Việc đương đầu với tình cảnh khó khăn hiện nay khiến các ngân hàng châu Âu ngày càng dễ chấp nhận trở thành nơi rửa tiền của tội phạm có tổ chức.
Trang tin Euobsever cho biết, công tố viên nổi tiếng chống lại mafia Italia, Pietro Grasso, đã đưa ra nhận định trên tại buổi điều trần trước Ủy ban phòng chống tội phạm có tổ chức của Nghị viện châu Âu (EP) hồi đầu tuần này, nhằm cảnh tỉnh giới chức châu Âu về những tác động ít được quan tâm của cuộc khủng hoảng.
Công tố viên Grasso phát biểu trước báo giới: "Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã khiến cho các băng nhóm tội phạm có thêm quyền lực bởi chúng sở hữu tiền mặt với tính thanh khoản cao và sẵn sàng chi dùng được ngay... và không chỉ trong phạm vi châu Âu mà còn tại nhiều quốc gia khác với nền kinh tế dễ bị tổn thương và chúng có thể gây ảnh hưởng tới các chính trị gia".
Nhận định này cũng được chánh thanh tra cảnh sát Pháp, Francois Gayraud tán đồng. Ông nói: "Những gì chúng ta đang chứng kiến tại châu Âu là tình trạng tội phạm lan rộng trong hệ thống tài chính của thị trường nội địa. Hiện tượng này thậm chí đã đặt một số quốc gia đang phải trải qua những biến đổi về nền chính trị và thị trường tài chính trước một số vấn đề mang tính chất sống còn".
Quan điểm trên không hẳn là phát hiện mới. Ngay từ tháng 4/2011, Antonio Maria Costa, nguyên Giám đốc Tổ chức phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc (UNODC), đã nhận định: "Đồng tiền ma túy được bơm vào hệ thống tài chính đã góp phần cứu nhiều ngân hàng khỏi tình trạng phá sản".
Chuyên gia tội phạm học nổi tiếng, Michel Koutouzis, người đã tiến hành nhiều cuộc điều tra quan trọng cho Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU), trong cuốn sách mới xuất bản hồi tháng 5 vừa qua với nhan đề "Tội phạm, buôn lậu ma túy và mạng lưới", cho biết giới tội phạm có tổ chức đang đầu tư ngày càng nhiều vào trái phiếu chính phủ.
Ủy ban phòng chống tội phạm của EP đang trong quá trình soạn thảo đề cương chương trình hành động mới về phòng chống tội phạm và cơ quan thực thi là Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, theo nhận xét của chuyên gia Koutouzis, bản thân việc thiết lập một ủy ban chuyên trách này của EP cũng đã là một vấn đề. Ông phát biểu với tờ Euobserver: "Phương thức được ưa chuộng của các nhà chức trách là quan sát, nghiên cứu, rồi lập ra ủy ban và thêm một cơ quan mới. Họ thừa biết thực tế đang diễn ra như thế nào nhưng không ai chịu hành động".
Thêm vào đó, bản thân các cơ quan của EU cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với tệ nạn tham nhũng. Năm 2007, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ hai công dân Italia, một người là công chức làm việc tại EC và người kia là trợ lý làm việc tại EP, với nghi vấn nhận hối lộ của một thương gia Italia để giành các hợp đồng tài trợ của EU cho Anbani và Ấn Độ.
Ông Giovanni Kessler, người đứng đầu cơ quan phòng chống gian lận của EU đã thừa nhận rằng tội phạm có tổ chức chịu trách nhiệm khoảng 40% thiệt hại tài chính trong tổng thất thoát ngân sách của EU và xu hướng này đang ngày một gia tăng.
Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)