Khi không khí trở thành “xa xỉ phẩm”

Gần đây, một công ty ở Canada bỗng ăn nên làm ra khi nảy ra ý tưởng bán không khí vừa tươi vừa sạch ở một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cho người dân Trung Quốc đang “sặc sụa” trong ô nhiễm.

Những câu chuyện tương tự liên quan tới chất lượng không khí báo động ở Trung Quốc gần đây cho thấy nỗi khổ của người dân nước này và cái giá mà Trung Quốc phải trả cho quá trình phát triển, tăng trưởng bất chấp hậu quả.

Công ty Canada nói trên tên là Vitality Air, đã bán hết veo 500 bình không khí lấy từ thành phố Banff trên núi Rocky ở Canada chỉ trong vòng hai tuần tại Trung Quốc. Mỗi bình không khí giá từ 14 đến 20 USD tùy kích thước. Ông Harrison Wang, Giám đốc hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc cho biết công ty đang nhận được rất nhiều đơn hàng đặt trước cho đợt hàng sắp tới và con số sắp lên tới 1.000.

Một lon không khí sạch bán ở Trung Quốc. Ảnh:Reuters

Mới đây, một nhà hàng Trung Quốc cũng gây xôn xao khi trong hóa đơn tính tiền có thêm cả phí lọc không khí. Nhà hàng đó ở thị xã Trương Gia Cảng, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Trong mỗi hóa đơn, nhà hàng này tính thêm 1 nhân dân tệ/thực khách cho cái gọi là “phí không khí sạch”. Một quan chức ở Trương Gia Cảng nói rằng không khí là tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự tồn tại của con người và nhà hàng phải có nghĩa vụ đảm bảo môi trường sạch sẽ, trong đó có không khí. Nhà hàng này đã được cho thời gian 7 ngày để rút lại loại phí trên.

Chuyện bán không khí ở Trung Quốc không phải là chuyện lạ trong những năm gần đây. Trước đó, năm 2014, báo chí rộ lên với chuyện một nghệ sĩ ở Bắc Kinh là Liang Kegang đã mang theo về một bình không khí sạch ở Provence (Pháp) sau khi đi nghỉ ở đây. Một cuộc bán đấu giá bình không khí với sự tham gia của gần 100 nhà sưu tập và nghệ sĩ đã được tổ chức và thật kinh ngạc khi bình không khí sạch đó được mua với giá… 860 USD. Nghệ sĩ này cho biết tổ chức đấu giá để nêu bật vấn đề không khí ô nhiễm và sự bất mãn của người dân.

Thêm một câu chuyện nữa, năm 2013, một doanh nhân tên Chen Guangbiao đã hốt bạc khi kinh doanh mặt hàng lon không khí sạch với giá rẻ hơn nhiều so với bình không khí 860 USD nói trên. Chỉ với 80 xu, bạn có thể mua một lon không khí trông như một lon soda mà không khí trong đó lấy từ khu vực trong lành ở Trung Quốc như Tân Cương hay Đài Loan. Trong vòng 10 ngày, 10 triệu lon đã được bán sạch, đặc biệt là trong những ngày mức báo động ô nhiễm lên cao kỷ lục. Ông Chen nói: “Tôi muốn nói với các lãnh đạo tỉnh, thành phố và các công ty lớn: Đừng chỉ theo đuổi tăng trưởng GDP, đừng theo đuổi lợi nhuận lớn nhất với cái giá mà con cháu chúng ta phải trả, với cái giá phải hi sinh môi trường sinh thái”.

Trong khi không khí được coi là điều mặc nhiên mà con người ai cũng có quyền hít thở, vậy mà ở Trung Quốc, nó dần trở thành mặt hàng có người mua người bán như trên. Những người mua tất cả đều là “cực chẳng đã”, như thể buộc phải mua một liều thuốc bổ cho phổi đang héo mòn vì ô nhiễm để rồi phải quay lại thở cái bầu không khí ngột ngạt vì không còn cách nào khác. Mới tuần trước, chính quyền Bắc Kinh đã phải lần thứ hai phát cảnh báo đỏ vì chất lượng không khí xuống đến mức kỷ lục, các trường học phải đóng cửa, giao thông gặp nhiều khó khăn vì không khí lúc nào cũng “mờ nhân ảnh”.

Còn nhớ năm ngoái, một số trường học quốc tế ở Trung Quốc đã phải chi hàng chục triệu nhân dân tệ để dựng các mái vòm che kín toàn bộ khu vực vui chơi, học tập của học sinh. Mái vòm của Học viện phương Tây Bắc Kinh bao phủ một diện tích tới 1.000 mét vuông và phải mất 6 tháng để xây dựng. Trong mái vòm là bầu không khí đã được lọc sạch sẽ, đảm bảo an toàn để thở.

Đó là giải pháp dành cho học sinh tại trường, còn với những người buộc phải phơi mình ra ngoài đường thì sao? Thứ bắt buộc là những chiếc khẩu trang rẻ tiền, dễ mua. Còn nếu muốn thở không khí sạch hơn, người ta phải bỏ nhiều tiền hơn để mua những thiết bị lọc không khí di động, có thể mang theo mọi lúc mọi nơi.

Trong bối cảnh ô nhiễm gây thiệt hại đủ đường cho cả người dân và nền kinh tế, chính quyền Bắc Kinh dường như cũng buộc phải “nhúc nhích” xử lý vấn đề nan giải này. Trong lần báo động đỏ thứ hai, Bắc Kinh đã phải yêu cầu 2.100 nhà máy thuộc vùng trung tâm và ngoại ô thành phố tạm ngừng hoặc cắt giảm sản xuất để đối phó với tình trạng ô nhiễm khói bụi. Việc thực thi các yêu cầu này sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ và chính quyền thành phố Bắc Kinh sẽ cử thanh tra đến từng nhà máy mỗi ngày.

Trước đó, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã hối thúc các thành phố nhất quán trong kế hoạch khẩn về không khí và thực thi thống nhất các kế hoạch này. Tuy nhiên, lời kêu gọi vẫn chỉ là kêu gọi khi các lãnh đạo địa phương nhìn chung ai cũng muốn duy trì tăng trưởng kinh tế trên mọi thứ và muốn bảo vệ hoạt động của các nhà máy trong phạm vi quản lý của mình cho dù các nhà máy này có gây ô nhiễm tới đâu đi chăng nữa. Ví dụ ở tỉnh Hà Bắc, ngành sản xuất thép vẫn là một ngành trụ cột nên cho dù có luật bảo vệ môi trường yêu cầu các tỉnh thành bêu tên công ty, nhà máy gây ô nhiễm, giới chức địa phương ở tỉnh cũng phớt lờ.

Trong bối cảnh ô nhiễm ngày càng trầm trọng, nếu Trung Quốc không có chiến lược phối hợp để giải quyết vấn nạn này mà vẫn chỉ ưu tiên tăng trưởng bằng mọi giá thì người dân không chỉ phải trả giá cho không khí để thở mà còn phải trả nhiều các giá khác đắt hơn nhiều.
Thùy Dương
Trung Quốc lại báo động "đỏ" ô nhiễm khói mù ở thủ đô
Trung Quốc lại báo động "đỏ" ô nhiễm khói mù ở thủ đô

Ngày 19/12, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã lần thứ hai phải ban bố báo động đỏ về ô nhiễm khói mù và triển khai chương trình ứng phó khẩn cấp với tình trạng ô nhiễm không khí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN