Khoảng lặng để củng cố phòng tuyến bên sông Hằng

Cơn sóng thần COVID-19 ập đến bất ngờ, tấn công ồ ạt, làm khuynh đảo hệ thống y tế mong manh của Ấn Độ, rồi lại rút đi nhanh chóng giống như cái cách nó xuất hiện. Chỉ trong vòng 3 tuần, số ca nhiễm trung bình của 7 ngày tại Ấn Độ đã giảm dần đều và hiện xuống còn một nửa so với con số được ghi nhận vào lúc đỉnh điểm của làn sóng thứ hai (ngày 8/5).

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Các chuyên gia nhận định trên quy mô toàn quốc, làn sóng thứ hai tại Ấn Độ đang lắng xuống. Theo đó, vào ngày 31/5, Ấn Độ chỉ ghi nhận trung bình 185.000 ca/ngày, bằng khoảng 50% so với lúc cao điểm là 392.000 ca/ngày. Điều đáng nói, mức giảm này diễn ra chỉ trong khoảng thời gian bằng một nửa so thời gian đạt mức giảm tương tự trong làn sóng đầu tiên.

Giáo sư người Mỹ gốc Ấn Bhramar Mukherjee, nhà nghiên cứu, nhà thống kê sinh học tại Đại học Michigan (Mỹ), người đang theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ, cho biết theo các mô hình bà dự báo, đến cuối tháng 7 tới, tình hình dịch bệnh tại nước này có thể trở lại mức của tháng 2. Tuy nhiên, bà cảnh báo ý nghĩ đỉnh dịch đã qua đi có thể tạo cho con người ảo giác về sự an toàn, khi mà trên thực tế bang họ ở đang đối mặt với khủng hoảng.

Bà nhấn mạnh cần làm rõ một điều là chưa có bang nào an toàn cả và diễn biến dịch bệnh sẽ phần lớn phụ thuộc vào cách thức các bang của Ấn Độ dỡ bỏ phong tỏa ở địa phương. Tính đến cuối tháng 5, phần lớn các bang của Ấn Độ đã gia hạn lệnh phong tỏa hoặc giới nghiêm thêm từ 1-2 tuần nữa để tiếp tục phá vỡ chuỗi lây nhiễm của COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tỷ lệ tổng số ca dương tính phải giảm từ 5% trở xuống trong ít nhất 14 ngày thì một bang hoặc một quốc gia mới có thể mở cửa trở lại một cách an toàn.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Murad Banaji, nhà toán học tại Đại học Middlesex, London (Anh), đánh giá chắc chắn tình hình dịch bệnh đang giảm xuống ở hầu hết các thành phố lớn của Ấn Độ. Nhưng năng lực giám sát yếu kém ở khu vực nông thôn đã khiến “bức tranh” trở nên phức tạp. Ông nhận định: “Có khả năng dịch bệnh trên toàn quốc vẫn chưa đạt đỉnh, nhưng điều này lại không thể được nhìn thấy qua số ca mắc, bởi sự lây nhiễm hiện nay chủ yếu diễn ra ở các vùng nông thôn”.

Liên quan đến số ca tử vong, Ấn Độ là quốc gia thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Brazil ghi nhận hơn 300.000 ca tử vong do COVID-19, và giới quan sát cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê chính thức. Bất chấp tình hình dịch bệnh đã dịu đi đáng kể trong những tuần qua, hiện số ca tử vong theo ngày ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, trung bình 3.600 ca/ngày trong 7 ngày qua. Tiến sĩ Banaji lý giải có độ trễ về thời gian đạt đỉnh đối với ca nhiễm bệnh và ca tử vong. Mặc dù vậy, ông lưu ý, cũng giống như số ca nhiễm, có sự khác biệt rất lớn trong việc theo dõi và ghi nhận số ca tử vong giữa các bang và giữa khu vực nông thôn và thành thị. Ngay cả khi các trường hợp tử vong được ghi nhận bắt đầu giảm, cũng không nên diễn giải quá nhiều về con số này trước khi ngừng nghe thông tin về số lượng lớn các ca tử vong ở khu vực nông thôn.

Với những cảnh báo như trên, Ấn Độ sẽ cần các kế hoạch mang tính chiến lược và tinh tế hơn khi nới lỏng những biện pháp hạn chế để ngăn chặn làn sóng thứ hai. Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần trì hoãn việc mở cửa hàng ăn uống trong nhà, quầy bar, quán cà phê, phòng gym và các cơ sở tương tự có nguy cơ cao. Chỉ nên cho phép tụ tập dưới 10 người ở ngoài trời hoặc ở những khu vực lưu thông tốt. Đặc biệt, các đám cưới lớn vào mùa Hè trong hội trường máy lạnh được đánh giá chính là những ổ virus.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm phòng dịch COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quan trọng nhất, Ấn Độ cần tăng tốc chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đồng thời áp dụng biện pháp tiêm chủng lưu động và đại trà. Trên thực tế, hiện nay Ấn Độ đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất vaccine trong nước cũng như tích cực đàm phán với các công ty dược phẩm nước ngoài để nhập khẩu vaccine COVID-19, trong đó bao gồm các vaccine của Moderna và Pfizer. Ấn Độ đã nhận 210.000 liều vaccine Sputnik V của Nga vào đầu tháng 5 và theo kế hoạch đến cuối tháng 5 nhận thêm 3 triệu liều nữa. Đến tháng 6, tổng cộng 5 triệu liều vaccine Sputnik V sẽ được cung cấp tại Ấn Độ.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ cần theo dõi chặt chẽ các biến thể mới của virus SARS CoV-2 hoặc dấu hiệu về sự gia tăng ca nhiễm, sử dụng dữ liệu dịch tễ học và giải trình tự gen theo thời gian thực. Nước này cũng nên xem xét phương pháp xét nghiệm gộp (gộp các mẫu phẩm để xét nghiệm nhằm tiết kiệm thời gian và vật tư) và xét nghiệm nước thải (lấy mẫu nước thải và phân tích virus).

Tiến sĩ Banaji nhấn mạnh sẽ là sai lầm nếu cho rằng virus đang “hụt hơi”. Những người nhiễm một biến thể trước đó của virus vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm và thậm chí là truyền bệnh. Trong khi đó, Tiến sĩ Rijo M John, nhà kinh tế học y tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Indira Gandhi ở Mumbai khuyến cáo Ấn Độ không nên xem xét quay trở lại trạng thái bình thường ít nhất cho đến khi nước này có thể tiêm chủng cho 80% dân số. Đến nay, Ấn Độ mới chỉ tiêm đủ liều cho khoảng 43,1 triệu người, tương đương 3,2% dân số. Cho tới khi đó, việc duy trì các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn, tránh tụ tập đông người sẽ giúp ngăn chặn sự lây nhiễm.

Giờ đây khi khủng hoảng đã tạm lắng xuống, Chính phủ Ấn Độ đang có một khoảng lặng vô vùng quý báu để kiểm điểm lại các nỗ lực chống dịch COVID-19, tái thiết và gia cố hệ thống cơ sở hạ tầng y tế cũng như các “lá chắn” phòng thủ dịch COVID-19 đã tả tơi sau hai làn sóng dịch tấn công dữ dội. Việc sớm tuyên bố chiến thắng trước dịch COVID-19 đã khiến Ấn Độ phải trả giá đắt và đất nước trên bờ sông Hằng linh thiêng này có lẽ sẽ không muốn lặp lại điều đó.

Huy Lê (Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ)
Trung Quốc ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Trung Quốc ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sáng 1/6 công bố báo cáo tình hình dịch bệnh nước này cho biết trong ngày 31/5, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 23 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Đông. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN