Khủng hoảng nhập cư ở châu Âu

Các cuộc xung đột và tình hình bất ổn Trung Đông và Bắc Phi đẩy hàng trăm nghìn người tới "miền đất hứa" châu Âu đã gây nên một cuộc khủng hoảng người nhập cư ở châu lục này. Liên tục trong những tháng qua, chính quyền ở nhiều nước châu Âu vẫn đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán nhập cư.

Châu Âu "oằn mình"


Có thể nói, tình trạng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu đã trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với "Lục địa Già", thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp. Theo Cơ quan Quản lý biên giới ngoài châu Âu (Frontex), kể từ đầu năm đến nay, hơn 200.000 người nhập cư trái phép đã tới châu lục này qua Địa Trung Hải hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Gánh nặng từ làn sóng nhập cư đang khiến các quốc gia châu Âu, đặc biệt những nước được xem là "cửa ngõ" như Hy Lạp và Italy – nơi những người di cư đặt chân đến đầu tiên để tìm đường vào các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) – đang phải "oằn mình" trước những thách thức mới.

Người nhập cư trái phép chờ đăng ký bên ngoài một đồn cảnh sát ở đảo Kos (Hy Lạp) ngày 10/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Khó khăn chồng khó khăn với Hy Lạp. Sóng gió tài chính chưa qua thì “xứ sở của các vị thần” phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư, dấy lên lo ngại về một thảm họa nhân đạo tại biên giới EU. Số liệu của Frontex cho thấy chi tính riêng trong tháng 7, đã có 50.000 người nhập cư bằng đường biển đến Hy Lạp, vượt qua con số ghi nhận của cả năm 2014. Con số này cho thấy Hy Lạp đã vượt qua cả Italy để trở thành điểm trung chuyển cho người nhập cư trốn chạy chiến tranh ở Trung Đông và bất ổn chính trị ở châu Phi đến các nước châu Âu khác. Tính từ đầu năm đến tháng 7, đã có 135.000 người đến "xứ sở thần thoại", cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến gần một nửa số 224.000 người tìm kiếm tỵ nạn và di cư vào châu Âu trong năm nay. Điều này đã đẩy Hy Lạp vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong thời điểm Athens đang "trầy trật" chống đỡ khủng hoảng nợ.

Dù tình hình kinh tế ổn định hơn song Anh và Pháp cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người nhập cư tại Calais – thị trấn cảng ở miền Bắc nước Pháp có tuyến phà và đường hầm ngầm xuyên eo biển Manche nối với Anh. Hàng nghìn người di cư - chủ yếu đến từ các nước Syria, Eritrea, Sudan, Iran và Iraq - đang tá túc tại Calais để tìm cách lọt vào Anh qua đường này, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, các cơ sở tỵ nạn tại Đức tiếp tục trong tình trạng quá tải, không thể đáp ứng nổi dòng người tới nước này quá đông trong nửa đầu năm 2015. Tại thủ đô Berlin, chính quyền thành phố đã không thể thiết kế đủ chỗ ngủ khiến hàng trăm người tỵ nạn phải dựng lều tạm ngủ qua đêm ngoài đường phố. Tính đến thời điểm hiện tại, số cơ sở đón người tỵ nạn ở Berlin đã hoàn toàn quá tải khi chỉ có 70 điểm lán trại trong khi số người ở tạm lên tới khoảng 15.000 người.

Ngoài nỗi lo về tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ cho người nhập cư, các nước châu Âu cũng đang lo ngại về xu hướng bài ngoại ngày càng thể hiện rõ qua cuộc sống hàng ngày. Trước kia, các quốc gia châu Âu có nhu cầu về lao động, nên tương đối vui vẻ chấp nhận người nhập cư từ các nước khác. Nhưng sự gia tăng đáng kể số lượng người nhập cư đang khiến cho “Lục địa Già” trở nên khó khăn hơn trong việc thích ứng với những vấn đề mà người nhập cư mang lại. Sự khác biệt văn hóa, sự phân hóa lao động, tay nghề và chi phí nhân công... là những nguyên nhân khiến mâu thuẫn giữa người di cư và dân bản địa ngày càng tăng.

Thêm vào đó là những nguy cơ rình rập khi những phần tử cực đoan, Hồi giáo thánh chiến ở Trung Đông – Bắc Phi, mang tư tưởng thù ghét các giá trị phương Tây trà trộn vào dòng người nhập cư tràn vào châu Âu. Đây là một yếu tố an ninh khiến lãnh đạo các nước châu lục không thể coi nhẹ.

Châu Âu chia rẽ

Thách thức đặt ra từ cuộc khủng hoảng người nhập cư đã trở thành đề tài nóng trong nghị trường châu Âu. Một số giải pháp tài chính và quân sự đã được đưa ra, trong đó Uỷ ban châu Âu (EC) mới đây đã phê chuẩn khoản hỗ trợ 2,4 tỷ euro (tương đương 2,6 tỷ USD) trong vòng 6 năm cho các nước châu Âu hiện đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng người di cư bất hợp pháp tăng cao. Với khoảng 560 triệu euro dự kiến được giải ngân, Italy sẽ là nước được nhận phần lớn nhất trong khoản hỗ trợ này. Trong khi đó, con số này dành cho Hy Lạp là 473 triệu euro. Trước đó, châu Âu cũng đã quyết định tăng gấp ba ngân sách cho chiến dịch cứu hộ và giám sát Triton, từ 2,9 triệu euro lên 9 triệu euro mỗi tháng.

Kế hoạch tăng cường ngân sách cho các cuộc tìm kiếm cứu nạn của EU đã giúp giảm số người chết trên biển Địa Trung Hải trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, các nước EU vẫn bất đồng và bị chia rẽ sâu sắc xung quanh kế hoạch phân chia hạn ngạch và tiếp nhận 40.000 người xin tỵ nạn đang ở Italy và Hy Lạp nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho 2 quốc gia “tuyến đầu” này. Cuối cùng, một số nước đã tình nguyện tiếp nhận 32.000 người tìm kiếm tị nạn đang tá túc tại hai quốc gia trên. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhấn mạnh do các nước thành viên EU không nhất trí được về hạn ngạch phân bổ nên EC buộc phải tìm kiếm thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện, nhằm từ nay cho đến mùa Thu tới đảm bảo con số 40.000 người mà EU đã cam kết.

Thực tế cho thấy trong bối cảnh châu Âu đang đau đầu với tình trạng kinh tế còn trì trệ và nạn thất nghiệp vẫn ở mức cao, nhiều nước có tâm lý từ chối gánh thêm phần trách nhiệm với người tỵ nạn là điều dễ hiểu. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng từng tuyên bố những người di cư đang đe dọa tiêu chuẩn sống của EU cũng như cấu trúc xã hội của liên minh, và rằng châu Âu không thể tiếp nhận hàng triệu người đang tìm kiếm cuộc sống mới.

Trong khi đó, việc một số nước tình nguyện tiếp nhận hàng nghìn người di cư vẫn chỉ giải quyết được “phần ngọn” chứ không giải quyết được “phần gốc” của làn sóng nhập cư. Giới phân tích nhận định để có thể đảm bảo cuộc khủng hoảng nhập cư này có thể chấm dứt, các nhà hoạch định chính sách EU cần có một sách lược chung trong việc hỗ trợ giải quyết tình hình chính trị bất ổn cũng như những cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi – nơi những người di cư đã chạy trốn để đến “miền đất hứa” châu Âu.

Rõ ràng, nhập cư đã trở thành vấn đề chính trị nhức nhối tại châu Âu. Cùng với các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan đầu não tại Brussels, các nước thành viên EU cần có sự phối hợp hành động và thể hiện thiện chí hơn nữa để có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề không mới này.

Phương Oanh
Italy trong mớ bòng bong có tên "di cư"
Italy trong mớ bòng bong có tên "di cư"

Khi những dòng người từ Bắc Phi vượt biển sang Italy ngày một đông, Pozzallo bắt đầu quen với cảnh đông đúc người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN