Cuộc chạy đua nguy hiểm
Sau một tuần tạm ngừng tiếng súng, thoả thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đã kết thúc vào hôm 1/12 do hai bên không đạt được sự nhất trí về việc kéo dài. Dù ngắn ngủi, nhưng thoả thuận đã giúp 105 con tin, chủ yếu là người Israel trở về nhà và mang đến tự do cho 240 tù nhân người Palestine. Ngay khi thoả thuận ngừng bắn kết thúc, quân đội Israel đã nối lại các hoạt động quân sự tại Dải Gaza.
Ngày 3/12, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nói rằng IDF tiếp tục mở rộng hoạt động trên bộ nhằm vào các trung tâm của Hamas trên toàn Dải Gaza. Điều đó có nghĩa chiến dịch quân sự mà Israel lên kế hoạch đã bắt đầu ở miền Nam Gaza, nơi tập trung đông đảo người tị nạn.
Thực tế cho thấy, chỉ trong mấy ngày cuối tuần qua, như thông tin của người phát ngôn Chính phủ Israel Eylon Levy, quân đội nước này đã tấn công hơn 400 mục tiêu của Hamas, bao gồm cả các cuộc tấn công đường không quy mô lớn nhằm vào thành phố vực Khan Younis, lớn nhất ở Nam Gaza cũng như hoạt động phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas ở Beit Lahiya thuộc Bắc Gaza. Tiếp đó vào chiều 4/12, quân đội Israel cho biết thêm họ đã tấn công thêm khoảng 200 mục tiêu của Hamas, bao gồm các trạm quan sát của hải quân, các phương tiện mang tên lửa, súng cối và vũ khí cũng như cơ sở hạ tầng khác, trong đó có đường hầm.
Xem video hậu quả để lại thành phố Khan Yunis sau đòn không kích của Israel. Nguồn: Reuters
Những cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza của Israel diễn ra trong bối cảnh nước này đang chịu áp lực ngày càng tăng từ đồng minh hàng đầu là Mỹ. Phát biểu hôm 2/12 tại Dubai trong thời gian tham dự hội nghị COP28, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết Israel có quyền tự về nhưng luật pháp quốc tế và luật nhân đạo phải được tôn trọng và đã có quá nhiều người dân Palestine vô tội thiệt mạng. Bà Harris cũng kêu gọi Israel làm nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường trong khi theo đuổi các mục tiêu quân sự ở Gaza, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ không cho phép việc người dân Palestine bị buộc phải rời khỏi Gaza hoặc Bờ Tây, việc bao vây Gaza hoặc vẽ lại biên giới ở Gaza.
Vì thế, các cuộc tấn công dồn dập nêu trên cho thấy Israel dường như đang chạy đua để giáng một đòn chí mạng vào Hamas trước một lệnh ngừng bắn khác. Khả năng này có thể thấy được từ phát biểu hôm 26/11 của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trong chuyến thăm Gaza lần đầu tiên của quan chức này kể từ khi IDF tiến hành chiến dịch trên bộ bắt đầu đúng một tháng trước. Khi đó, ông Gallant nói rằng IDF sẽ không thể dừng chiến dịch và rời bỏ cuộc chiến ở Gaza cho đến khi đưa tất cả con tin trở về. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ tiến hành dưới làn hoả lực cùng với bom rơi và sự can dự của các lực lượng chiến đấu.
Xem video các lực lượng Israel tiến hành các hoạt động quân sự trên bộ ở Dải Gaza. Nguồn: IDF ngày 4/12/2023
Như vậy có thể nói từ trước khi đạt được thoả thuận ngừng bắn đầu tiên (có hiệu lực từ 7 giờ sáng hôm 24/11), Israel đã nhất quán chiến thuật: đánh mạnh để làm xuất hiện khả năng đàm phán; đánh mạnh hơn nữa để thúc đẩy sự ra đời của một lời đề nghị có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chiến thuật này đặt dân thường ở Dải Gaza trước những rủi ro lớn. Theo cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc hôm 1/12, các cuộc tấn công của Israel đã giết chết hàng trăm dân thường. Nếu tính từ ngày xung đột bùng nổ (7/10) tới nay, hơn 15.500 người ở Gaza đã thiệt mạng và khoảng 70% trong số đó là phụ nữ cùng trẻ em. Ngoài ra, xung đột còn làm hơn 41.000 người dân Gaza bị thương.
Không chốn dung thân
Hầu hết con tin được thả tự do theo thoả thuận ngừng bắn đầu tiên là phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, 136 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Dải Gaza. Việc đàm phán thả tự do cho các con tin này sẽ khó khăn hơn bởi trong số họ có một số người là binh sĩ. Nhưng khó khăn hơn cũng có thể có nghĩa là sức ép tạo ra phải mạnh hơn. Vì thế có thể dự đoán trước khi thoả thuận ngừng bắn mới có hiệu lực, Israel sẽ tăng cường độ và tần suất tấn công các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza, nhất là ở phía Nam.
Sau vụ tấn công xuyên biên giới của Hamas ngày 7/10, khiến 1.200 người thiệt mạng và khoảng 240 trở thành con tin, Israel đã phát động chiến dịch Những thanh kiếm sắt để trả đũa. Vào tháng 11, Israel đã chiếm được phần lớn khu vực phía Bắc Gaza. Kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần sụp đổ hôm 1/12, lực lượng Israel đã nhanh chóng tiến sâu vào nửa phía Nam của Dải Gaza. Theo Liên hợp quốc, Nam Gaza là nơi ở của hơn 350.000 người trước khi xảy ra xung đột, chưa kể hàng trăm nghìn ở nơi khác sơ tán tới đây trong thời gian Israel tiến hành các hoạt động quân sự ở phía Bắc.
Để giảm thiệt hại cho dân thường, Israel đã xác định một số khu vực an toàn. Trong một thông báo trên mạng xã hội X (Twitter trước đây) vào hôm 4/12, người phát ngôn tiếng Arab của IDF, trung tá Avichay Adraee đã đăng tải kèm theo một bản đồ với khoảng một phần tư thành phố Khan Younis được đánh dấu màu vàng là khu vực phải sơ tán ngay lập tức. Ba mũi tên chỉ về phía Nam và phía Tây, yêu cầu mọi người đi về phía bờ biển Địa Trung Hải và hướng tới Rafah, gần biên giới Ai Cập.
Giao tranh đã khiến khoảng 80% trong số 2,3 triệu người ở Gaza mất nhà cửa. Từ phía Bắc, họ sơ tán xuống phía Nam và giờ đây lại tiếp tục hành trình “vô gia cư”. Hình ảnh được truyền thông ghi lại cho thấy người dân Gaza đang đi tìm nơi trú ẩn bằng mọi phương tiện. Họ di chuyển bằng xe ô tô, xe bò và thậm chí là đi bộ. Nhưng đích đến của họ liệu có an toàn.
Trong đoạn video do Reuters phát đi, ông Nabil Al-Ghandour, một người dân ở Gaza cho biết khi ông ở Zeitoun, nơi này bị pháo kích. Khi ông chuyển vào trại tị nạn Shati, nơi này cũng bị pháo kích. Lúc ông tới thị trấn Hamad thì vào ngày 2/12, bảy toà nhà ở đây bị tấn công. “Chúng tôi không thể nhìn thấy bất kỳ khu vực an toàn nào, nhưng chúng tôi di chuyển vì chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi có con cái và suốt đêm bị pháo kích nên chúng tôi phải di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, nhưng không có nơi nào an toàn ở Gaza”, ông Al-Ghandour chia sẻ.
Giống như tất cả những người dân Gaza khác, cậu bé có tên là Ismail Obaid nói trong đoạn video do Reuters phát đi rằng cậu "muốn sống". Nhưng giữa làn bom đạn, e rằng ngay cả quyền sống, một quyền tự nhiên, cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện cốt lõi của quốc tế, của cậu bé này cũng khó được đảm bảo. "Chúng tôi muốn sống, chúng tôi muốn sống, nhưng họ sẽ đưa chúng tôi đi đâu?”, Obaid nói trong sợ hãi.
Xem video người dân thành phố Khan Yunis ở Nam Gaza sơ tán. Nguồn Reuters