Khi đại dịch đóng băng trái tim nước Mỹ 

Đằng sau những khung cửa sổ rộng lớn nhô ra của Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn có sự xuất hiện của lực lượng bảo vệ, nhưng dường như sự xuất hiện của họ chẳng để làm gì, bởi vì đã lâu rất ít người lui tới cơ quan này.

Chú thích ảnh
Nhà Trắng tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên ngoài, phần lớn các con phố đi bộ ở thủ đô Washington DC cũng rơi vào trạng thái vắng vẻ, đìu hiu. Lâu nay, WB vẫn tổ chức hội nghị với các thể chế tài chính quốc tế hai lần mỗi năm, song do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, năm nay, các sự kiện này đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đại dịch là nguyên nhân chính khiến ngân hàng tấp nập này trở nên vắng lặng. Bên cạnh WB, trụ sở HQ2 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã treo biển "tạm đóng" trong suốt 6 tháng nay.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, song Washington, trung tâm chính trị của "xứ cờ hoa", vẫn đang trong tình trạng đóng băng kinh tế và xã hội sâu sắc do đợt bùng phát COVID-19 cách đây 6 tháng. Cũng vì đại dịch mà 12.000 người dự kiến tham gia các cuộc họp sắp tới tại trụ sở của WB và IMF không thể rảo bước trên vỉa hè của các con phố ở trung thâm thành phố. Thay vào đó, họ sẽ phải ở nhà, ngồi trước máy tính xách tay, tham dự hội nghị trực tuyến. 

Không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị của nước Mỹ mà trong 2 thập niên qua, thành phố này được coi là trung tâm tổ chức các hội nghị và diễn đàn quốc tế. Ông Elliott Ferguson - Giám đốc Destination DC nhớ lại trước khi xảy ra đại dịch, công ty này đã đón vô số khách đến Washington, không chỉ để tham dự các cuộc họp mà còn tận hưởng việc mua sắm. Tất cả hoạt động này đều góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Theo ông Ferguson, nếu không xảy ra đại dịch, Washington có thể  đón trên 25 triệu lượt khách tham dự hơn 42 sự kiện lớn. Thế nhưng, thành phố này dự kiến chỉ đón được khoảng 11 triệu lượt người.

Tại khu vực trung tâm, không xa Nhà Trắng, các nhà hàng bán thức ăn nhanh trên Phố K - tuyến đường ẩm thực trung tâm nơi các luật sư và các nhà vận động hành lang bận rộn thường dùng bữa trưa, vẫn trong tình trạng "cửa đóng, then cài". Nguyên nhân là do hàng nghìn nhân viên chính phủ và tổ chức, bao gồm cả 9.000 nhân viên của WB, chưa bao gồm các nhân viên tư vấn, đều đang phải làm việc ở nhà cho đến cuối năm nay. Hầu hết các nhân viên văn phòng ở Washington đều chọn biện pháp làm việc từ xa, thay vì liều mình đến công sở bởi nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 là khá lớn khi hiện Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới, với hơn 7,6 triệu ca mắc. 

Đại dịch khiến hầu hết hoạt động bị đình trệ, khiến kinh tế của Washington tính đến cuối tháng 7 chỉ bằng 12% so với cùng kỳ năm 2019, với 95% nhân viên làm việc ở nhà. Trong khi đó, công suất phòng lưu trú của khách sạn trong tháng 6 vừa qua cũng chỉ đạt 8%, giảm hơn 9 lần so với mức 74% trong tháng 2. 

Tình hình nghiêm trọng đến mức một nhân viên của chuỗi nhà thuốc CVS, cách trụ sở IMF không xa, cho rằng chi nhánh này có thể phải đóng cửa nếu các thể chế lớn không sớm mở cửa trở lại. Hiện cao điểm lắm, nhà thuốc này mới chỉ có thể bán được 200 đơn thuốc mỗi tuần, giảm rất nhiều so với mức hơn 1.000 đơn/tuần trong thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Nhân viên của nhà thuốc trên nhận định nếu may mắn, nhà thuốc này có thể chỉ cầm cự trong 6 tháng.

Bất chấp thực tế đang rất ảm đạm, ông Gregory O'Dell, người đứng đầu Trung tâm hội nghị Walter E. Washington ở trung tâm thủ đô, vẫn hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước. Trung tâm hội nghị Walter E. Washington, đón khoảng 1,5 triệu lượt người/ năm, vừa được mở cửa trở lại 2 tuần trước. Việc hủy bỏ 93 sự kiện trong năm nay đã khiến trung tâm thất thu nặng, tới 345,5 triệu USD. Với hy vọng có thể thu hút khách hàng nhằm vực dậy doanh nghiệp đứng lên từ khó khăn, ban lãnh đạo trung tâm đã thực hiện các biện pháp phòng dịch như thường xuyên khử khuẩn bề mặt nội thất và lắp đặt nhiều máy quét hiện đại sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra thân nhiệt của người khách vào tòa nhà.

Ngọc Hà (TTXVN)
Một Tổng thống Mỹ từng mắc đại dịch cách đây hơn 100 năm
Một Tổng thống Mỹ từng mắc đại dịch cách đây hơn 100 năm

Cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây lan tại Mỹ ở thời điểm nóng của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Trong những người nhiễm bệnh có Tổng thống Mỹ khi đó Woodrow Wilson.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN