Không có điệu valse trong màn 'khiêu vũ' Mỹ - Iran

Trong bài viết đăng trên tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 30/9, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) Mỹ - ông Richard Haass - cho rằng sự kiện ngoại giao đáng chú ý nhất tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 năm nay chính là câu chuyện về quan hệ Mỹ - Iran.

Cuộc điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Iran Rouhani được cho là cuộc sự kiện mang tính lịch sử. Ảnh: Internet


Những gì mà hai bên đạt được rất quan trọng, và các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào một vấn đề duy nhất: chương trình hạt nhân của Iran. Lộ trình thật rõ ràng: nếu đàm phán hạt nhân thành công, mọi khả năng sẽ được mở ra, còn nếu thất bại, quan hệ giữa hai nước quay trở lại vạch xuất phát. Như vậy, trong màn "khiêu vũ" ngoại giao giữa Washington và Tehran sẽ không có điệu valse quyến rũ và đầy mộng mơ.

Mặc dù đã có bước khởi đầu khá tích cực, song cả Mỹ và Iran đang phải đối mặt với một thực tế là họ chưa tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, nền tảng của các cuộc đàm phán sắp tới sẽ phải được xây dựng trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Washington và Tehran có muốn thúc đẩy tiến trình này đến một điểm nào đó mà có thể chấm dứt thời kỳ căng thẳng trong quan hệ do vấn đề hạt nhân gây ra hay không?

Nếu xét theo thuật ngữ đàm phán hòa bình, họ có muốn đạt được "quy chế cuối cùng"? Trước hết, Iran sẽ phải tính toán tới khả năng tạm ngừng chương trình hạt nhân, đồng thời chấp nhận sự giám sát của quốc tế. Đổi lại, lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Iran sẽ được nới lỏng.

Khi thống nhất được mục tiêu, hai bên sẽ tiến hành thảo luận về tiến độ cũng như các giải pháp để đưa tiến trình đàm phán đến được cái đích cuối cùng. Không ai có thể phủ nhận một thực tế rằng tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran sẽ diễn ra từng bước một, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, hai bên sẽ phải làm rõ mục tiêu cuối cùng cần hướng tới, trước khi họ ngồi vào bàn đàm phán của vòng đầu tiên. Về mặt công khai và chính thức, các cuộc đàm phán này vẫn nằm trong cơ chế đa phương, với sự tham gia của các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Đức và Iran.

Tuy nhiên, trên thực tế, đó phải là các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Iran. Tiến trình đàm phán song phương sẽ quyết định cơ chế đàm phán đa phương P5+1. Và một yêu cầu tối quan trọng là các bên phải thể hiện thiện chí sẵn sàng vượt qua hàng loạt chướng ngại vật có thể đe dọa thành công cuối cùng.

Hiện nay, bầu không khí hoài nghi lẫn nhau vẫn bao trùm lên mối quan hệ Mỹ - Iran. Lịch sử sẽ là trở ngại đầu tiên mà hai nước sẽ phải vượt qua, bởi họ có quá nhiều duyên nợ. Xa xa một chút, đó là cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn lật đổ chính quyền Mossadegh ở Iran năm 1953.

Gần hơn là vụ sinh viên Iran bắt giữ con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979, tạo ra bước ngoặt đưa quan hệ song phương vào thời kỳ căng thẳng và thù địch. Trong khi đó, chương trình hạt nhân mà Iran khẳng định là nhằm mục đích hòa bình và cung ứng điện năng đã gây nhiều sóng gió cho quan hệ Washington - Tehran.

Phát biểu tại diễn đàn Đại hội đồng khóa 68 tuần qua, tân Tổng thống Hassan Rouhani - người được coi là có quan điểm ôn hòa - vẫn kiên quyết bảo vệ chương trình hạt nhân, khiến dư luận không khỏi quan ngại về cách thức xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Iran khi bắt đầu tiến trình đàm phán.

Theo ông Rouhani, công nghệ hạt nhân của Iran đã đạt tới quy mô công nghiệp. Giới chuyên gia phương Tây cho rằng cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran hiện có khoảng 18.000 máy li tâm, nhiều cơ sở làm giàu, một lượng lớn urani đã được làm giàu ở nhiều cấp độ khác nhau và một lò phản ứng mới. Đó là chưa kể đến lượng plutoni có thể giúp Iran chế tạo thêm bom nguyên tử.

Chính trị cũng là một trong những trở ngại lớn. Đơn giản là ông Rouhani chưa thực sự sẵn sàng bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng khóa 68, ông Obama đã dành nhiều thời gian để nói về mối quan hệ với Iran và chính sách của Mỹ. Dường như Mỹ đã "xuống thang" quá nhiều: không đòi hỏi phải có sự thay đổi chế độ ở Iran, chấp nhận quyền của Tehran được phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trong khi đó, ông Rouhani chưa thực sự "thò chai rượu". Cuộc điện đàm giữa ông Obama và ông Rouhani ngày 27/9 vừa mang tính biểu tượng, vừa thể hiện những biến chuyển thực sự trong quan hệ giữa hai nước. Cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn chưa rõ liệu ông Rouhani có thể nhượng bộ đến đâu? Mọi vấn đề trong chính sách của Iran vẫn phụ thuộc nhiều vào Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Về phần mình, ông Obama cũng vấp phải những thách thức riêng. Quyết định đàm phán với Iran đồng nghĩa với việc lệnh cấm vận và trừng phạt sẽ phải nới lỏng. Đó chính là thử thách rất lớn đặt ra đối với ông chủ Nhà Trắng. Nếu Iran chấp nhận ngừng chương trình hạt nhân, áp lực sẽ giảm bớt. Nhưng nếu Iran vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí nguyên tử, ông Obama sẽ bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan với sức ép mạnh mẽ từ chính giới Mỹ.

Giờ đây, cả Mỹ và Iran đang hối hả lao lên phía trước để tìm kiếm bằng chứng rằng họ có thể ngồi lại với nhau. Thế nhưng, họ sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi trước khi bắt đầu đàm phán. Dù sao chăng nữa, những thỏa thuận ban đầu giữa Mỹ và Iran cũng là dấu hiệu tích cực, góp phần ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng.


Lê Phương
Tướng Iran: Cuộc điện đàm Obama - Rouhani là sai lầm
Tướng Iran: Cuộc điện đàm Obama - Rouhani là sai lầm

Tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) cho biết, Tổng thống Hasan Rouhani lẽ ra nên từ chối cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN