

Trong vụ kiện Trung Quốc, Philippines khẳng định nước này hoàn toàn biết Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc đã hạn chế thẩm quyền của Tòa với những tranh chấp liên quan đến chủ quyền hoặc tranh chấp phân định biển. Tuy nhiên, Philippines không yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp về chủ quyền hay phân định biển.

Về "đường lưỡi bò", Philippines nói rằng, đường lưỡi bò không có sơ sở theo UNCLOS. Và vì không có cơ sở theo UNCLOS, nên Trung Quốc không có quyền yêu sách. Hơn nữa, hành động yêu sách không có sơ sở này còn làm ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của Philippines theo UNCLOS.

Philippines cũng không yêu cầu Tòa phân định biển, mà đề nghị Tòa nói rõ quy chế pháp lý của các thực thể tranh chấp là gì theo UNCLOS, bất kể thực thể đó thuộc nước nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những lập luận đáp trả. Theo Trung Quốc, tất cả những vấn đề Philippines nêu ra trong vụ việc này trong các vụ việc trước đây đều là những vấn đề được xem xét trong các tranh chấp phân định. Do đó, Trung Quốc nói rằng, về bản chất điều này liên quan đến phân định.

Theo Trung Quốc, vì những vấn đề nêu ra liên quan rất nhiều đến vấn đề phân định và chủ quyền, nên Tòa không nên cho phép các quốc gia xẻ nhỏ các tranh chấp, tách biệt ra, làm mất đi tính tổng thể trong tranh chấp, bởi chúng liên quan đến vấn đề phân định và tranh chấp chủ quyền.

Hội thảo thường niên về vấn đề Biển Đông lần thứ 5 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) là hội thảo có quy mô lớn, quy tụ các học giả Mỹ và quốc tế quan tâm vấn đề Biển Đông. Hội nghị tháng 7 vừa qua có sự hiện diện của Hạ Nghị sĩ bang Virginia Randy Forbes, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel.

* Thưa Tiến sỹ, vậy điểm cần nhấn mạnh trong vụ kiện này là gì?

Khi một nước không có cơ sở để đưa ra yêu sách và không làm rõ yêu sách của mình nhưng cứ khăng khăng đòi đây phải là vấn đề phân định để Tòa không có thẩm quyền thì thật khó để có thể chấp nhận. Nếu Tòa nhìn nhận ở góc độ này và thấy Trung Quốc không có cơ sở pháp lý gì để có thể yêu cầu phân định, thì Tòa có thể đưa ra quyết định Tòa có thẩm quyền. Nhưng tất nhiên chúng ta phải đợi xem Tòa sẽ có quyết định như thế nào.

* Thưa Tiến sỹ, liên quan đến việc xây dựng tại Biển Đông, Trung Quốc cho rằng việc xây dựng này không chỉ một mình Trung Quốc thực hiện. Vậy đâu là sự khác biệt giữa các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong vấn đề này?

Về vấn đề tôn tạo trên Biển Đông, đã có nhiều bài viết cũng như phát biểu của các học giả, chính khách. Từ góc độ của luật quốc tế, việc tôn tạo của các quốc gia trong khu vực và của Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt quan trọng. 

Thứ nhất, đối tượng mà các quốc gia trong khu vực thực hiện tôn tạo đa số là đảo. Theo điều 121 khoản 2 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đảo có đầy đủ các vùng biển gồm lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh thế và thềm lục địa. Do đó việc các nước tôn tạo các đảo không làm cho đảo có thêm vùng biển nào. Trên thực tế việc tôn tạo đảo không vi phạm luật quốc tế, nếu tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường biển. 

Trong khi đó, các thực thể mà Trung Quốc tôn tạo chủ yếu là các bãi nửa nổi nửa chìm hoặc đá (trong đó có những thực thể Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm bất hợp pháp từ Việt Nam, có những thực thể nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và có những thực thể Philippines nêu trong đơn kiện ra Toà trọng tài là thuộc thềm lục địa của Philippines). 

Đá theo điều 121 khoản 3 UNCLOS không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, chỉ có lãnh hải 12 hải lý và có thể có vùng tiếp giáp lãnh hải. 

Bãi nửa nổi nửa chìm không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền. Bãi nửa nổi nửa chìm nằm trên thềm lục địa của nước nào thì thuộc thềm lục địa của nước đó và nước này có quyền tài phán về việc xây dựng lắp đặt trên các bãi này. Các công trình xây dựng trên bãi nửa nổi nửa chìm (kể cả trường hợp không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của bất kỳ nước nào) có quy chế pháp lý của đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình: tức là không có vùng biển nào, chỉ có thể có vùng an toàn 500m kể từ đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó. 

Việc xây dựng và tôn tạo của Trung Quốc thực hiện chủ yếu trên các bãi nửa nổi nửa chìm hoặc đá như vậy gây ra nhiều lo lắng từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế bởi việc tôn tạo bãi nửa nổi nửa chìm hoặc đá sẽ làm thay đổi đặc điểm của thực thể đó. 

Luật quốc tế không công nhận việc tôn tạo có thể làm thay đổi quy chế của các thực thể vốn không phải là đảo và do vậy không đem lại các vùng biển cho các thực thể đó. Tuy nhiên trên thực tế, các hoạt động này rõ ràng làm tranh chấp càng thêm căng thẳng và đe dọa đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nước theo UNCLOS. 

Tiến sĩ Phạm Lan Dung tại hội thảo của CSIS.

Thứ hai, quy mô tôn tạo của các nước rất khiêm tốn, chủ yếu nhằm củng cố những đảo đã kiểm soát từ trước đến nay. Còn hoạt động tôn tạo của Trung Quốc có quy mô rất lớn và thực hiện cấp tập trong khoảng 18 tháng dẫn đến sự thay đổi rõ ràng nguyên trạng trong khu vực. Diện tích tôn tạo tổng thể của Trung Quốc gấp đến 4 lần diện tích tôn tạo của cả 5 bên khác từ trước đến nay cộng lại. 

Thứ ba, cách làm của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng tới môi trường biển và không phù hợp với quy định của luật môi trường quốc tế và UNCLOS. 

“Quả đúng Trung Quốc là nước đến sau trong khu vực nhưng việc Trung Quốc là nước đến sau không có nghĩa Trung Quốc có quyền xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông”, Cố vấn cấp cao của CSIS về Châu Á bà Bonnie Glaser phát biểu tại hội thảo của CSIS.

Ngoài ra, nếu nói đến những cam kết của các nước trong khu vực, chúng ta có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn bản mang tính chính trị được ký từ năm 2002, trong đó nêu rõ các nước cam kết không có hành động làm phức tạp thêm hiện trạng ở Biển Đông. Từ thời điểm đó, các nước cam kết không làm phức tạp thêm tình hình. 

Cũng có thể thấy rằng, đại đa số hoạt động tôn tạo của các nước đều thực hiện từ trước khi ký DOC, trong khi Trung Quốc mặc dù đã ký DOC vẫn có những hành động như đã nói. Như vậy Trung Quốc không thực hiện cam kết chính quốc gia này đã kí kết. Trung Quốc không thể sử dụng lý lẽ “tôi làm sau, tôi không sai bằng những anh làm trước” như cách thể hiện quan điểm "nước đến sau" của các học giả nước này tại hội thảo hồi tháng 7.

* Vậy theo nhận định của Tiến sỹ, những kịch bản nào có thể xảy ra với vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc?

Liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể, vấn đề này đã được đề cập nhiều lần trong các vụ việc trước các cơ chế tài phán quốc tế. Tuy nhiên, chưa có lần nào, chưa có tòa nào trả lời trực tiếp câu hỏi thực thể A, thực thể B có quy chế pháp lý như thế nào, nó là đảo, là đá hay bãi nửa nổi nửa chìm...

Thường trong các vụ việc trước đây, các tòa có cách tiếp cận đi vòng. Nếu vấn đề quy chế của các thực thể được đặt ra trong vụ việc phân định, Tòa thường không trả lời trực tiếp thực thể đó là gì, mà chỉ nêu thực thể đó có hiệu lực như thế nào trong việc phân định.

Nếu trong vụ kiện này, Tòa quyết định có thẩm quyền và trả lời trực tiếp câu hỏi trên, đó sẽ là quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS cũng như ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Liên quan đến "đường lưỡi bò", nếu Tòa quyết định tòa có thẩm quyền với vấn đề này thì đó cũng sẽ là một quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến tranh chấp ở Biển Đông nói riêng và việc thực thi và áp dụng UNCLOS trên thế giới nói chung.

Yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vốn dĩ rất mù mờ, không rõ ràng, làm ảnh hưởng quyền lợi của tất cả các nước trong khu vực Biển Đông cũng như bị nhiều nước phản đối. Nếu Tòa đưa ra được phán quyết và nêu rõ không có cơ sở nào theo UNCLOS và theo luật quốc tế nói chung để quốc gia có thể yêu sách "đường lưỡi bò" thì điều này sẽ đóng góp lớn trong việc làm giảm căng thẳng trong tranh chấp ở Biển Đông và bảo vệ được lợi ích của các nước trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu Tòa xét thấy Tòa không có thẩm quyền với "đường lưỡi bò" vì bất kì lí do nào đó, sẽ tốt hơn cho việc thực thi UNCLOS nếu Tòa nêu rõ lí do không xem xét vấn đề vì yêu sách "đường lưỡi bò" quá mập mờ, chưa bao giờ được làm rõ. Vì vậy, nó chỉ ở giai đoạn mới bắt đầu xuất hiện chứ chưa thực sự hình thành. Và vì chưa hình thành yêu sách thì Tòa coi như chưa tồn tại, và do đó chưa xét xử.

Nhưng tất cả đó chỉ là phỏng đoán. Liệu Tòa làm đến đâu, tất cả chúng ta vẫn còn phải chờ đợi. 

* Xin cám ơn Tiến sỹ.

Anh Minh (thực hiện)
Đoàn luật sư Philippines "cãi" gì trong phiên tranh tụng Biển Đông?
Đoàn luật sư Philippines "cãi" gì trong phiên tranh tụng Biển Đông?

Bởi diễn ra theo thể thức kín nên diễn biến của phiên tranh tụng trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc tại Tòa Trọng tài luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN